Rợn người: "Mình buồn, mình ăn lá ngón"!

(PLO) -Cuộc sống nghèo khó đã khiến một bộ phận người dân vùng cao huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) nhận thức chưa đúng về giá trị cuộc sống và trách nhiệm với gia đình. Không những thế, nhiều hủ tục kéo theo đã gây nên những hệ lụy đau lòng.

“Mình buồn, mình nhai lá ngón”

Đầu tháng 10/2016, chúng tôi vượt rừng đến vùng núi Trà Cang (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), nơi có dãy Ngọc Linh sừng sững mà người dân thường nói, leo lên đỉnh là đến cổng trời.

Tại trường Tiểu học Trà Cang, chúng tôi đã bắt gặp 3 chị em Hồ Thị Điểu (lớp 3), Hồ Văn Nghễu (lớp 2) và Hồ Thị Nghêu (mẫu giáo) ăn cơm trưa trong căn nhà chòi cạnh trường. Thầy Lý Văn Đường, hiệu trưởng trường tiểu học Trà Cang cho biết, năm 2013, cha mẹ các em là Hồ Văn B. và Hồ Thị X. (nóc C72, thôn 7, xã Trà Cang) rủ nhau ra rừng ăn lá ngón, bỏ lại các em cùng người chị đầu là Hồ Thị Đáy (16 tuổi). 

Không còn cha mẹ, Điểu bỏ học. Thầy Đường đến nhà vận động đưa Điểu đi học lại. Mỗi lần Điểu đến lớp, Nghễu lại lủi thủi theo sau. Thương Nghễu, thầy Đường cho Nghễu theo chị ăn ở tại trường.

Lúc đó, Nghêu ở với chị Đáy. Đáy hằng ngày đi làm nên Nghêu bơ vơ một mình, ai cho gì ăn nấy. Thấy vậy, thầy Đường đón luôn Nghêu đến ở với chị và anh. Sau đó, thầy Đường kêu gọi người dân làm một cái chòi để 3 chị em Điểu có nơi ăn ngủ, học hành.

Giữa năm 2014, một cặp vợ chồng khác là Hồ Văn Thiên và Hồ Thị Thôi (nóc Măng Lưng, thôn 3, xã Trà Cang) cũng rủ nhau tìm đến lá ngón để tự tử. Chỉ trong phút chốc, 4 chị em Hồ Thị Vong (lớp 7), Hồ Văn Vuông, Hồ Văn Võ (cùng học lớp 2) và Hồ Thị Vân (học mẫu giáo) trở thành trẻ mồ côi và phải về sống dựa vào bà nội. 

Nhìn cảnh 4 đứa trẻ mồ côi cực khổ, thầy Đường đã xin chính quyền và vận động các thầy cô giáo trong trường đưa cả 4 em về nuôi dưỡng ngay tại trường. Sau đó, các nhà hảo tâm đã ủng hộ xây dựng được cho bà cháu các em ngôi nhà tình thương ở gần trường… 

Bà Hồ Thị Nê (mẹ Hồ Thiên) tâm sự: “Đến bây giờ, tôi cũng không biết chính xác tại sao con trai và con dâu tôi ăn lá ngón tự tử. Người thì nói do cuộc sống nghèo khổ, người thì bảo do chúng nó lục đục chuyện tình cảm. Bây giờ, 4 đứa con của nó đã trở nên không mẹ, không cha”.

Cuối năm 2015, anh Hồ Văn Bân (nóc Tắc Long, thôn 3) cũng vì buồn chuyện gia đình mà ăn lá ngón tự vẫn để lại vợ và 4 đứa con nhỏ. Còn năm 2016, đã có 5 người tìm đến lá ngón để tự tử. Một số người dân còn kể, có trường hợp không buồn mà lại ăn lá ngón để... thử có chết thật hay không. 

Đó là trường hợp của chị Hồ Thị H. Thấy nhiều người ăn lá ngón chết, chị H. nảy sinh suy nghĩ, mang lá ngón ra nấu nước uống để xem... có chết hay không. Sau khi uống được 5 phút, thấy mình vẫn bình thường nên chị H. khoe với gia đình rằng lá ngón nấu nước uống thì không chết. Tuy nhiên một lúc sau, chất độc thấm vào người, chị H. lăn đùng ra chết. 

Nói về vấn nạn tự tử bằng lá ngón, thầy Đường cho biết: “Chỉ trong vòng hơn 2 năm qua, trường đã đón hơn 10 đứa trẻ mồ côi trong xã về nuôi dưỡng. Như năm ngoái, cha mẹ em Hồ Văn Bình và Hồ Văn Nhi kéo nhau vô rừng ăn lá ngón tự tử. Trường vào tận nơi để động viên cho em Bình ra học lại, còn em Nhi đến tuổi học mẫu giáo nhưng do đường quá xa, sợ cháu ra ngoài này không ai chăm sóc nên bà ngoại cháu không cho đi”.

“Ở đây, cái chết của họ quá đơn giản. Việc gì giải quyết không được là họ tìm đến cái chết chứ không có giải pháp nào khác. Nhiều lần chính quyền địa phương và nhà trường đến tuyên truyền nhưng người dân không hiểu. Hầu như năm nào ở xã Trà Cang cũng có trường hợp ăn lá ngón tự tử”, thầy Đường cho biết thêm.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, thời gian gần đây, những hủ tục lạc hậu đang dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng những cặp vợ chồng trẻ vì ốm đau bệnh tật và đời sống gặp khó khăn nên tìm đến lá ngón tự sát, bỏ lại nhiều đứa phải trẻ mồ côi. Đây là vấn đề mà huyện đang tập trung để ngăn chặn.

Đốt phá nhà để đuổi con ma

Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó chủ tịch xã Trà Cang cho biết, xã có 7 thôn với 38 nóc nằm trên dãy núi Ngọc Linh. Toàn xã có 905 hộ, với hơn 4.000 nhân khẩu, toàn người Xê Đăng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo trên 80%.

Theo quan niệm của người Xê Đăng, người ăn lá ngón hay treo cổ tự tử đều là “chết xấu” và con ma vẫn còn trú ngụ trong nhà, nương rẫy của người chết. Để đuổi con ma đi thì phải đập phá, đốt cháy nhà. 

Theo lời kể của bà Hồ Thị Nê, sau khi bà mai táng cho vợ chồng con trai Hồ Văn Thiên, dân làng kéo đến phá, đốt cháy căn nhà của vợ chồng anh Thiên. Họ quan niệm rằng, vợ chồng anh Thiên bị ma rừng bắt đi và con ma còn quanh quẩn ở trong nhà anh Thiên. Để đuổi con ma đi thì phải châm lửa đốt nhà. Bởi đốt nhà con ma sẽ không còn chỗ ở, lúc đó nó sẽ phải ra khỏi làng. 

Thế là sau khi cha mẹ mất, bốn người con của anh Hồ Văn Thiên không những mồ côi mà còn không có nhà để ở. Cả 4 đứa trẻ phải sang nhà bà Nê trú ngụ. Hàng ngày, hai đứa lớn Vong và Võ theo bà Nê lên rẫy kiếm sắn, bắp và hái rau rừng ăn sống qua ngày. Còn hai cháu Vương và Vân quanh quẩn ở nhà với ông nội đã ngoài 80 tuổi. Bữa cơm hàng ngày của cả gia đình chỉ có cơm gạo đỏ với rau luộc. 

Thương cảm trước hoàn cảnh của chị em Vong, nhiều nhà hảo tâm quyên góp tiền của xây dựng căn nhà nhỏ hiện tại. Mặc dù, có được mái ấm mới, thuận lợi trong việc đến trường nhưng trên khuôn mặt của chúng vẫn đau đáu phận trẻ mồ côi.

Không chết vì lá ngón nhưng cái chết của vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim Cúc cũng bị cho là cái chết xấu. Tháng 8/2013, bà Cúc lâm bệnh nặng rồi qua đời. Nửa năm sau, chồng bà cũng mất trong một vụ tai nạn giao thông. Người dân cho rằng vợ chồng bà Cúc chết là do ma bắt. Để đuổi con ma, mọi người trong làng đã đốt sạch nhà cửa của vợ chồng bà Cúc.

Em Lê Hồng Phấn (16 tuổi, con bà Cúc) nói: “Em thương ba mẹ, em không sợ ma xấu nhưng dân làng đã quyết phá thì em cũng phải nghe theo. Hôm đó cán bộ huyện cũng lên để căn ngăn nhưng không ai cản nổi”. 

Tháng 8/2015, nóc Măng Dí 4 (thuộc thôn 1, xã Trà Nam, Nam Trà My) có 3 người trong nóc treo cổ tự tử. Đây là vùng định cư lâu đời của 18 hộ dân Xơ Đăng nên mọi người đều cho rằng, “cái chết xấu” đang hãm hại dân làng. Thế là, cả nóc rủ nhau chuyển đi nơi khác vì sợ cái chết xấu. Toàn bộ nhà cửa, vật dụng, vật nuôi... cũng được đưa đến nơi khác sinh sống, còn các ngôi nhà của người xấu số thì bị đốt sạch. 

Được biết, nóc Măng Dí 4 đã được chính quyền xã Trà Nam quy hoạch tổng thể để xây dựng nông thôn mới. Sau khi sự việc xảy ra, người dân lần lượt bỏ làng ra đi, mọi việc đành bỏ ngỏ. Chính quyền và các đoàn thể xã đã tích cực vận động, giải thích nhưng vẫn không giữ được chân bà con. 

“Nhà nước đã đầu tư rồi, từ trụ điện, đồng hồ... có hết. Chắc chắn bà con sẽ thiệt thòi nhiều. Tuy nhiên, thời gian đến xã sẽ tìm hướng giúp bà con một phần để đời sống bà con từng bước đi lên, xóa bỏ phòng tục lạc hậu đó”, một cán bộ xã Trà Nam cho biết.

Chị em Hồ Thị Vong được thầy Đường cưu mang trước khi về sống cùng bà nội trong căn nhà tình thương.

Mẹ chết, con phải chôn theo

Đốt nhà để ma xấu không có chỗ ở vẫn chưa phải là hủ tục duy nhất ở nơi đây. Mẹ chết, con phải chôn theo là hủ tục đau lòng và cướp đi sinh mạng của con người. 

Tháng 9/2011, do bị mất máu quá nhiều, sản phụ Hồ Thi Yên (trú xã Trà Cang) qua đời khi vừa sinh bé trai kháu khỉnh. Theo tục lệ người Xê Đăng, một cuộc họp làng diễn ra và thống nhất đám tang chị Yên phải tổ chức ngay hôm đó, đứa trẻ mới ra đời phải chôn sống cùng mẹ. 

Bởi lẽ, người dân quan niệm rằng, nếu không chôn con theo mẹ thì hồn ma người mẹ sẽ về đòi con và bắt phạt người dân trong làng. Lúc này, nữ y tá Hồ Thị Hiếu (Trạm y tế xã Trà Cang) đang ở trung tâm huyện Nam Trà My nghe được tin nên chị muốn cứu đứa bé khỏi hủ tục ghê sợ. Vì đang ở xa làng nên chị liền điện thoại cho em gái gần đó đến cướp đứa trẻ và đưa xuống trung tâm y tế huyện. 

Vì dám vượt qua lệ làng mà sau đó chị Hiếu phải đối mặt với nhiều lời buộc tội, sỉ vả của dân làng. Một thời gian sau, khi đứa trẻ đã lớn, chị Hiếu đã đến gặp già làng và những người mê muội trong hủ tục để tuyên truyền, giải thích. Với sự nỗ lực của chị Hiếu, cộng thêm sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, cuối cùng người dân cũng bỏ qua chuyện cô y tá cứu đứa trẻ. 

Những chuyện tưởng chừng như trong truyện phù thủy nhưng lại xảy ra với Trà Cang. Mới đây, chị H.T.T. vợ anh Hồ Văn Ch. (trú nóc Kiếp Xoan, thôn 2, xã Trà Cang) bị băng huyết sau khi sinh. Lúc này đứa bé vẫn còn sống, nhưng vì hủ tục lạc hậu nên cả làng đều sợ không dám cho đứa bé bú. Chính vì vậy, sau 8 tiếng chào đời, vì đói, vì lạnh nên cháu bé đã tử vong…

Gà trắng mới cúng được

Sau khi rời trường Tiểu học Trà Cang, chúng tôi đến nóc Tắc Long, một trong những nóc mà những năm gần đây người dân ăn lá ngón tự vẫn rất nhiều. Khi chúng tôi đến đầu thôn thì gặp chị Hồ Thị Nếu (SN 1974) cầm con gà trên tay đang đi đến quán tạp hóa đầu làng. 

Chị Hồ Thị Nếu (trái) đổi con gà lông trắng lấy gà lông đen để về cúng.

Khi chúng tôi hỏi mang gà đi đâu thì chị Nếu trả lời: “Mình đem đi đổi lấy con gà khác về cúng, chứ con gà này có lông màu trắng nên không cúng được”. Rồi chị Nếu kể: “Cúng thằng Thá, nó mới ăn lá ngón chết nên cả làng phải cúng”.

Theo lời chị Nếu kể, cách đó một ngày, trong lúc nghĩ quẫn, em Hồ Văn Thá (SN 2000) đã tìm đến lá ngón để tự tử. Do quan niệm đây là “cái chết xấu” nên dân làng đưa đi chôn ngay sau đó. Vì là “cái chết xấu” nên khi mai táng cho Thá, người dân không đóng quan tài. Họ cho thi thể Thá vào tấm chiếu rồi đưa ra bìa rừng vùi lấp lại. 

“Chôn xong không ai quay lại đó nữa. Những người đưa đám khi về họ cũng không đi về đường cũ mà tìm đường khác để về vì sợ con ma đi theo. Về đến làng, họ tổ chức lễ rào cổng làng lại để con ma không có đường tìm vào làng”, chị Nếu chia sẻ.

Được biết, chị Nếu là dì của em Thá. Trước khi đưa gà đi đổi để cúng, chị Nếu cùng một phụ nữ trong nóc đã “lai rai” hết hơn lít rượu gọi là “chia buồn” cùng với gia đình người cháu. Về việc đổi gà trắng lấy gà đen, theo quan niệm của người dân địa phương này, khi cúng người chết không được cúng gà có lông màu trắng. 

“Con gà này màu vàng nhưng cũng có vài cọng lông màu trắng nên không cúng được. Vì thế, phải đổi con gà màu đen hay màu chi cũng được, miễn sau nó đừng có cái lông màu trắng”, chị Nếu cho biết.

Khi chị Nếu mang gà ra về, chúng tôi có ý định muốn vào làng để xem việc cúng bái của người dân địa phương. Thế nhưng, khi chúng tôi đi đến đầu làng, một số thanh niên đang làm “lễ rào cổng” chặn lại không cho vào. 

“Ở đây có người mới chết nên mấy anh không được vào. Còn muốn ghi hình cũng chụp ít thôi. Chụp nhiều con ma nhìn thấy lại tìm đường về”, một thanh niên đang chặt cành phục vụ cho lễ rào cổng làng nói. 

Theo quan sát của chúng tôi, chiếc cổng được rào ngay đầu đường rẽ vào khu vực rừng ma-nơi em Thá vừa được chôn. Cổng được làm bằng 2 cây lau, mỗi cây được trút hết lá chỉ để lại 5 lá cuối cùng. Những lá này được buột chặt lại và tạo thành hình cánh cung. Sau khi cổng rào “chặn ma” được làm xong, dân làng bắt đầu tổ chức lễ cúng để xua đuổi “con ma mới” không được trở về hại dân làng…

Dân làng tổ chức lễ rào cổng làng để con ma không có đường vào làng.

Ước mơ đẩy lùi hủ tục

Những hủ tục ở Trà Cang đã gây ra biết bao hệ lụy. Cũng may, nơi đây còn có những con người nhân hậu, nỗ lực xóa bỏ hủ tục. Hiệu trưởng Lý Văn Đường là một trong những người ấy.

Hơn 16 năm gắn bó với các xã vùng cao của huyện Nam Trà My, thầy Đường đã thấm bao nỗi nhọc nhằn của người giáo viên cắm bản. Những ngày đói lả vì đường bị chia cắt do sạt lở, những trận sốt rét kinh niên hành hạ, những bữa cơm chỉ có rau rừng… Không những vậy, những hủ tục khiến người dân nơi đây cứ lẩn quẩn mãi trong nghèo khó. Chính những điều này đã khiến thầy Đường trăn trở trong lòng.

Về câu chuyện cưu mang, giúp đỡ các em mồ côi có chỗ ăn ở tại trường, thầy Đường nói rằng, việc làm của mình là hành động kịp thời, đúng lúc khi các em đang gặp cảnh khó khăn, hoạn nạn. 

“Cuộc sống hiện tại của các em vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng thầy cô giáo của trường vẫn luôn bên cạnh để chăm lo cho các em. Hiện các em đang được sống trong vòng tay yêu thương của bạn bè và thầy cô của trường”, thầy Đường tự hào nói. Và có thể thấy, nếu như không có hành động kịp thời như trên của thầy Hiệu trưởng Lý Văn Đường thì trong những năm qua có hàng chục em mồ côi phải bỏ học.

“2 em Điểu và Nghễu đã lớn nên đi học có thể tự đi về được. Riêng em Nghêu còn nhỏ, đang học tại Trường Mầm non của xã cách xa nơi ở nên hàng ngày thầy cô trong trường phải thay phiên nhau chở em về.

Lúc đầu cũng khó khăn lắm, các thầy cô giáo trong trường cùng nhường cơm sẻ áo để nuôi các em. Cũng may, nhờ chính sách cho học sinh vùng cao trợ giúp gạo, nên đến bây giờ các em vẫn nương tựa sống với nhau và tiếp tục đến trường”, thầy Đường nói.

“Lá ngón ở đây nhiều vô kể, diệt không thể hết. Thêm vào đó, ý thức của người dân chưa cao nên khi buồn bực vấn đề gì thì họ lại tìm đến lá ngón. Cuộc sống nghèo khó quá họ cũng ăn lá ngón. Có những cái chết tôi không hiểu nổi, nghe người ta nói ăn không chết, thế là tìm lá ngón rồi ăn, sau đó chết. Càng như vậy cái chết xấu được nhân lên, họ nói nói là ma ám mới chết rứa”, ông Nguyễn Văn Bằng, phó chủ tịch xã Trà Cang kể.

Theo ông Bằng, việc người dân quan niệm cái chết xấu đã ăn sâu vào tiềm thức. “Chúng tôi đã hết cách để ngăn chặn. Nói thì bà con không nghe, mà xử phạt thì không có chế tài. Chúng tôi đã tuyên truyền, thuyết phục quá nhiều lần, thậm chí còn dọa sẽ xử phạt nhưng “phép vua thua lệ làng”. Họ vẫn bất chấp thực hiện luật tục kéo theo nhiều hệ lụy”, ông Bằng phân trần.

Đọc thêm