(PLO) - Cho rằng vợ hờ đang mang cốt nhục người đàn ông khác, đối tượng Đinh Lanh (trú thôn Tung Ke, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) dẫm con đến chết rồi đem chôn ở lùm cây. Điều đáng nói là chính quyền địa phương đang chưa tìm ra hướng xử lý bởi hủ tục người Bana ở nơi đây cho phép chồng có quyền giết chết đứa trẻ do vợ sinh ra nếu không tin đó là giọt máu của mình.
Giết trẻ sơ sinh rồi chôn ở lùm cây
Trong căn nhà sàn tối om là nơi tá túc của cặp vợ chồng “rổ rá cạp lại”, người chồng đang ngồi giữa nhà hút rượu cần thở dài. Hàng xóm nhận xét, Lanh ngày cũng như đêm, chìm trong men rượu. Hơn nữa, bản tính người chồng, người bố này hung hãn, luôn thủ dao bên hông khiến ít tai dám gần. Còn vợ Lanh nằm lăn lóc góc nhà với vẻ mặt mệt mỏi. Một lúc sau, chị bỏ xuống khu đất trống trước nhà ngồi thẫn thờ, có lẽ đang nhớ đến đứa con bị chính chồng mình vừa giết chết.
Theo lời kể của bà con trong thôn, đêm ngày 29, rạng sáng ngày 30/6 vừa qua, chị Meo chuyển dạ sinh hạ bé trai bụ bẫm nhưng trong thôn không ai hay biết. Trưởng thôn Tung Ke, anh Đinh Hreh cũng là em họ nạn nhân thuật lại, sau đó mọi người phát hiện chị Meo đã sinh con trong đêm nhưng không thấy đứa bé đâu. Gặng hỏi mãi, sản phụ mới chua chát kể lại đứa con đã bị chồng giết, chôn ở lùm cây gần nhà. Trước đó, vợ chồng chị Meo nhờ em họ mang đứa trẻ đi chôn hộ nhưng không được chấp nhận.
|
Hiện trường nơi chôn xác bé trai |
Người chứng kiến tận mắt sự việc là cháu Đinh Tên (11 tuổi, con trai riêng của chị Meo). Tên kể, vào lúc gần sáng, em thức giấc thì chứng kiến cảnh em bé mẹ vừa sinh khóc lớn, miệng đang mút tay được bố dượng cho vào chiếc bao mang đi. Thấy vậy, Tên đi theo, ra đến lùm cây cạnh bãi đất trống gần nhà, đứa trẻ sơ sinh khóc thét, lúc đó bố dượng của Tên đã dùng chân dẫm đạp khiến cháu bé vừa chào đời chết tức tưởi rồi chôn luôn ở đó. Để tránh bị phát hiện, thủ phạm chặt nhiều cành cây phủ lên trên. “Cháu thấy em bị mang ra đây, chôn xuống đất ”, Tên sợ hãi thuật lại vừa chỉ vị trí cho mọi người biết.
Tìm đến vị trí theo lời cậu bé chỉ dẫn, dân làng phát hiện ở giữa các lùm cây cách nhà vợ chồng Lanh khoảng 50m có khoảng đất trống rộng bằng diện tích chiếc chiếu cói có vết đất mới đào. Chiếc bao mà Tên đựng em bé sơ sinh vẫn nằm lơ lửng trên cành cây. Thi thể cháu bé được xác định nằm bên dưới khoảng đất trống theo lời thừa nhận của vợ chồng Lanh và cháu Tên chứng kiến.
Rùng rợn tục giết trẻ em của người Bana
Theo người dân bản địa, đối tượng Lanh trước kia đã có vợ và con ở làng bên nhưng vì ghen tuông đã ra tay giết vợ, bị làng phạt 4 con trâu và một số lượng bò. Sau đó không lâu, đối tượng này còn mon men định giở trò sàm sỡ con dâu, đã bị chính con trai của mình phát hiện, đuổi đánh. Từ đó Lanh xấu hổ giả làm người điên nhằm che mắt thiên hạ. Từ năm 2013, Lanh và chị Meo chuyển về sống chung với nhau như vợ chồng bất chấp sự phản đối của gia đình. Theo phong tục bắt chồng của người Bana, Lanh dọn về sống chung trong căn nhà của Meo.
Trước đó chị Meo đã từng có chồng và con. Đứa bé sơ sinh xấu số ra đời sau thời gian Lanh chuyển đến ở chung, nhưng Lanh nhất quyết cho rằng đó không phải con của mình. Thực tế, bản thân chị Meo cũng không biết cháu bé là con của chồng cũ hay của Lanh.
|
Người mẹ Đinh Meo thẫn thờ ngồi bên nhà sàn |
Theo tìm hiểu, Lanh gây án một phần xuất phát từ hủ tục chôn con theo mẹ và dẫm đạp con đến chết đã có từ lâu và vẫn đang theo bám cộng đồng người Bana. Theo lệ, trong buôn làng nếu đứa trẻ nào chẳng may mồ côi mẹ mà vẫn đang thời kì bú sữa, ngay lập tức sẽ bị giết “đi theo” mẹ. Người ta có thể bỏ đói trẻ cho đến chết rồi chôn cùng mẹ bởi họ quan niệm “hồn ma” của người mẹ sẽ không siêu thoát được bởi cứ đeo đẳng bám theo con, sớm muộn cũng bắt con chết theo.
Hơn nữa, đứa bé mất mẹ nếu tiếp tục sống sẽ gây nhiều phiền hà cho gia đình. Rùng rợn hơn là hủ tục dẫm đạp trẻ con đến chết. Theo đó, khi người đàn bà đã có chồng nhưng không chung tình, mang thai với người đàn ông khác thì người chồng có quyền giết đứa trẻ vừa được sinh ra trước sự đồng tình, chứng kiến của vợ và buôn làng.
Tại đọa phương này, một trong những người dám đứng lên phá bỏ hủ tục này là vợ chồng ông Phạm Hoàng Long (SN 1950, ngụ thôn Tung Ke, xã Ayun) và chị Đinh Nai Huỳnh (SN 1960, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã). Tưởng hủ tục man rợ sẽ không còn tồn tại nữa, ai ngờ nay tái diễn trong căn nhà vợ chồng Lanh. Theo suy đoán nhiều người, Lanh đã giết đứa trẻ bởi cho rằng vợ có thai với người khác.
Khi chị Huỳnh và một số cán bộ xã hay tin lập tức chạy đến nhưng sự việc đã rồi. Gặng hỏi, chị Meo trình bày chồng có tính hay ghen. Trước kia, khi chị đang mang thai đã từng bị chồng đe doạ sẽ giết đứa trẻ nếu được sinh ra. Mọi người trong gia đình có khuyên can nhưng Lanh nhất quyết không nghe, khẳng định đứa bé không phải con mình: “Có lẽ người vợ cũng đồng tình theo hủ tục chứ nếu muốn cứu đứa bé, tại sao không kêu la để mọi người can ngăn”, Chủ tịch Hội phụ nữ xã đặt vấn đề.
Điều đáng nguy hiểm, là sự việc được truyền tai khắp buôn làng nhưng không ai trình báo lên chính quyền địa phương cho đên khi thông tin tới tai cán bộ xã. Nguy hiểm hơn, một số người địa phương còn quan niệm vụ việc… rất đỗi bình thường, “tuân theo đúng tục lệ từ xưa để lại”.