(PLO) - Giúp việc gia đình là một công việc đáng trân trọng, nên được coi là một nghề. Để giải quyết mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa chủ nhà và người giúp việc, cả hai cần có những hiểu biết về pháp luật.
Câu lạc bộ giúp việc gia đình (CLB GVGĐ) phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội thành lập tháng 7/2013, với sự hỗ trợ của Dự án “Bảo vệ quyền của lao động GVGĐ tại Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng và Rosa Luxambug Stiftung phối hợp thực hiện với sự tham gia, hỗ trợ của cán bộ UBND phường sở tại. Nội dung sinh hoạt CLB cho thấy việc hiểu luật sẽ giúp kéo gần khoảng cách giữa chủ nhà và người làm, tránh những hệ quả đáng tiếc.
Ước mơ của người giúp việc
May mắn tham dự một buổi sinh hoạt CLB GVGĐ, tôi cảm động thật sự trước sự đầm ấm, thân tình và bầu không khí sẻ chia, đầy yêu thương tại nơi này. Đặc biệt, khoảng cách xa xôi giữa chủ nhà và người giúp việc đã không còn nữa. Các thành viên CLB cho biết, mỗi tháng CLB sinh hoạt một lần và đây đã thực sự trở thành nơi sẻ chia, gửi gắm niềm tin của họ.
|
Ảnh minh họa. |
Trong không khí cởi mở và thân tình, với nét mặt hân hoan và đầy xúc cảm, bác Hà Thị Thanh (65 tuổi), quê Phú Thọ, giúp việc gia đình anh Ngô Minh Trung, phường Nghĩa Tân đã 16 năm chia sẻ, công việc GVGĐ không đơn giản như: phải xa nhà, xa quê, sống với người lạ, đặc biệt là làm một công việc mà từ trước đến nay vẫn bị xã hội rẻ rúng, coi thường... Nhưng, bác may mắn được chủ nhà đối xử rất tử tế, coi như người nhà.
Đáp lại, bác cũng coi gia đình chủ như người thân của mình. Bác cho biết, thi thoảng gia đình chủ lại đánh xe đưa bác về quê chơi và thăm hỏi gia đình bác; bác cũng coi con cái chủ nhà như con cháu mình, săn sóc chu đáo, nhiệt tình… Và cũng như gia đình họ, bác cũng vui mừng khi con trai lớn của chủ cùng lúc đỗ vào 3 trường cấp ba danh tiếng của Thủ đô, thằng nhỏ thì luôn ngoan ngoãn, lễ phép và gần gũi với bác.
Nguyễn Thị Mai (18 tuổi) - thành viên nhỏ tuổi nhất của CLB GVGĐ phường Nghĩa Tân thì chia sẻ, công việc không yêu cầu trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, công việc bình thường, vừa sức, thu nhập lại cao hơn so với các công việc lao động phổ thông khác nên cô thấy phù hợp với mình.
Tuy nhiên, Mai cũng rất buồn khi nó không và chưa được coi là một nghề, vì mọi người nghĩ đây là một công việc thấp kém, chỉ dành cho những người phụ nữ lớn tuổi, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, còn thanh niên vì bất đắc dĩ mới phải làm.
Chính vì thế, những thanh niên như Mai phải chịu rất nhiều áp lực khi làm công việc này. Bởi vậy, cô mong muốn xã hội thay đổi cách suy nghĩ về người giúp việc; GVGĐ được coi là một nghề và được đào tạo, hướng dẫn về công việc…
Chị Vũ Thị Phượng đã từng giúp việc ở Đài Loan cũng chia sẻ, được người quen giới thiệu sang nước bạn GVGĐ, chị được đào tạo, được hỗ trợ, tạo điều kiện để làm tốt công việc của mình. Nhưng vì khó khăn về giao tiếp, xa gia đình… nên chị phải quay về nước.
Vốn được đào tạo một cách bài bản, đáp ứng nhu cầu của công việc nên chị được gia đình chủ rất tin tưởng và quý trọng. Theo chị, người GVGĐ nên thông qua một Trung tâm giới thiệu việc làm, phải được đào tạo để nâng cao tay nghề cũng như sự hiểu biết của bản thân.
Bên cạnh đó, người GVGĐ cũng cần được hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là kiến thức về luật pháp để tự bảo vệ mình.… Bù lại, bản thân người GVGĐ cũng phải gắn bó và làm việc hết trách nhiệm, coi gia đình chủ như người thân của mình. Có như vậy, mối quan hệ hai bên mới gắn bó khăng khít.
Trang bị pháp luật để bảo vệ mình
Đại diện tổ dân phố phường Nghĩa Tân, cũng là một thành viên trong Ban Chủ nhiệm CLB, bác Ngô Hữu Tân cho rằng, GVGĐ không trực tiếp tạo ra của cải nhưng nó lại trực tiếp tạo ra thu nhập để người lao động nuôi sống bản thân và gia đình; tạo điều kiện để nhiều lao động có kỹ thuật, có trình độ, có cơ hội phát triển. Bởi vậy, đây là một công việc đáng được trân trọng và phải được coi là một nghề trong xã hội.
Bản thân người GVGĐ cũng nên tìm hiểu quy định của pháp luật để tự bảo vệ mình, quan trọng nhất là hợp đồng lao động để đòi hỏi quyền lợi, trách nhiệm của mình, nếu không khi có vi phạm xảy ra không biết xử lý như thế nào.
Với tư cách là thành viên trong Ban Chủ nhiệm CLB, bác Tân đã từng đứng ra hòa giải, tư vấn, giải quyết rất nhiều trường hợp GVGĐ bị gia chủ chèn ép, coi thường, xúc phạm, góp phần xóa nhòa khoảng khách giữa người GVGĐ và gia chủ. Bởi vậy, theo bác, hoạt động của CLB GVGĐ là rất có ý nghĩa.
Còn bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, ngoài 2 phường Nghĩa Tân và Quan Hoa của Cầu Giấy, Hà Nội; 2 phường khác là Đa Kao và Tân Định, TP.HCM cũng đã được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng mô hình CLB GVGĐ.
Trong khuôn khổ của Dự án cũng đã biên soạn bộ tài liệu và sổ tay về GVGĐ để phát cho 5 địa phương (Nam Định, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Hà Nội và TP.HCM) để nâng cao kiến thức cho các chị em. Ngoài ra, trong năm 2014 Dự án sẽ tiếp tục thử nghiệm mô hình đào tạo, hỗ trợ người thân trong gia đình những người GVGĐ biết cách chăm sóc, giáo dục con cái, coi sóc gia đình trong lúc họ vắng nhà đi làm ăn xa. Sau khi các mô hình trên ra đời và hoạt động một thời gian, Dự án sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng…