Sài Gòn của 40 năm về trước

(PLO) - 40 năm sau giải phóng, Sài Gòn giờ đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa hàng đầu của cả nước. Nhiều cựu lãnh đạo thành phố vẫn còn nhớ như in hôm qua, những ngày tháng trước và sau đổi mới. Để có bước chuyển mình thần kì, đã có bao mồ hôi, nước mắt, máu xương đổ xuống mảnh đất này…
Sài Gòn của 40 năm về trước
Không thể nào quên
Thời kỳ sau năm 1975 - những ngày trước đổi mới, khoảng thời gian vô cùng khốn khó đối với nhân dân cả nước và TP.HCM. Đây là thời kì diễn ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ, bế quan tỏa cảng với nước ngoài”. Trong khi đó, Mỹ cấm vận một cách khắc nghiệt đối với nước ta, hậu quả vô cùng nghiêm trọng: Nhân dân thiếu gạo phải ăn độn, trong bữa cơm hàng ngày chỉ có 10-20% là gạo, còn lại độn các loại củ, bột, bo bo… 
Nhiều năm liền chúng ta phải nhập khẩu gạo, mì, lúa mì. Nhà máy đóng cửa hoặc chạy cầm chừng vì thiếu vật tư, nguyên liệu, điện thắp sáng cũng chập chờn. Thuốc trị bệnh cho dân, giấy viết cho học sinh thiếu thốn. Ở nông thôn, đồng ruộng bị hoang hóa, bom mìn để lại khắp nơi, trâu bò còn ít nên thiếu sức kéo cho nông nghiệp… 
Nhớ về thời khắc ấy, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM (khóa 5) không khỏi bồi hồi: “Người dân thành phố không thể nào quên. Đó là khoảng 10 năm đặc biệt nặng nề. Sau chiến tranh, nền kinh tế kiệt quệ, viện trợ bên ngoài đã chấm dứt cả miền hai Nam, Bắc. Trong nước, lương thực, thực phẩm, vật tư nguyên liệu để sản xuất thiếu thốn một cách trầm trọng. 
Trong khi đó, thiên tai dồn dập, đất nước lại lâm vào hai cuộc chiến tranh biên giới. Lãnh đạo TP.HCM phải lo “chạy gạo” từng bữa cho dân” bằng cách mở ra cơ chế để trao đổi, mua bán, tạo ra lượng hàng hóa, gạo, lưu thông trên thị trường. 
Quận 5, Chợ Lớn trước đây là một trong những nơi mua bán sầm uất và phát triển mạnh của TP.HCM, tuy nhiên, sau năm 1975, nơi đây cũng rơi vào tình cảnh chung của khủng hoảng, khó khăn, thiếu thốn trăm bề". 
30 năm gắn bó với quận 5, ông Trang Hồng Châu (SN 1954), nguyên Giám đốc Công ty Dược phẩm Dược liệu Chợ Lớn, hiện là Chủ tịch Hội Đông Y quận 8 kể: Lúc bấy giờ ông là Trưởng cửa hàng lương thực - thực phẩm của quận 5, trực tiếp phân phối hàng hóa cho nhân dân, lực lượng vũ trang, công chức trên địa bàn. Nhớ lại khoảng thời gian từ năm 1979-1985, ông Châu cho biết: Tình hình lương thực, thực phẩm ở TP.HCM thời điểm đó rất khan hiếm, thậm chí đến muối ăn, đường cũng thiếu thốn. Mỗi hộ dân, cán bộ, công chức chỉ được nửa ký đường trong một tháng. Vải vóc cũng chỉ phân phối bình quân cho mỗi gia đình vài mét, gạo mỗi người chỉ được 13 ký. 
Hằn sâu trong ký ức của ông là cảnh tượng người dân đứng, ngồi mệt mỏi xếp hàng chầu chực trước các cửa hàng thương nghiệp từ 5, 6 giờ sáng để được nhận tem phiếu. Mãi đến trưa, hàng mới được phân phối. Hàng ngày như vậy, ông Châu phải duyệt cho hàng trăm sổ của người dân để họ nhận tem phiếu phân phối…
Trong khi đó, ở các xí nghiệp vẫn diễn ra tình trạng đình đốn, khó khăn, công nhân đói, khổ. Để tìm hiểu nguyên nhân, đồng chí Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã đích thân đi xuống các xí nghiệp nắm tình hình và thị trường, bàn cách khắc phục. Ngoài ra, đồng chí Bí thư còn chỉ đạo làm kế hoạch dự phòng b, c khác ngoài kế hoạch của Nhà nước, như cho phép người dân tự tìm nguồn nguyên liệu, vật tư đưa vào sản xuất. Đồng thời, mở rộng thị trường để có được lượng hàng hóa lưu thông, bán ra cho nhân dân sử dụng. 
Cũng trong khoảng từ sau năm 1975-1978, lúc bấy giờ, các cơ quan nhà nước phụ trách quản lý các kho hàng mà mình tiếp quản được. Tuy nhiên, bọn xấu bên ngoài đã móc nối với một vài phần tử xấu trong nội bộ tổ chức ăn cắp tài sản của cơ quan nhà nước.Và quận 4 là địa bàn phức tạp nhất, giang hồ cát cứ, lộng hành. Chiều xuống, đường nhập nhoạng, từ Cầu Khánh Hội nhìn về quận 4 chỉ thấy những khu nhà lá tù mù trên dòng kênh đen ngòm, không ai dám đi lại qua quận 4 vào ban đêm.
Đêm đến, chẳng người nào dám sang vì nghe đến quận 4, tất cả mọi người dân TP đều có cảm giác bất an. Còn các lực lượng công an thì vô cùng vất vả. Các tệ nạn đều có ở quận 4 và lan sang các quận khác. Để chấn chỉnh tình hình trước mắt và để trấn an người dân, chính quyền lúc đó tuy mới thành lập nhưng đã phát động các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, vận động toàn dân tham gia cùng với lực lượng quân đội, công an trên địa bàn tổ chức thành những nhóm: Thanh niên Cờ đỏ, Trật tự đường phố, thành lập Đội săn bắt cướp… nhờ đó, tình hình đã lắng dịu trở lại.
Kí ức đẹp đẽ thanh niên xung phong
Phong trào thanh niên xung phong phát triển mạnh mẽ cũng là một trong những nguyên nhân giúp thay đổi bộ mặt, hệ tư duy của TP thời kì sau giải phóng. Đó cũng là những trang sử đẹp đẽ của TP mà nhiều người còn nhớ mãi.
Ngày 28/3/1976 ông Phạm Chánh Trực, lúc ấy là Bí thư Thành Đoàn TP vinh dự được đồng chí Bí thư Thành ủy trao lá cờ đỏ sao vàng phất lên cổ vũ khí thế trước khi đoàn thanh niên xung phong lên đường. Khí thế hừng hực của phong trào ngày đó đã cuốn hút tuổi trẻ TP tham gia lao động tình nguyện. Trong đó, có cả những sinh viên, thanh niên đang học tập cũng tạm dừng việc học tham gia thanh niên xung phong. Đặc biệt là những binh lính, nhân viên chế độ cũ, và những người trước đây thuộc thành phần tệ nạn xã hội - nghiện ma túy, gái mại dâm… đều nhiệt tình tham gia vào phong trào thanh niên xung phong. 
Lúc đó, bác sĩ Thiều Hoành Chí là cựu sĩ quan quân y chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau khi hoàn thành một năm rưỡi cải tạo, nhận thấy TP cần bác sĩ, ông xin gia nhập thanh niên xung phong và gắn bó suốt 9 năm ở Nông trường Đỗ Hòa. Môi trường thanh niên xung phong được xem là nơi rèn luyện thể lực, ý chí thế cho thế hệ trẻ. 
Các phong trào thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới, tình nguyện xã hội, lao động ở các nhà thanh niên, chuyển ý thức thụ động của thế hệ trẻ sang ý thức biết lao động sản xuất, tự lực tự cường, đem sức lực trí tuệ của mình cống hiến cho xã hội, phục vụ cho nhân dân được dấy lên khắp nơi. Người dân cũng gia tăng lao động sản xuất để tự cứu mình và cứu cả TP, đây cũng là sự đột phá lớn của TP.HCM sau chiến tranh. 
Gần 40 năm gắn bó với nông trường, trải qua biết bao thăng trầm, cơ cực, đi nhiều vùng đất để giúp dân, ông Trương Văn Tốt, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Thanh niên xung phong ở xã Xuân Thới Sơn, Nhị Xuân, Hóc Môn giờ đã có nhà máy chế biến, trại chăn nuôi gà, heo giống. Hồi ấy, ông Tốt tham gia thanh niên xung phong miền, cùng anh em đi khai hoang vùng đất mới, dựng phía trên là những ngôi nhà thưng gỗ dài. Phía dưới là một ao cá rộng lớn, là nguồn thức ăn bất tận cho các anh em và người dân. Những công trình thanh niên lần lượt ra đời như thế .
Vùng đất năm xưa giờ đây đã đổi thay. Nhiều gia đình ăn nên làm ra, có nhà lầu, xe hơi, có con cái theo học các trường đại học trở thành các kỹ sư, bác sĩ, thầy cô giáo, cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội… Nhiều hộ có vườn tược, trang trại vài chục hécta tiêu, cà phê, cao su, thu lợi tiền tỷ hàng năm...
Một góc Sài Gòn hôm nay.
Một góc Sài Gòn hôm nay. 
Sau 40 năm, trải qua bao thế hệ lãnh đạo, bao thăng trầm, Sài Gòn xưa giờ là TP.HCM ngày càng đi lên, phát triển bậc nhất nước ta, nhưng trong tiềm thức của mỗi người dân, TP.HCM vẫn mãi là vùng đất giàu nặng nghĩa tình. 

Đọc thêm