Ở bang New York của nước Mỹ, một người đàn ông 25 tuổi bị kết tội trộm cắp và bị toà án tuyên phạt 1 năm tù. Anh ta tìm cách để không phải bị thụ án tù và suýt thành công. Bi kịch số phận của anh ta là vì không thành công với việc tìm cách trốn ngồi tù mà anh ta bị bị tuyên án ngồi tù thêm thời gian dài gấp 4 lần bản án đầu tiên.
Câu ngạn ngữ “Sai một ly, đi một dặm” ứng nghiệm ở đây thật không sai và đặc biệt thú vị ở mức độ lớn bé của “một ly” kia. Anh chàng này nghĩ mãi không ra cách nào có thể giúp trốn thụ án tù hoàn hảo nhất ngoài ý tưởng giả chết. Một người đã chết rồi thì làm sao còn có thể thụ án tù được nữa. Vấn đề ở chỗ làm sao để cảnh sát, phía công tố nhà nước và toà án thực sự tin là đương sự đã chết.
Pháp luật hiện hành quy định người chết phải được phía pháp y xác nhận và cấp giấy chứng tử. Như thế có nghĩa là có được giấy chứng tử thì sẽ chứng minh được là người đã chết. Suy diễn như thế, anh ta quyết định chọn cách thức này và nhờ cô bạn gái tìm chỗ làm giả giấy chứng tử rồi gửi cho tòa án, phía công tố nhà nước và cảnh sát.
Nhìn qua tờ giấy chứng tử giả ấy, dường như ai cũng tin tờ giấy là thật. Ngay đến cả vị luật sư riêng của kẻ bị kết án tù kia cũng bị ngỡ ngàng khi qua đó biết thân chủ của mình đã qua đời ở tuổi 25. Nhưng xem ra lưới trời đúng thật là lồng lộng. Chỉ vì hai tiểu tiết rất nhỏ mà tờ giấy chứng tử bị phát hiện ra là giả.
Trước tiên ở một lỗi chính tả duy nhất trên tờ giấy ấy. Lẽ ra phải viết từ “Registry” thì những cao thủ giả mạo giấy tờ lại viết thiếu đúng có mỗi chữ ‘I’ thành “Regstry”. Giấy chứng tử có mẫu riêng theo quy định của pháp luật hiện hành và đã được sử dụng từ mấy thế kỷ nay nên bản phôi không thể mắc bất kỳ lỗi chính tả nào. Việc tờ giấy chứng tử giả kia thiếu chữ ‘i’ là lỗi lầm tai hại số phận vì tự nó bóc trần bản chất giả của nó.
Sau đó là những chữ được điền vào phôi giấy khác biệt, tuy rất nhỏ thôi nhưng cũng khác biệt, với xung quanh về font chữ và kích cỡ chữ cái. Nếu chỉ liếc qua không thôi và nếu không phát hiện ra lỗi chính tả nói trên trước - tức là nếu không tìm kiếm kỹ càng hơn trên tờ giấy chứng tử giả - thì sẽ không phát hiện ra sự khác biệt này. Mưu sâu tính kỹ vì lỗi rất nhỏ và sơ đẳng này mà bị bại lộ và thất bại.
Trên thực tế từ trước đến nay, việc giả vờ chết để trốn khỏi gọng kìm cương toả của pháp luật vốn không hề hiếm xảy ra. Trí tưởng tượng của con người phong phú đến đâu thì cách thức và ý tưởng giả chết cũng đa dạng đến đó. Giả vờ tự sát cũng rất hay được vận dụng như làm giả giấy tờ xác nhận đã chết.
Nhưng cũng có câu “Người tính không bằng trời tính”, trên đời này chẳng có cái gì tuyệt đối và tuyệt hảo thật sự cả. Kế hoạch chu toàn đến đâu vẫn khó có thể tránh khỏi ẩn chưa sai sót và lỗi lầm nhất định với tiềm năng làm cho kế hoạch bị phá sản.