Sàm sỡ chốn công cộng- Khi “chiếc áo không làm nên thầy tu”…

(PLVN) - Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ sàm sỡ từ thang máy, xe bus và cả… máy bay. 
Ông Vũ Anh Cường bị trục xuất khỏi máy bay bởi có hành vi sàm sỡ và nồng độ cồn cao. (Ảnh minh họa)
Ông Vũ Anh Cường bị trục xuất khỏi máy bay bởi có hành vi sàm sỡ và nồng độ cồn cao. (Ảnh minh họa)

Từ xe bus tới thương gia

Chiều 26/7, trên chuyến bay VN 253 từ Hà Nội đi TP HCM của Vietnam Airlnes, một nam hành khách ngồi ghế thương gia có biểu hiện say xỉn rồi “sờ vào người khách nữ”. Nữ hành khách trẻ tuổi bị quấy rối cho biết, khi cô vừa ngồi xuống ghế được vài phút thì nam hành khách đi qua sờ vai rồi lần xuống phía sườn, mông… 

Ngay lúc đó, tiếp viên trưởng chuyến bay có mặt, tiếp viên trưởng hỏi vị khách có phải đang say không thì ông này đã thừa nhận. Cơ trưởng chuyến bay sau đó quyết định từ chối phục vụ nam hành khách này. An ninh sân bay, nhân viên phục vụ mặt đất có mặt và yêu cầu vị khách nam ra khỏi máy bay.

Theo cô, vị khách sàm sỡ kia còn dọa tiếp viên về việc ông ta có quan hệ với người có chức sắc, tuy nhiên, phi hành đoàn vẫn kiên quyết xử lý. Đó là ông Vũ Anh Cường, sinh năm 1960 là người đại diện pháp luật Công ty TNHH thế kỷ 21 Bình Trưng Tây (Việt Nam), có trụ sở tại TP HCM.

Ngoài ra, ông này từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Đầu tư-Thương mại-Dịch vụ Đất Lành và chủ nhiều doanh nghiệp có tiếng khác.

Trả lời báo chí, ông Cường cho rằng, việc chạm tay vào người nữ hành khách trên chuyến bay của Vietnam Airlines là do bị “té trượt, bám vào thành ghế” và phủ nhận việc sàm sỡ. Khi được hỏi về thông tin cho rằng, ông có biểu hiện say rượu, ông Cường thừa nhận, trưa đó có uống “một hai ly nhưng đâu có say”.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi này chỉ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định 162/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, đối với hành khách “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay mà chưa đến mức độ phải truy cứu trách nhiệm hình sự” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7 - 10 triệu đồng.

Theo Thông tư số 13/2019 của Bộ GTVT quy định chi tiết chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không VN chính thức có hiệu lực từ 1/6/2019, khách say rượu bia sẽ không được đi máy bay.

Mới đây vụ việc một phụ nữ trung niên bất ngờ đánh tới tấp người đàn ông nghi do bị ông này sờ ngực trên xe buýt đã gây nhiều chú ý của dư luận.

Chị Tạ Thị T (SN 1979, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Khoảng 9h30 sáng ngày 18/5, khi chị cùng các con đi xe buýt số 103A, hướng đi từ Hương Sơn đến bến xe Mỹ Đình. Tới khu vực xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) thì có người đàn ông đứng sát lại gần.

Lúc đó, tay của người đàn ông bỗng chạm vào ngực tôi, nhưng do trên xe đang đông người nên tôi cho rằng họ không may đụng phải. Vì vậy, tôi không phản ứng gì và cố gắng ngồi sang một bên, nhưng người này tiếp tục dùng tay bóp ngực tôi 3 lần”. Quá trình xác minh, cảnh sát xác định thanh niên có hành vi bệnh hoạn này là H.M.H (SN 1995, trú đường Giải Phóng, Hà Nội). 

Tiếp đó, trưa 21/6, trên tuyến buýt 01 (bến xe Yên Nghĩa - Gia Lâm), Nguyễn Đ.H (38 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm) đã tìm cách đứng gần hàng ghế có một nữ sinh đang ngồi. Sau đó, người này thực hiện hành vi thủ dâm ngay trước mặt cô, khiến nữ sinh hoảng sợ và la hét.

Lúc này, những hành khách trên xe cùng nhau giữ người đàn ông lại và giao Công an phường Hàng Mã. Tại cơ quan công an, ông H khai đã lập gia đình, không có tiền sử về bất cứ loại bệnh nào. Quá trình làm việc, ông H thừa nhận về hành vi “tự sướng” trên xe buýt nhưng khai không động chạm tới nữ sinh.

Cùng với đó, tối ngày 26/6, H.M.H lên xe buýt tuyến số 01 (Bến xe Gia Lâm - Bến xe Yên Nghĩa) ở điểm dừng đỗ gần khu vực Trường Đại học Thủy Lợi, phố Tây Sơn, quận Đống Đa. Sau đó, H đi về phía sau ghế ngồi của một nữ sinh rồi thực hiện hành vi “tự sướng”. Phát hiện sự việc, một số hành khách đã giữ thanh niên này lại, đồng thời thông báo cho lực lượng chức năng.

Và một trong những vụ sàm sỡ phụ nữ làm cộng đồng dậy sóng mạnh mẽ nhất thời gian gần đây là vụ cưỡng hôn bị phạt 200 nghìn đồng. Khi thang máy đến tầng nhà cô gái, người đàn ông bất ngờ chặn cửa, không cho ra và có những hành động sàm sỡ, xúc phạm. Tiếp nhận đơn trình báo, công an quận này xác định kẻ sàm sỡ nữ sinh là Đỗ Mạnh Hùng (31 tuổi, quê Hải Phòng).

Công an sau đó ra quyết định xử phạt hành chính đối với Đỗ Mạnh Hùng với mức phạt 200.000 đồng. Mức xử phạt này ngay lập tức khiến dư luận phản đối mạnh mẽ vì chưa đủ sức răn đe hành vi của kẻ biến thái. 

Đỉnh điểm phải kể tới vụ ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân TP.Đà Nẵng, một phút sàm sỡ một bé gái trong thang máy, ông này đã chịu một cơn phẫn nộ chưa từng có của dư luận. Sự việc có lẽ đã lặng lẽ qua đi nếu như không có hình ảnh từ camera thang máy được phát đi trên mạng. Ngay sau đó là một cơn phẫn nộ bùng phát…

Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ riêng năm ngoái, đã có đến 1.269 vụ dâm ô với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 trẻ em. Có đến 425 em bị hiếp dâm, 606 em bị giao cấu, 232 em bị dâm ô. Một con số khủng khiếp bởi mỗi ngày trung bình có đến 3 - 4 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục và đó cũng chỉ là những vụ bị phát hiện, xử lý mà thôi chứ chưa kể đến những vụ chưa bị phát hiện.

Họ tự… “lột trần” sự bỉ ổi

Vì sao các cư dân mạng lại sục sôi phẫn nộ đến thế, sôi sục phẫn nộ còn hơn cả vụ án Nguyễn Khắc Thuỷ ở Bà Rịa - Vũng Tàu hay vụ 10 thanh thiếu niên hiếp dâm tập thể một nữ sinh 14 tuổi, dù mức độ nghiêm trọng là thua xa? Bởi Linh, bởi Cường, bởi “hôn 200k”… đều là các đối tượng cổ cồn, là thương gia, chức sắc, thậm chí là người bảo vệ pháp luật, hay ít ra là có vẻ… học nhiều (!)

Sự phẫn nộ của dư luận có lẽ bắt nguồn từ “giọt nước tràn ly”: án phạt 200.000 đồng đối với kẻ xâm hại tình dục một cô gái trong thang máy hay vụ một ông thầy sờ mông, sờ đùi hàng loạt học sinh mà không hề bị xử phạt. Hơn nữa, nghi can trong nghi án dâm ô lần này lại là một cựu quan chức hành nghề lâu năm trong ngành pháp luật.

Sâu xa hơn, có lẽ sự phẫn nộ của cộng đồng đến từ sự mất mát niềm tin. Những kẻ ấu dâm đã gây ra sự thương tổn nặng nề đến sự vô tư, trong sáng cần có của tuổi thơ, của xã hội. Làm sao mà những đứa trẻ ngày nay còn giữ được sự ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên, tin cậy đối với người lớn khi chúng có thể lúc nào đó lại “làm mồi” cho những nhu cầu bệnh hoạn, tội lỗi của những kẻ ấu dâm?

Làm sao chúng không nghi ngờ, sợ hãi đối với người lớn khi được răn đe hàng ngày về việc phải cảnh giác, phải đề phòng ngay cả với những người “có vẻ đàng hoàng, lịch sự” như ông Nguyễn Hữu Linh? Tệ hơn nữa là những vụ dâm ô thường gây ảnh hưởng đến tâm lý, đến tính cách, đến vận mệnh cả đời của những đứa trẻ bị xâm hại như các nhà tâm lý đã chỉ ra.

Ở các nước tiên tiến, luật pháp đã sớm nhận ra tính chất nghiêm trọng của tội ấu dâm. Như nước Pháp, việc xúc phạm đến sự bẽn lẽn, ngây thơ và xâm hại tình dục bị xem là một trọng tội và kẻ thủ ác có thể bị kết án từ 15 - 20 năm tù khổ sai.

Trở lại vụ việc sàm sỡ trên máy bay, ông Vũ Anh Cường, chủ sở hữu các Công ty TNHH Hoàng Hiệp, Công ty TNHH MTV Sài Gòn Villas và Công ty TNHH thế kỷ 21 Bình Trưng Tây (Việt Nam), được cô gái trẻ miêu tả khá bỉ ổi: sờ lần từ vai xuống sườn.

Sau khi cô nói to: Chú làm gì đấy? Thì ông Cường lè nhè sặc mùi cồn: Chú có làm gì đâu. Thậm chí, khi nữ tiếp viên trưởng đi tới can thiệp, ông Cường tiếp tục... thả “dê” cô này (chi tiết được ghi lại trong biên bản vụ việc).

Một số ý kiến thẳng thắn, bỏ tiền bay khoang hạng nhất rồi sàm sỡ hành khách, chửi tiếp viên. Những trọc phú xưa nay chưa bao giờ khiến người ta thất vọng về sự kiên trì vô học của mình. Giàu có gì sai đâu? Cũng như nghèo vậy, không có gì là xấu. Nhưng đồng tiền chỉ tạo được cái vỏ, còn cái lõi phải bỏ công xây đắp mới có.

Chỉ 1 triệu, bạn mua đủ sách đọc cả năm - vấn đề bạn có đọc không? Chỉ 3 triệu, bạn mua được vé khoang hạng nhất - vấn đề là bạn sẽ cư xử với nhân cách hạng nhất hay hạng bét? Những kẻ trọc phú tự cho mình cái quyền đi làm nhục người khác, mà không biết, trước tiên họ tự làm nhục mặt mình và sau đó làm xấu mặt cả những người giàu tử tế…

Còn Luật sư Nguyễn Tiến Trung (Giám đốc Cty Luật Trung Nguyễn, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, có thể xem xét các đối tượng sàm sỡ ở hành vi làm nhục người khác (đó là chưa kể tùy theo từng sự việc cụ thể mà tội nặng hơn). Tuy vậy, đây cũng là một tội danh khó có thể được áp dụng trong trường hợp này, bởi đối tượng thường ra tay “chớp nhoáng” vào những thời gian, địa điểm vắng người qua lại rồi bỏ chạy.

Suy cho cùng, người ta có thể có bằng cấp nhưng chưa chắc có văn hóa tương ứng; người ta có thể có chức danh nhưng chưa hẳn có tầm văn minh tương đồng... Văn hóa là của mỗi người, bắt đầu từ văn hóa trong gia đình, bắt đầu từ môi trường sống, từ sự tương tác giữa người và người...

Theo PGS TS Huỳnh Văn Sơn, văn hóa là những vấn đề mà con người rèn luyện và nâng cao mỗi ngày, hoàn thiện không ngừng với tất cả sự nỗ lực cần thiết để lấp lánh… Chứ nhất định không phải bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài để “xưng danh, lấy le” hay đi hù dọa người khác… Bởi chiếc áo “không làm nên thầy tu”…