Câu chúc cửa miệng là sức khỏe, ai cũng mong muốn điều đó. Nhưng sức khỏe của người khác không là gì đối với những người thiếu đạo đức kinh doanh khi sản xuất những mặt hàng thiết yếu cho dịp tết như mứt, bánh kẹo, trái cây khô, rượu các loại,... bằng cách dùng thực phẩm bẩn, ngâm hóa chất, mất vệ sinh, câu chuyện măng ngâm chất vàng ô chỉ là một ví dụ cho việc không từ một thủ đoạn nào để bán được hàng cho dù chỉ là các loại thực phẩm rẻ tiền, từ chai “dấm gạo” pha a-xít đến rượu pha cồn công nghiệp.
Không chỉ tiểu thương hay những người sản xuất nhỏ lẻ mới bất chấp sức khỏe cộng đồng và không tuân thủ pháp luật mà ngay cả các “ông lớn” trong ngành công nghiệp thực phẩm, nước giải khát cũng cố tình đầu độc người tiêu dùng nếu như không có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc phát hiện xúc xích tẩm ướp hóa chất, nước giải khát có chất kích thích dậy thì là những dẫn chứng không thể chối cãi.
Dịp tết, giá vé của các phương tiện giao thông tăng, nghịch lý là càng nhiều người đi, càng đông khách thì giá càng giảm mới đúng nhưng tư duy chặt chém “tết mà” khiến các nhà cung cấp dịch vụ giao thông coi đây là cơ hội làm ăn. Dịp cuối năm, các loại phí trông giữ xe đều tăng, lại nhân cơ hội Hà Nội tăng phí giữ xe thế là “tát nước theo mưa” luôn, chỉ đỗ xe ghé lại nhà người quen một chút, ra đã thấy có người thu 30.000 mà không phiếu gửi, không biết người thu đó là ai nhưng vẫn phải nộp nếu không muốn bị gây phiền hà và ảnh hưởngđến thân thể.
Một nghịch lý khác, có vẻ không thuộc đạo đức kinh doanh hoặc lương tâm nghề nghiệp nhưng nghĩ cho kỹ đây cũng là một hành vi thuộc về văn hóa ứng xử. Đó là vào dịp cận Tết, phố phường bỗng bị xới tung lên vì thu hẹp giải phân cách, xây lại “đảo” giao thông, triển khai các việc trang trí đường phố và phổ biến nhất là lát lại vỉa hè. Dưới danh nghĩa chỉnh trang phố phường đón Tết mà làm giao thông tắc nghẽn, đường phố bụi mù hoặc lầy lội, nhớp nháp trong tiết mưa phùn cuối đông.
Đạo đức kinh doanh xuống cấp không chỉ ở việc lợi dụng các chủ trương tăng phí để làm càn mà còn thể hiện ngay ở cách đối xử của các doanh nghiệp nhà nước thuộc loại hàng đầu. Dẫn chứng rõ nhất là việc thu phí xe ra vào sân bay, Thanh tra đã chỉ rõ đây là việc phi pháp thế mà họ vẫn cứ thu, không dừng lại, chẳng coi phép nước là gì. Các “ông lớn” đường bệ mà còn xử sự như vậy, trách gì mấy bà tiểu thương ngâm thực phẩm vào hóa chất đánh lừa người tiêu dùng!
Hàng giả, hàng nhái, hàng quá 'date',... được tung ra thị trường ồ ạt vào dịp cuối năm đã là câu chuyện quá cũ, thành thông lệ từ lâu mà chẳng thấy khắc phục được chút nào. Chuyện buồn cuối năm lại tiếp tục lật sang trang mới...