Thời gian biểu tham khảo mùa dịch
Theo TS Vũ Thu Hương (Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội), chúng ta nên lập thời gian biểu hoạt động cho từng cá nhân trong gia đình. Các thời gian biểu hợp lý và được tuân thủ chính xác sẽ khiến chúng ta giảm bớt áp lực, cảm thấy một ngày trôi qua không quá buồn tẻ, ủ ê.
TS Hương lấy ví dụ một gia đình có 1 cặp vợ chồng và 2 con nhỏ có thể sắp xếp thời gian biểu như sau:
Thức dậy từ 6-7h, vệ sinh cơ thể, tập thể dục tại nhà rồi ăn sáng. Sau đó, các thành viên cùng nhau dọn dẹp bàn ăn, đồng thời quét dọn nhà cửa sạch sẽ.
Các bạn nhỏ học online theo lịch đã quy định của nhà trường. Bố mẹ làm việc online vào đúng khung giờ các con học online. Mỗi người một khu vực riêng. Bố mẹ có thể tranh thủ thời gian hỗ trợ giữa giờ cho các con.
Bữa trưa, cả nhà lại cùng nhau chuẩn bị và ăn trưa, sau đó dọn dẹp rồi nghỉ trưa ngắn (khoảng 30p).
Buổi chiều: Nên tiếp tục với lịch làm việc online hoặc làm việc cá nhân: đọc sách, chơi đồ chơi,…. giống thời gian buổi sáng. Chúng ta cố gắng duy trì mỗi buổi chừng 2 – 2,5 giờ để đảm bảo hiệu quả công việc và học tập.
Chiều tối, sau bữa cơm chiều, khi tất cả đã dọn dẹp và tắm gội xong xuôi, cha mẹ nên bố trí thời gian sinh hoạt cả gia đình như chơi các trò chơi: cá ngựa, tam cúc, cờ vua, cờ tướng, ô ăn quan, …
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tổ chức các buổi thảo luận về 1 chủ đề nào đó để các con cùng tham gia ý kiến. Khi được lắng nghe, các con sẽ hào hứng hơn là bị buộc phải im lặng mỗi khi người lớn nói chuyện.
Cha mẹ cố gắng cho con ngủ sớm, tầm từ 8h – 8h30. Điều này sẽ đảm bảo sức khỏe cho các bạn nhỏ, đồng thời giúp các cha mẹ có thêm thời gian yên tĩnh làm việc vào buổi tối.
Nên để trẻ tự thiết kế thời gian biểu
Cũng liên quan đến việc lập thời gian biểu mùa dịch, theo UNICEF Việt Nam, trẻ em cần sinh hoạt quy củ. Bởi vậy trong thời gian nghỉ tránh dịch, những gì cha mẹ cần làm là nhanh chóng đưa ra một thời gian biểu mới cho mỗi người trong gia đình để vượt qua những ngày dịch này.
“Tôi khuyên các bậc cha mẹ nên có một thời gian biểu sinh hoạt cụ thể cho một ngày - bao gồm giờ vui chơi để trẻ trò chuyện với bạn bè qua điện thoại, giờ vui chơi không tiếp xúc với đồ công nghệ và thời gian giúp cha mẹ làm việc nhà. Hãy suy nghĩ về những giá trị bạn trân trọng và xây dựng một thời gian biểu có thể thực hiện được những điều đó. Trẻ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi có cảm giác chắc chắn, biết trước trong ngày sẽ có những hoạt động gì, biết khi nào học bài và khi nào được chơi”- Tiến sĩ Lisa Damour, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên trả lời UNICEF Việt Nam.
Tiến sĩ cũng khuyên nên cho trẻ tham gia vào việc xây dựng thời gian biểu hàng ngày. “Đối với trẻ từ 10-11 tuổi trở lên, tôi sẽ bảo trẻ tự thiết kế thời gian biểu của mình. Hãy gợi ý cho trẻ những gì nên đưa vào thời gian biểu, và cùng con xây dựng kế hoạch hàng ngày”.
Còn đối với trẻ nhỏ tuổi hơn, “tùy thuộc vào người trực tiếp chăm sóc (không phải bố mẹ nào cũng ở nhà để làm việc này), hãy thiết kế những việc cần làm trước khi được làm những thứ khác: việc bài vở ở trường và việc nhà. Với một số gia đình, bắt đầu một ngày như vậy rất hiệu quả cho trẻ.
Nhưng một số gia đình khác có thể thấy ổn với việc bắt đầu một ngày muộn hơn một chút bằng việc ngủ thêm và thức dậy muộn một chút, rồi cả nhà cùng nhau ăn sáng”. Với những cha mẹ không thể trông con vào ban ngày, hãy cùng với người trông trẻ thiết kế một thời gian biểu hiệu quả nhất cho con.
Có thể tự học online một nghề nào đó
Theo một số chuyên gia về kỹ năng sống, trong thời gian nghỉ tránh dịch mọi người có quỹ thời gian tương đối nhiều, cộng với lợi thế internet hiện nay thì ai cũng có thể tự học trực tuyến những nghề đơn giản như: học may, học làm bánh, học cắm hoa trang trí nhà cửa…Một số người khéo tay có thể đăng bán sản phẩm do mình làm ra lên các trang thương mại điện tử. Như vậy vừa có thêm thu nhập vừa tránh nhàm chán.