Rất có thể thời hạn này sẽ được kéo dài thêm để hai bên có thể kết thúc thành công cuộc đàm phán. Nhưng cho dù kết quả đàm phán có như thế nào thì nước Anh cũng vẫn sẽ đứng ngoài EU. Nếu giữa hai bên đạt được thỏa thuận về khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương cho thời kỳ hậu Brexit thì hai bên sẽ có hiệp định thương mại tự do bù đắp cho việc nước Anh không còn được thụ hưởng gì nữa từ Liên minh thuế quan chung và Thị trường nội địa chung của EU.
Nếu không đạt được thỏa thuận như thế thì giữa EU và Anh từ sau Brexit sẽ như giữa các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với nhau. Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trương thực hiện Brexit bằng mọi giá nên kịch bản nào xảy ra cũng đều chấp nhận hết, cho dù vẫn sẽ theo đuổi đến tận cùng việc có được hiệp định thương mại tự do cho Anh với EU.
Vấn đề đối với ông Johnson và nước Anh là chia ly với EU. Nhưng sau Brexit, ông Johnson buộc phải xử lý ngay và luôn việc xứ Scotland vì Brexit mà lại sôi sục chủ định ly khai nước Anh để trở thành nhà nước độc lập mới ở châu Âu. Người đứng đầu chính quyền xứ Scotland là bà Nicola Sturgeon cho biết xứ này sẽ nỗ lực về pháp lý và chính trị để tiến hành cuộc trng cầu dân ý mới về nền độc lập riêng cho Scotland, tức là Scotland ly khai nước Anh. Người phụ nữ này còn tuyên bố EU là quê hương của Scotland và sau khi trở thành nhà nước độc lập, Scotland sẽ xin gia nhập EU.
Đương nhiên là ông Johnson sẽ không để cho xứ Scotland tự ý rời khỏi nước Anh. Nhưng vấn đề này sớm hay muộn thì chính quyền Anh cũng phải xử lý ổn thỏa và dứt điểm bởi nó như cái ung nhọt trên thân thể và càng để lâu càng khó xử lý cũng như càng nguy hại cho tương lai.
Vấn đề ở chỗ nếu có được thỏa thuận với EU về khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương cho thời kỳ hậu Brexit thì ông Johnson sẽ dễ xử lý vấn đề ly khai của xứ Scotland hơn nhiều. EU và Anh mà như chỉ giữa các thành viên WTO với nhau thì mối liên kết giữa xứ Scotland và nước Anh sẽ trở nên càng ngày càng thêm lỏng lẻo và xa nhạt. Cũng chính vì thế mà ông Johnson tuy tỏ ra bất cần nhưng trong thâm tâm lại rất cần có được kết cục đàm phán thành công với EU về Brexit.
Hệ luỵ của Brexit đối với nước Anh thật sự như thế nào thì phải sau Brexit mới có thể thấy hết được. Nhưng điều có thể chắc chắn được là các xứ lãnh thổ ở nước Anh sẽ trỗi dậy mạnh mẽ làn sóng ly khai.