Sâu lắng Tết làng nghề phương Nam

(PLO) -TP.Hồ Chí Minh - đô thị sôi động phương Nam vẫn ẩn chứa bên trong nhiều yếu tố truyền thống. Tết về, những làng nghề ở Sài Gòn sôi động hơn, rộn ràng hơn, điểm tô vào tết phương Nam một vẻ đẹp sâu lắng bên cạnh cái ồn ã quanh năm… 
Năm nhuận, hoa nở sớm…
Một năm chỉ có ba tháng xuân và hoa thường được nở đẹp nhất vào những ngày tết. Nhưng người Gò Vấp thì dường như thấy tiết xuân quanh năm bởi bốn mùa hoa nở khắp làng hoa, mùa nào hoa nấy.
Dường như ở đâu có giống hoa gì thì ở Gò Vấp cũng có và hiện có tới hơn 200 loại. Điều kỳ diệu nhất là giữa không gian đô thị hóa phát triển nhanh vẫn tồn tại một làng hoa truyền thống tỏa ngát hương sắc cho quê hương thêm lộng lẫy trong mùa xuân đất nước.
Những người trồng hoa thường phải chịu khó thu mua từ khắp các nơi, tìm kiếm tận miền Tây, miền Đông, ra cả những cánh rừng miền Trung nắng gió, những nơi thậm chí chưa từng có ai đến để đem về những chủng loại, kiểu dáng lạ.
Những người làm hoa Gò Vấp không giấu nghề, có bao nhiêu bí quyết đều sẵn lòng phổ biến. Bất cứ ai đến thăm vườn đều nhận được sự chia sẻ thẳng thắn tận tình của chủ vườn hoa. Nghề đòi hỏi phải có một tình yêu đến độ đam mê, kiên trì và chịu khó, và cũng cần có chút năng khiếu nghệ thuật để khai thác chất liệu nâng cấp ngày một đẹp hơn, cũng như đáp ứng thị hiếu ngày càng cao hơn của khách thập phương.
“Thị trường hoa năm nay không bằng mọi năm, dù đã gần Tết nhưng bán không chạy lắm có lẽ do kinh tế khó khăn. Vì năm nhuận nên việc canh trồng để đúng dịp tết nở hoa cũng hơi khó, nhất là hoa mai” - chị Nguyễn Ngọc Ánh, chủ vựa kiểng Ngọc Ánh chia sẻ.
Tại làng hoa Thủ Đức cũng vậy. Anh Chín Nam, một chủ vựa hoa trên đường Kha Vạn Cân kể: “Dù chăm kĩ lắm nhưng vẫn có nhiều cây mai nở sớm đúng vụ tết hàng năm, tức là sớm gần 20 ngày so với Tết Ất Mùi. Những cây mai này, chủ vựa đành dành riêng cho mình… chơi tết sớm mà thôi”.
Mùa xuân thoăn thoắt tay người thợ
Tồn tại được hơn 200 năm lịch sử dù không còn không khí tấp nập của một làng nghề, người dân vẫn quen gọi phường 12, quận Gò Vấp là làng lư đồng An Hội.
Trải qua nhiều thăng trầm năm tháng, làng hiện nay chỉ còn một số lò đang hoạt động. Nghề đúc lư đồng không thể sử dụng máy móc cho bất kỳ công đoạn nào, thậm chí đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ rất cao từ người thợ nên chi phí nhân công rất cao.
Các làng nghề phương Nam đang vào mùa Tết 
Theo anh Trần Minh Quốc – quản lý cơ sở lư đồng Năm Toàn: “Năm nay, dù kinh tế khó khăn nhưng lư đồng lại bán được hơn mọi năm. Lư đồng sản xuất quanh năm nhưng chỉ bán được vào mùa Tết vì là thời gian cao điểm nên cả lò đều phải làm việc hết mình để đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường”. 
Anh còn cho biết trong vòng một tháng, lò của anh có thể sản xuất được khoảng 250 bộ lư đồng và mỗi bộ có giá từ khoảng 3 triệu đến  vài chục triệu đồng tùy độ lớn, nhỏ và sự tỉ mỉ, công phu của mỗi bộ sản phẩm.
Có thể nói nghề đúc đồng thủ công ở Sài Gòn xưa là một nghề có kỹ thuật khá cao. Thợ cả là người phải biết khá nhiều kiến thức, phải nắm được toàn bộ cách gia công trên đồ đồng, từ việc pha chế nguyên liệu đến việc làm khuôn, đúc,  chạm.
Họ còn phải biết thêm các nghề phụ như hội họa, điêu khắc, nặn tượng, kim hoàn... Đấy là chưa kể phải có con mắt của một nhà tạo dáng công nghiệp. Hiện nay, An Hội là làng đúc lư đồng theo lối thủ công duy nhất còn tồn tại ở đất Sài Gòn. Theo thông lệ thì ngày 25 tháng 12 Âm lịch hàng năm là ngày cúng tổ nghề đúc đồng ở Tân Hòa Đông. Vào ngày này, cũng là ngày giáp tết, thợ cả, thợ bạn tập hợp lại, dọn dẹp đồ nghề, cúng kiếng, ăn uống với nhau rồi nghỉ tết, chờ ra giêng cùng tổ sản xuất lại.
Nếu có dịp đi ngang phường Tân Tạo của quận Tân Bình, khách sẽ được ngửi mùi nhang thơm nức lan tỏa. Dọc tỉnh lộ 10 đoạn từ phường Tân Tạo A và B của quận Bình Tân là những cơ sở sản xuất nhang thủ công và nhang nhúng lớn nhất ở TP.HCM.  Người ta gọi nơi đây là “làng nhang Sài Gòn”.
Làng nhang hối hả vào mùa Tết 
Những ngày Tết đến, xuân về như thế này thì ở làng nhang, mọi người đều cắm cúi làm việc không ngừng nghỉ để kịp hàng giao bán trong và ngoài nước. Chị Nguyễn Mộng Tiên (50 tuổi, công nhân làm nhang) chia sẻ: “Tết sắp đến rồi mà chưa chuẩn bị về quê được. Năm nào thời điểm này cũng làm như chạy mới kịp hàng giao cho người ta. 26 tết mới được nghỉ ngơi thong thả mà về quê với gia đình”...
Những vẻ đẹp đang mất dần…
Càng những năm về sau, với việc đô thị hóa, cơ giới hóa và sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng, những làng nghề ở thành phố dường như ngày càng mai một. 
Làng đúc đồng Gò Vấp, làng nem Thủ Đức, làng đan lát Củ Chi..  ngày càng co cụm lại. Làng nhang Tân Bình tùy theo số lượng nhân công, mỗi ngày có gia đình sản xuất đến 10.000 cây nhang quế. Nhiều là thế, nhưng chủ cơ sở và công nhân đều than kinh tế khó khăn, giá nguyên vật liệu quá cao nên vụ tết làm cật lực, một cơ sở nhỏ chỉ lời khoảng vài triệu đồng. Có chủ cơ sở than làm năm nay nữa, chắc thôi chuyển nghề quá…
Một làng nghề khác là làng nem Thủ Đức, trước kia từng là làng nghề nổi tiếng khắp Sài Gòn và các tỉnh lân cận, là điểm dừng chân của các tour du lịch, nay cứ mỗi mùa tết lại vắng bóng bởi những cơ sở nổi tiếng đã dần rời bỏ nghề. 
Lý do phần vì sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Làng mai Thủ Đức cũng không nằm ngoài cảnh này. Kể từ khi con đường Kha Vạn Cân bị thu hẹp, thay vào đó con đường lớn quang đãng Phạm Văn Đồng mở ra, cùng với việc giải tỏa nhiều khu đất lớn, đồng nghĩa với làng mai cũng thu hẹp diện tích đi nhiều. Nhiều chủ vựa đất ra đến mặt tiền, đã chuyển nghề thành những ông chủ bất động sản, chủ nhà hàng. Nhiều vườn mai lớn, nở rộ những mùa tết năm xưa nay chỉ còn trong kí ức người dân.
Những nét đẹp trầm lắng giữa đô thị Sài Gòn ồn ã giờ đang thu hẹp dần, đó cũng là quy luật tất yếu của sự phát triển, khi mà nhu cầu người dân đã khác. Thế nhưng, sao vẫn có chút tiếc nuối, ngậm ngùi…/.

Đọc thêm