Sau Tết, lao động rục rịch "nhảy việc"

(PLO) - Theo quy luật thông thường, sau Tết là khoảng thời gian thị trường nguồn nhân lực lao động có nhiều biến động nhất.
Sau Tết, thị trường lao động có nhiều dịch chuyển (Ảnh minh họa: Guu)
Sau Tết, thị trường lao động có nhiều dịch chuyển (Ảnh minh họa: Guu)
Sau một năm nỗ lực làm việc, hoàn thành công việc được giao, song anh Luân, một nhân viên công nghệ thông tin ở quận Ba Đình (Hà Nội) vẫn quyết định đầu năm nay chuyển sang công ty (cty) mới.
Anh Luân cho biết, công việc và mức lương của anh ở cty cũ không tồi, nhưng với anh đó không phải là tất cả. “Môi trường ở cty cũ quá gò bó. Nó như lối mòn tôi đi đã mấy năm nay. Tôi muốn một môi trường làm việc mới”, anh Luân chia sẻ.
“Sẽ có rất nhiều khó khăn khi dời việc lúc này, nhưng tôi đã nghĩ rất kỹ trước khi quyết định và coi đây là thử thách năm 2016”, chị Huyền, nhân viên quản lý tại một siêu thị ở quận Hoàng Mai chia sẻ lý do nhảy việc, đồng thời cho rằng, đây cũng là cơ hội.
Được đánh giá có năng lực, đóng góp nhiều sáng kiến gia tăng doanh thu cho cơ quan, tuy nhiên anh Hải, trưởng phòng một ngân hàng thương mại tại Cầu Giấy vẫn quyết định rời bỏ công việc cũ đến với một nhà băng khác. 
Nhiều cạnh tranh

Năm 2016 được xem là năm Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng vào khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng ASEAN (AEC), ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), thực hiện lộ trình cam kết WTO, AFTA...

Dự báo kinh tế xã hội có nhiều bước phát triển, thị trường lao động bước đầu hình thành dịch chuyển tự do mở ra nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, đi kèm với đó là thách thức cạnh tranh từ nguồn lao động có chất lượng, kinh nghiệm cao từ các nước.

Anh Hải tâm sự: “Tuổi tác không cho phép mình mạo hiểm, nhưng áp lực tâm lý quá nặng nề không phải đến từ công việc khiến mình dành trọn một ngày trước Tết suy nghĩ để đi đến quyết định này”. 

Anh Hải nhận định, công việc mới là một chuyên môn khác có thể không mang lại thu nhập cao hơn, song môi trường làm việc mới sẽ khiến anh dễ thở hơn. Anh Hải nói: “Có những thiệt thòi nhất định, nhưng mình nghĩ đó là điều nên làm trong năm nay”.
Lý do nhảy việc với chị Lan Anh, nhân viên kế toán một cty xây dựng đơn giản, bởi: “Sau khi nghỉ sinh em bé rồi nghỉ Tết luôn, ông xã khuyên tìm một công việc thoải mái hơn về thời gian để có điều kiện chăm con”.
Còn với anh Toản, một lao động từ Sài Gòn về Nam Định nghỉ Tết thì thay đổi công việc là cơ hội cống hiến cho quê hương sao nhiều năm mải miết “mang chuông đi gõ xứ người”. 

“Năm 2005, học xong Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội mình vào Đồng Nai rồi lên Sài Gòn làm. Thu nhập cũng tạm nhưng chẳng đọng được gì so với chi tiêu đắt đỏ ở đất phương Nam.

Hôm 20 Tết về quê, người anh họ rủ về làm cho cty của anh ấy trên tỉnh, mình quyết định về quê lập nghiệp”, chàng cử nhân kinh tế chia sẻ. 

Theo các chuyên gia về nhân sự, thông thường, thời điểm đầu năm các Cty thường tuyển dụng nhiều để bù vào chỗ trống của những người nghỉ việc cuối năm cũ hoặc tuyển mới những vị trí Cty, đơn vị đang có nhu cầu. 
Với người lao động, chuyển việc ngoài lý do chủ quan, thì lý do khách quan là tâm lý công việc mới sẽ ưng ý hơn, có nhiều cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng hoặc thăng tiến.
Một chuyên gia lao động - việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, thay đổi công việc vào đầu năm cho thấy người lao động đó năng động, có chí tiến thủ, không ngại khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, "nhảy việc" đầu năm cũng chứa đựng không ít rủi ro.
“Đầu năm, các cty, đơn vị thường có nhu cầu tuyển dụng cao để bù đắp lại chỗ trống của những người chuyển việc, hoặc bị mất việc ở cuối năm trước… để lại”, vị này nhận định, đồng thời cảnh báo: đầu năm không ít người tìm kiếm công việc tốt hoặc chí ít là có một việc làm. Nếu không có chuẩn bị tốt, người nghỉ việc, "nhảy việc" có thể đối đầu với những ngày rong ruổi khắp nơi để nộp hồ sơ.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia tuyển dụng, sai lầm phổ biến nhất của người lao động "nhảy việc" mắc phải là không hoạch định trước. Do đó cần nghiên cứu về ngành nghề muốn chuyển, các bước tiến hành và phương án phòng bị...

Năm 2016 TPHCM cần 270.000 lao động
Dịp sau Tết, TPHCM là địa phương có biến động về nguồn nhân lực diễn ra mạnh mẽ nhất. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, dự kiến năm 2016, toàn thành phố có nhu cầu 270.000 chỗ làm việc (quý 1: 65.000, quý 2: 70.000, quý 3: 70.000, quý 4: 65.000), trong đó có khoảng 130.000 chỗ làm việc mới.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở những ngành nghề: Công nghệ thông tin, Cơ khí; Vận tải - Kho bãi xuất nhập khẩu; Dệt May - Giày da; Dịch vụ du lịch - Nhà hàng khách sạn; Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng; Y tế - chăm sóc sức khỏe, Giáo dục đào tạo, Biên phiên dịch…

Đọc thêm