Lời giải nào cho "bài toán lao động" sau tết?

(PLO) - Ra Tết các doanh nghiệp lại chật vật tuyển dụng lao động bù cho số thiếu hụt vì về quê ăn Tết xong không quay trở lại làm việc. Tình trạng này lặp lại năm này qua năm khác, phá vỡ quan hệ lao động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất, kinh doanh đầu năm của các doanh nghiệp. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và giải pháp nào nhằm bình ổn thị trường lao động trở lại sau Tết?.
Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội – Sở LĐTB&XH Hà Nội
Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội – Sở LĐTB&XH Hà Nội
Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm – Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội.
- Thưa ông, có thể rút ra những nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán?
- Thiếu lao động sau Tết Nguyên đán là tình trạng xảy ra khá phổ biến tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) trong những năm gần đây. Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động sau mỗi dịp Tết là do các doanh nghiệp thường đặt mục tiêu phát triển theo kiểu “ăn xổi”, nghĩa là tuyển lao động vào, trả lương cho họ là xong chứ không quan tâm đến đời sống người lao động hay tạo điều kiện cho họ phát triển tay nghề, năng lực. Do đó, người lao động, nhất là lao động phổ thông thường có tâm lý coi đâu cũng chỉ là chỗ làm tạm. 
Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân khiến người lao động chưa kịp trở lại làm việc sau Tết như: đường sá xa xôi, đi lại khó khăn; một bộ phận tìm được việc ở quê; mức lương “hứa hẹn” mà các doanh nghiệp đưa ra chưa thu hút người lao động trong khi giá cả tăng cao… 
Hơn nữa, các công việc ở các KCN, KCX thường mang tính chất gò bó, thời gian làm việc nhiều nhưng tiền lương thực tế lại không cao. Mặt khác, việc xuất hiện các KCN tại địa phương cũng hút người lao động tìm kiếm việc làm ngay trên quê nhà thay vì trở lại chỗ làm cũ. Các lao động tay nghề cao cũng từ chối trở lại làm việc nếu tìm được những nơi làm việc mới có chế độ đãi ngộ tốt hơn...
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác như: ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của người lao động chưa cao dẫn đến tình trạng tự ý nghỉ hoặc “nhảy” việc, khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu hụt lao động phổ biến. 
- Theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng này? 
- Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau mỗi dịp Tết, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, doanh nghiệp và người lao động cần chủ động và phối hợp thực hiện một số biện pháp sau:
Về phía cơ quan quản lý nhà nước về lao động: cần triển khai tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động về vấn đề thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán; nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp, đồng thời có các biện pháp kiểm tra, giám sát Công đoàn tại các doanh nghiệp để thực hiện tốt việc đảm bảo quyền lợi và chăm lo đời sống cho người lao động. 
Về phía doanh nghiệp: cần đảm bảo chế độ tiền lương, thưởng Tết cũng như cải thiện môi trường và điều kiện làm việc, chỗ ở cho người lao động; hỗ trợ thêm đời sống công nhân giúp cho họ an tâm làm việc trong môi trường doanh nghiệp quen thuộc của mình. Vấn đề cần quan tâm ở đây là doanh nghiệp phải có chính sách thu hút lao động và giữ chân họ, chứ không thể cứ “kêu ca” thiếu lao động mà không có bất cứ thay đổi nào trong tuyển dụng, đào tạo và chăm lo cho người lao động.
Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao nhận thức của người lao động, thông qua việc tuyên truyền, giáo dục, động viên họ cùng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời, động viên doanh nghiệp quan tâm bảo đảm quyền lợi của người lao động, tạo mối quan hệ lao động hài hòa. 
Về phía người lao động thì cần chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia vào quá trình dự tuyển, lao động, sản xuất tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân người lao động phải tự giác nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của mình, đảm bảo hiệu quả làm việc tốt nhất, gắn bó với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển hơn là đòi hỏi các chế độ đãi ngộ ưu đãi cho bản thân trong thời điểm kinh tế khó khăn này.
- Còn về phía mình, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội đã có những hoạt động gì để giúp người lao động có việc làm ổn định cũng như khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp mỗi dịp sau Tết?
- Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội luôn là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động.  Năm 2013 vừa qua, trung tâm đã tổ chức được 59 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 51 phiên giao dịch định kỳ vào thứ năm hàng tuần tại trung tâm, 8 phiên giao dịch lưu động tại các khu vực như: Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm… Ngoài ra, tư vấn cho cả hai bên cân bằng được cung – cầu lao động; tuyên truyền rộng rãi nhu cầu tuyển dụng lao động tới cấp xã/phường, thông tin đến tận các trường trung cấp, cao đẳng nghề; mở các lớp kỹ năng cũng như nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, nhất là lực lượng lao động phổ thông.
Xin cám ơn ông!

Đọc thêm