Sẽ có chuẩn mực trong ban hành quyết định hành chính

(PLO) - Lý giải qua lăng kính của chuyên gia pháp luật, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa  cho rằng, do pháp luật chưa có các quy định nhằm kiểm soát một cách hiệu quả việc ban hành quyết định hành chính trái pháp luật, thiếu khách quan, không minh bạch nên dẫn đến phát sinh các tranh chấp, tiêu cực trong thực tế như trên.
“Thiếu thốn” pháp luật về ban hành quyết định hành chính
Hàng loạt hạn chế của pháp luật về ban hành quyết định hành chính được bà Thoa chỉ ra là còn thiếu thống nhất về khái niệm quyết định hành chính, hình thức của quyết định hành chính, chủ thể ban hành quyết định hành chính; còn thiếu các quy định mang tính nguyên tắc chung, thống nhất để có thể áp dụng cho tất cả các cơ quan hành chính khi ban hành quyết định hành chính; còn thiếu quy định về ủy quyền ban hành quyết định hành chính; còn thiếu các quy định thống nhất về hiệu lực của quyết định hành chính, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi, đình chỉ, hủy bỏ quyết định hành chính; còn thiếu các quy định chung về điều kiện, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính làm cơ sở để xác định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính.
Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Thoa phân tích: Việc ban hành quyết định hành chính đúng điều kiện, trình tự, thủ tục không chỉ có ý nghĩa dưới góc độ quản lý nhà nước mà còn có ý nghĩa dưới góc độ dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. 
Hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính chỉ có thể hiệu quả và các quyền của tổ chức, công dân được bảo đảm khi các cơ quan hành chính tuân thủ các nguyên tắc và quy trình nhất định, bảo đảm tính minh bạch trên cơ sở các quy định pháp luật đã rõ ràng mà tổ chức, công dân có thể giám sát việc thực hiện quy trình, nguyên tắc ấy. 
“Do đó, một số quyết định hành chính được ban hành không đáp ứng đúng điều kiện, trình tự, thủ tục làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân cần phải được xác định là các quyết định trái pháp luật, phải kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ hoặc hủy bỏ các quyết định đó” – bà Thoa chia sẻ.
Đối với một số quyết định hành chính quan trọng liên quan đến nhiều người như các dự án phát triển kinh tế - xã hội…, việc lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, điều tra xã hội học hoặc đánh giá tác động kinh tế - xã hội trong quá trình ban hành quyết định hành chính sẽ góp phần nâng cao tính khả thi của các quyết định hành chính khi được ban hành. Như vậy, “vừa nâng cao chất lượng của quyết định hành chính vừa bảo đảm tính khả thi, hợp lý của các quyết định hành chính khi được ban hành” – Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh.
Hạn chế ban hành các quyết định hành chính không hợp lòng dân, gây lãng phí 
Nhằm phục vụ việc xây dựng Dự án Luật, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, mới đây, một nhóm các chuyên gia độc lập đã tiến hành khảo sát về ban hành quyết định hành chính tại các cơ quan hành chính cũng đưa ra những nhận định tương tự. Cụ thể, qua khảo sát các ý kiến tại nhiều cuộc tọa đàm về thực trạng ban hành quyết định hành chính cho thấy: 
Hiện nay, có nhiều quy định về trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính nhưng có những quyết định hành chính chưa được quy định rõ trình tự, thủ tục. Bên cạnh đó, quy định thủ tục hành chính trong một số đạo luật chuyên ngành chưa chặt chẽ; hệ thống pháp luật còn thiếu các nguyên tắc chung về trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như sự tham gia của cơ quan, tổ chức vào quy trình ra quyết định hành chính; lấy ý kiến của các đối tượng liên quan trong quá trình ban hành quyết định hành chính; công khai thông tin về quyết định hành chính cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; quyền tiếp xúc hồ sơ của bên có liên quan, trách nhiệm giữ bí mật hồ sơ trong một số trường hợp; đánh giá tác động đối với một số quyết định hành chính... 
Thực tế, việc ban hành các văn bản, xử lý các vụ việc hành chính trong các lĩnh vực đều có hướng dẫn nhất định (gồm thành phần hồ sơ, biểu mẫu các văn bản cần có trong hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính...). Tuy nhiên, các văn bản luật, văn bản dưới luật mới chỉ quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh theo ngành, lĩnh vực (lĩnh vực đất đai, trật tự an toàn xã hội, lĩnh vực đầu tư...). 
Trong đó có lĩnh vực có quy định, có lĩnh vực không có quy định, có lĩnh vực được điều chỉnh chặt chẽ (như lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và đầu tư), có lĩnh vực lại được điều chỉnh chưa chặt chẽ hoặc không điều chỉnh… đã tạo nên một cơ chế về ban hành và thực thi quyết định hành chính không thống nhất. 
Để giải quyết những bất cập, hạn chế trong việc ban hành quyết định hành chính nêu trên, Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính đã được Bộ Tư pháp đề xuất và được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII của Quốc hội.
Việc ban hành Luật này nhằm thiết lập những nguyên tắc cơ bản, nền tảng chung thống nhất cho hoạt động ban hành quyết định hành chính của các cơ quan Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để kiểm soát tính hợp pháp của các quyết định hành chính; bảo đảm sự minh bạch, công khai, khách quan trong ban hành quyết định hành chính, góp phần hạn chế các quyết định hành chính được ban hành không hợp lòng dân, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Thông qua đó, quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp được bảo đảm trong quá trình ban hành quyết định hành chính.

Đọc thêm