Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ “sợ đẻ”?
Cưới nhau từ năm 2016 nhưng đến nay gia đình chị N.T.H. ở quận Thủ Đức vẫn duy trì mức sinh là 1 con, cho dù cả hai vợ chồng đều đã vượt xa ngưỡng tuổi 30. Mong có thêm con nhưng cả hai vợ chồng chị đều nhận thấy giấc mơ này xem ra khó thực hiện ở TP.HCM, vốn đòi hỏi nhu cầu cuộc sống cao.
“Để sinh thêm được một người con đòi hỏi người làm cha mẹ ở TP.HCM phải đối mặt với rất nhiều rào cản về thời gian chăm sóc, giáo dục con, cuộc sống áp lực bận rộn và cuối cùng là chi phí. Nếu cả hai vợ chồng đều đi làm thì chắc chắn không còn thời gian nào để chăm sóc con chưa kể chi phí gửi con đắt đỏ, việc giáo dục con không được như ý muốn nên không sinh thêm con” - chị H. chia sẻ.
Ngoài ra, theo chị H. việc “sợ đẻ” của phụ nữ ngày nay còn xuất phát từ nhận thức và quan niệm sống của họ đã đổi khác so với các thế hệ trước. Họ biết quan tâm bản thân hơn như đi du lịch, làm đẹp, đầu tư cho công việc, gặp gỡ bạn bè...
Tại hội nghị tổng kết cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn TP.HCM, báo cáo cho thấy cơ cấu hộ từ 1-3 người có xu hướng tăng và trong năm 2019 chiếm tỉ trọng cao nhất với gần 54%.
Ngược lại, quy mô hộ gia đình có từ 7 người trở lên chỉ chiếm gần 5,4%. Trong 10 năm qua, quy mô hộ gia đình chỉ có 1 người tăng cao nhất, từ tỉ trọng 7,42% năm 2009 đã tăng lên đến 12,47% năm 2019. Ông Trần Văn Trị - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. HCM, nhìn nhận thành phố đang đối mặt với quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và mất cân bằng giới tính.
Từ phía Tổng Cục Dân số và KHHGĐ, Bộ Y tế, ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng cho biết TP. HCM là 1 trong 16 tỉnh, thành phát triển về kinh tế - xã hội có mức sinh giảm nhanh, hiện xuống dưới 1,8 con. Đáng chú ý, TP HCM có tỉ lệ sinh thấp nhất nước, xuống dưới 1,5 con.
Theo phân tích TP. HCM có lối sống không khác nhiều so với các quốc gia phát triển, tỉ lệ dân số sống ở đô thị khoảng 80%, chi phí nuôi dạy con đắt đỏ, chưa kể các đặc thù như đường sá chật chội, không thể để con tự đi học. Đó là một trong những lý do khiến phụ nữ “sợ đẻ”.
Chính sách sinh đủ con được thưởng tiền
Không chỉ TP.HCM mà kết quả điều tra dân số toàn quốc cũng cho thấy, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Tổng tỷ suất sinh của khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ; khu vực nông thôn là 2,26 con/phụ nữ.
Phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ). Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), ngược lại, Hà Tĩnh là tỉnh có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ).
Theo Tổng Cục Dân số và KHHGĐ, nếu hôm nay “mỗi gia đình chỉ sinh 1 con” với công thức 4-2-1 (một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới “thảm họa” theo công thức ngược lại 1-2-4 (một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại). Vì những đứa trẻ ngày hôm nay được “chăm sóc” rất kỹ lưỡng bởi 6 người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại 6 người cao tuổi trong tương lai.
Từ thực tế đáng lo ngại này, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chủ trương khuyến khích sinh đủ 2 con ở những vùng có mức sinh thấp, bao gồm TP. HCM và cả vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL.
Từ 10/3/2021, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi ở 21 tỉnh được thưởng tiền – đó là nội dung quan trọng của Thông tư 01/2021/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.
Theo Thông tư 01, tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi ở tùy theo tình hình thực tiễn tại địa phương có thế được hỗ trợ tiền hoặc hiện vật. Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã có đủ 2 con và tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai dài hạn như triệt sản, cấy thuốc tránh thai tại các tỉnh thuộc vùng có mức sinh cao cũng được khuyến khích, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Không những cá nhân người phụ nữ đó được khen thưởng mà cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản đạt và vượt các chỉ tiêu về vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã có đủ 2 con cũng được khuyến khích, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật. Những xã tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nếu 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con cũng được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật…
Theo Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh thuộc vùng có mức sinh thấp bao gồm 21 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Hệ lụy của mức sinh thấp
Vậy mức sinh thấp dẫn đến hệ lụy gì? Theo Tổng Cục Dân số và KHHGĐ, kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp cho thấy khi mức sinh xuống rất thấp gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế - xã hội. Bất lợi đầu tiên là già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh.
Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí... Kế đến là sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách, trong khi nguồn ngân sách này nên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số. Do đó, việc sinh con không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia.