Sính đồ hiệu, giới nhà giàu Trung Quốc chi khủng để học phân biệt hàng thật và “đồ fake”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khóa học 7 ngày với mức giá 2.400 USD sẽ giúp các “dân chơi” có thêm kĩ năng phân biệt hàng thật, hàng giả để tránh bị lừa khi quyết định dấn thân vào cuộc chơi đồ hiệu.
Sính đồ hiệu, giới nhà giàu Trung Quốc chi khủng để học phân biệt hàng thật và “đồ fake”

Hàng hiệu được ưa chuộng

Trong bối cảnh thị trường hàng xa xỉ toàn cầu sụt giảm 23% so với cùng kỳ, thị trường Trung Quốc vào năm 2020 lại tăng 48%, theo QQ. Tổng tiêu dùng đạt 346 tỷ nhân dân tệ (53,5 tỷ USD) khiến đất nước này càng được các thương hiệu cao cấp “để mắt” đến.

Gần đây, SKP - trung tâm mua sắm hàng xa xỉ và thời trang cao cấp lớn nhất Trung Quốc - dự báo đạt doanh thu khoảng 17,5 tỷ nhân dân tệ (2,71 tỷ USD) trong năm 2020, theo tờ Beijing Business Today. Số liệu này đã giúp SKP vượt qua Harrods và trở thành “vua cửa hàng” toàn cầu.

Qua những báo cáo này, Hurun - người đã nghiên cứu về giới thượng lưu ở Trung Quốc từ năm 1999 - tiết lộ những món hàng hiệu họ hay mua nhất.Đầu tiên phải nói đến túi xách. Theo cuộc khảo sát của Hurun cho thấy, Chanel, Hermès và Louis Vuitton là các hãng túi giới thượng lưu được ưa chuông nhất tại đất nước tỷ dân. Với kiểu dáng bắt mắt và không ngừng đổi mới, Dior cũng đứng vững trong danh sách này.

Tiếp đó là đồ trang sức cũng rất được ưa chuộng. Hàn Tuyết - nữ diễn viên giàu có được giới giải trí công nhận - nổi tiếng là người sống giản dị. Cô có thể mặc một chiếc áo khoác trong 5-6 năm hay ít khi đổi điện thoại mới. Tuy nhiên, cô lại “hào phóng” với đồ trang sức. Trong một bộ phim truyền hình, nữ diễn viên đã đeo nhẫn kim cương màu vàng trị giá hơn 10 triệu nhân dân tệ (hơn 1,5 triệu USD) để đóng vai chính vào năm 2011.

 

Trong khi đó, đồng hồ là một món phụ kiện được xem như vật quan trọng của người đàn ông thành đạt. Dù trong công việc hay những buổi tụ tập bạn bè hàng ngày, đồng hồ có tác dụng thể hiện địa vị của họ và làm tốt vai trò trang trí, nhắc nhở thời gian. Theo báo cáo của Hurun, trung bình hàng chục triệu người có tài sản cao sở hữu 2 ôtô và 3 đồng hồ. Những người có tài sản “siêu cao” lại có trung bình 4 ôtô và 5 đồng hồ...

Thậm chí giới con nhà giàu Trung Quốc còn làm mưa làm gió, định hình thị trường hàng hiệu khi đi du học ở nước ngoài. Theo trang Stream News, sinh viên giàu có Trung Quốc du học tại Anh, Mỹthường lui tới các cửa hàng hiệu tại London, hay mua sắm trên các con phố thời trang đắt đỏ ở Los Angeles - nơi lui tới của các ngôi sao Hollywood.

Ở bờ Đông nước Mỹ, những sinh viên Trung Quốc theo học tại New Yorkthường thuê các căn hộ xa hoa trên Đại lộ 5 và mua mọi thứ tại các cửa hàng sang trọng bên dưới.

Tại các khu mua sắm dành cho giới nhà giàu ở Melbourne (Úc), Paris (Pháp) và Vancouver (Canada) cũng không thiếu bóng dáng sinh viên Trung Quốc. Ở đây, giá thuê nhà tăng vọt song vẫn được nhiều sinh viên Trung Quốc chọn thuê ở.

 

Melody Yeh - đồng sáng lập của Emerging Communications, công ty nghiên cứu thị trường bán lẻ Trung Quốc có trụ sở tại London cho biết: “Đây là những khách hàng tiềm năng. Họ chi tiêu rất mạnh tay vì đều xuất thân từ gia đình giàu có ở Trung Quốc.

Chúng tôi tính toán tiền chi tiêu cá nhân mỗi năm của một sinh viên Trung Quốc tại Anh là 28.236 bảng (37.000 USD; 850 triệu đồng). Đó là chưa kể tiền thuê nhà hay hóa đơn sinh hoạt. Hơn nữa hàng năm, mỗi sinh viên Trung Quốc đón ít nhất 3 người thân từ Trung Quốc và họ sẽ lại đi mua sắm. Vì vậy, các thương hiệu bán lẻ rất muốn thu hút sự chú ý của nhóm khách hàng này”.

Dòng sinh viên Trung Quốc đổ vào các thành phố châu Âu và châu Mỹ tạo ra một ngành công nghiệp ở phương Tây chỉ nhằm tiếp thị hàng hóa và dịch vụ cho họ. Nhiều trang web được tạo ra và sử dụng chủ yếu tiếng Hoa để tư vấn du học sinh Trung Quốc những thiên đường mua sắm. Bên cạnh đó, sinh viên Trung Quốc cũng có thể là nhà tiếp thị “vô điều kiện” cho các thương hiệu châu Âu và Mỹ tại Trung Quốc thông qua các kênh truyền thông xã hội.

Chi tiền khủng phân biệt hàng thật giả

Trung Quốc vốn được xem là thị trường lớn nhất thế giới về việc sản xuất - tiêu dùng những món đồ hàng hiệu (và cả những mặt hàng fake - hàng giả, nhái). Vì vậy, sở hữu năng lực phân biệt một chiếc túi xách Chanel thật hay giả từ một cái nhìn liếc qua chính là kỹ năng mà bất kỳ “dân chơi” nào trên khắp Trung Quốc cũng ao ước có được. 

Chính vì vậy, khi nghe tới khóa học về phân biệt hàng thật và hàng giả, hội nhà giàu Trung Quốc đã đổ xô nhau đi đăng ký. Chỉ với 2.400 USD (55 triệu đồng), bạn sẽ trở thành một chuyên gia phân biệt hàng thật và giả, được đào tạo để phân biệt túi xách, thắt lưng và quần áo... đểcó được con mắt tinh tường “bóc phốt”những món đồ hàng hiệu này thông qua số sê-ri, đường khâu và những chiếc logo được sản xuất dưới tay nghề tinh vi.

Sống tại trung tâm công nghệ phía Nam của Thâm Quyến, Peng Jingjing đã có thời gian làm việc trong ngành tài chính, nhưng vài năm qua, cô bắt đầu kinh doanh túi xách cũ trên Taobao và WeChat. Sau khoảng thời gian thu mua đồ từ mối người quen, Peng bắt đầu mở rộng việc làm ăn và nhập hàng từ người lạ. Đây cũng chính là thời điểm cô lo ngại sẽ bị lừa.

 

Tháng 5/2018, Peng, chồng cô và 7 người khác đã tham gia một trong những khóa học đầu tiên dạy cách phân biệt hàng real (hàng xịn, chính hãng) và hàng fake tại Trung Quốc. Dùng kính lúp nhìn vào chữ lồng “LV” trên túi, Peng cố nhớ lại những gì được học: Đường vải trên túi Louis Vuitton giả thường chạy song song với góc của chữ “L”. Sau 10 phút căng thẳng, cô và chồng đã thở phào nhẹ nhõm khi nghe các chuyên gia xác định đây là một chiếc túi thật chứ không phải fake.

Được biết ở Trung Quốc, theo các nhà nghiên cứu thị trường UIBE Luxury China, các nhà máy của nước này sản xuất ra một lượng lớn hàng hiệu và phần lớn trong số đó được dành cho thị trường nội địa trị giá khoảng 4.000 tỷ nhân dân tệ (617,7 tỷ USD).

Bên cạnh đó, thị trường đồ cũ cũng đang bùng nổ khi nhiều người không sẵn sàng chi hàng ngàn đôla cho một chiếc túi xách mới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nổi tiếng là nơi sản xuất hàng nhái. Những giao dịch buôn bán hàng giả quy mô đã khiến các khách hàng tìm kiếm đồ hiệu giá rẻ sập bẫy.

Zhang Chen - người sáng lập Trường Phân biệt Hàng Hiệu Đặc biệt ở Bắc Kinh, cho biết nhiều người bị lừa bởi “hàng nhái hiện nay cực ít khác biệt” so với bản gốc. Khóa học kéo dài 7 ngày của Zhang có giá 15.800 NDT (55 triệu đồng), nhưng ông này cho biết đó là một cái giá đáng phải trả vì trung tâm của ông đã tạo được chỗ đứng trong thị trường đồ cũ từ những ngày đầu thành lập. Các sinh viên của ông đều là những người giàu có nhưng thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, bao gồm cả cựu biên tập viên của một tạp chí thời trang từ Thượng Hải và một người pha chế đang tìm kiếm một khởi đầu mới sau khi công việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

“Tôi nhận ra rằng những chiếc túi hàng hiệu đã qua sử dụng có thể được bán với giá rất tốt”, nhà kinh doanh thị trường chứng khoán Xu Zhihao (31 tuổi) cho biết.Một chiếc túi xách Louis Vuitton Neverfull mua cách đây 2 năm vẫn có thể được bán với giá 9.000 NDT trên các nền tảng mua bán đồ cũ, trong khi một chiếc túi Chanel Gabrielle nhỏ có giá chỉ khoảng 60-70% giá niêm yết.

Bên cạnh học viên học trực tiếp, Zhang còn có các khách hàng online, những người thường xuyên chụp ảnh các mẫu đồng hồ, túi xách, quần áo cần thẩm định và gửi cho ông. Zhang nói rằng trong hầu hết trường hợp, mình chỉ mất khoảng 10 giây để biết sản phẩm có phải là thật hay không.

Đọc thêm