Số phận trớ trêu
Frida Kahlo sinh năm 1907 tại Coyoacan, hiện là một vùng ngoại ô của thành phố Mexico. Vì không có con trai nên ngay từ nhỏ bà đã được cha mẹ xem như con trai trong nhà, nhất là được cha yêu quý và dạy dỗ như một cậu con trai đích thực. Cũng chính vì thế nên ngay từ nhỏ, bà đã có tính cách mạnh mẽ, ngang tàng và không thân thiết với mẹ như 3 người chị em gái còn lại.
Bất hạnh đầu tiên trong cuộc đời của Kahlo đến khi bà bị bệnh bại liệt vào năm 6 tuổi. Sau 9 tháng nằm liệt giường, bà sống sót nhưng phần chân phải teo hẳn, đi lại khập khiễng. Để che giấu khiếm khuyết của bản thân, Kahlo thường xuyên dùng vải để băng phần chân đã bị teo nhìn to ra, đi vài đôi tất dày cùng lúc và mặc váy dài chấm gót chân.
Tuy nhiên, không vì thế mà những đứa bạn không biết được tình trạng của Kahlo. Bà thường xuyên trở thành chủ đề trêu chọc của chúng, thậm chí bị đặt cho biệt danh “chân gỗ” suốt những năm tháng học sinh.
Năm 13 tuổi, Kahlo nảy sinh tình cảm, nhưng là với một nữ giáo viên dạy thể dục. Phát hiện được điều này, mẹ bà vội vã chuyển trường cho con để ngăn chặn mối tình vừa chớm nở. Tạo hóa dường như luôn có sự bù trừ và với Kahlo thì trí thông minh chính là yếu tố cứu vãn bất hạnh về thể chất của bà. Bằng chứng là, bước vào trung học, bà trở thành một trong số 35 nữ sinh được nhận vào trường Dự bị quốc gia.
Cũng trong thời gian học ở trường, bà đã trúng tiếng sét ái tình với họa sỹ nổi tiếng Diego Rivera khi ông này được nhà trường mời tới thực hiện các bức vẽ trên tường hội trường. Mới 15 tuổi nhưng với bản tính mạnh mẽ vốn có, Kahlo đã tuyên bố sẽ trở thành vợ của ông, sinh con cho ông. Ngạc nhiên là Rivera cũng đã đáp lại rất nhiệt thành tình cảm của cô nữ sinh.
Bức ảnh nữ họa sĩ Frida Kahlo và chồng là Diego Rivera. |
Năm 1925, bi kịch thực sự của cuộc đời Kahlo ập đến. Một chiều tháng 9, sau khi lang thang ở trung tâm thành phố Mexico, Kahlo và bạn trai Alejandro Gómez Arias lên một chiếc xe bus trở về nhà. Dọc đường, chiếc xe bất ngờ tông thẳng vào một chiếc xe khác. Người bạn trai Alejandro chỉ bị thương nhẹ, còn Kahlo bị phần kim loại của chiếc xe đâm xuyên qua người từ bên trái. Vụ tai nạn đã khiến cột sống và xương chậu của bà bị vỡ 3 chỗ, gãy 2 xương sườn và xương sống. Phần chân phải vốn đã bị biến dạng do bại liệt của bà vỡ với tổng cộng 11 vết gãy. Bàn chân phải của bà cũng đã bị nghiền nát.
Nhìn Kahlo bê bết máu sau tai nạn, không ai nghĩ rằng cô sẽ qua khỏi. Ấy thế nhưng, thật kỳ diệu, sau một tháng nằm viện, bà đã được cho về nhà dù không bao giờ phục hồi hoàn toàn.
Cuộc hôn nhân u ám
Nằm dài trên giường bệnh, Kahlo ban đầu “tra tấn” bạn trai bằng những bức thư tình. Người này ban đầu còn để mắt tới cô bạn gái đáng thương nhưng về sau bắt đầu lãng ra và cuối cùng mất hút. Lúc này, Kahlo bắt đầu chuyển sang vẽ tranh cho khuây khỏa.
Năm 1927, thông qua những người quen, Kahlo gặp lại Diego Rivera. Lần đó, khi Rivera đang thực hiện các bức tranh tường tại tòa nhà của Bộ giáo dục Mexico, Kahlo đã xuất hiện với những bức vẽ mà bà đã thực hiện trên giường bệnh để nhờ “thần tượng” nhận xét về các tác phẩm của mình. Sau lần tái ngộ, hai người nhanh chóng nối lại chuyện tình cảm.
Qua lại một thời gian, năm 1929, bất chấp sự phản đối gay gắt với lý do hai người quá chênh lệch về tuổi tác, ngoại hình và cả quan điểm chính trị, Kahlo và Rivera vẫn quyết định làm đám cưới. Cũng cần nói thêm rằng, trước khi đến với Kahlo, Rivera đã từng có vợ con.
Bức chân dung nổi tiếng của Frida Kahlo với hình ảnh người chồng trên trán. |
Không những thế, với việc là một nghệ sỹ nổi tiếng, ông lúc nào cũng có hàng tá những người đẹp vây quanh, sẵn sàng dâng hiến. Biết rõ những điều này và cũng hiểu rõ bạn trai của mình là một người đào hoa nhưng Kahlo vẫn chấp nhận thử thách. Khi làm đám cưới, Frida Kahlo mới 22 tuổi còn Di¬ego Rivera đã 43 tuổi.
Vì không được gia đình chấp thuận nên Kahlo thậm chí đã phải mượn váy của một người giúp việc làm váy cưới. Đám cưới cũng chỉ có cha bà - người gắn bó với bà từ khi còn nhỏ - vì thương con gái mà đến dự. Không chỉ thiếu vắng sự chúc phúc, hôn lễ còn trở nên hỗn loạn khi chú rể trong cơn say đã bắn vào tay một khách mời, khiến quan khách bỏ chạy náo loạn, báo hiệu một cuộc hôn nhân không mấy êm thấm.
Quả thực, trước khi làm đám cưới, Kahlo đã có bầu nhưng vì vấn đề về xương chậu nên đã bị sẩy khi thai nhi mới được 3 tháng. Về sau, bà cũng đã cố để thụ thai nhưng 2 lần mang thai sau cũng đều thất bại. Nỗi đau vì không thể làm mẹ đã được thể hiện khá nhiều trong những bức vẽ của bà.
Từ đầu những năm 30 tuổi, Kahlo thường xuyên cùng chồng di chuyển qua khắp các thành phố của nước Mỹ như Diego, San Francisco, Detroit, New York… Được sự cổ vũ của Rivera, bà bắt đầu phát triển xu hướng nghệ thuật của mình cũng như gây dựng mối quan hệ với những nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ thuật.
Song, về sau, vì quá nhớ quê hương nên Kahlo đã tìm mọi cách thuyết phục chồng trở về nước. Đây cũng là một bước đi sai lầm của bà bởi chỉ một thời gian sau khi về lại Mexico, Rivera đã tìm cách tán tỉnh và dụ dỗ được em gái của bà là Cristina trở thành nhân tình của ông ta. Đau khổ khi biết được sự thực, Kahlo đã bắt đầu vẽ những bức tranh về cảnh bà bị thương và chảy máu cùng nhiều tác phẩm mang đầy vẻ thù hận.
Nữ họa sỹ nổi tiếng
Trong cơn đau, Frida Kahlo đã cắt phăng mái tóc dài mà bà đã cố công nuôi dưỡng cho vừa lòng chồng, thay đổi cách ăn mặc, chủ đề, phong cách và cả chữ ký trên các tác phẩm của mình. Năm 1935, bà quyết định bắt đầu cuộc sống tự lập. Dù không tránh khỏi hụt hẫng nhưng đây cũng chính là sự kiện đầu tiên mở đường cho bà trở thành nữ họa sỹ nổi tiếng về sau.
Năm 1938, Kahlo có triển lãm tranh thành công đầu tiên tại New York. Đến đầu những năm 1940, bà tiếp tục gây tiếng vang với hàng loạt những bức chân dung tự họa có phong cách phối màu rực rỡ và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa bản địa Mexico cũng như châu Âu. Nhiều bức tranh trong số đó khắc họa rõ tình cảnh cô đơn của nữ họa sỹ.
Trong cùng thời gian này, Kahlo nhận thấy không thể sống thiếu Rivera nên đã chủ động đề nghị nối lại tình cảm với ông ta. Hai người quay trở lại với nhau nhưng lại sớm lâm vào tình cảnh “đồng sàng dị mộng”. Bởi, Rivera tiếp tục có những mối quan hệ ngoài luồng còn Kahlo khi này cũng nảy sinh tình cảm với những người khác, bao gồm cả nam và nữ.
Khi Kahlo còn sống, những tác phẩm của bà được chú ý nhưng không quá nổi tiếng bởi người ta phần lớn chỉ nhớ đến bà với tư cách vợ của danh họa Ri¬vera. Phải vài năm sau khi bà đã qua đời vào năm 1954, khi phong trào nữ quyền phát triển, người ta mới bắt đầu hiểu rõ hơn được những uẩn ức sau các bức tranh của bà. Từ những năm 1970, tiếng tăm của Frida Kahlo đã nở rộ và bà hiện được công nhận là một trong những họa sĩ xuất chúng nhất của thế kỷ 20.