Sơ thẩm vụ án tại Cty AIC: Cựu Bí thư Đồng Nai bị đề nghị đến 11 năm tù

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 26/12, phiên xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Tiến bộ - AIC) và 35 bị cáo khác tại TAND TP Hà Nội tiếp tục diễn ra. Trong phần này, LS phát biểu bản luận cứ bào chữa và các bị cáo tự bào chữa.
Toàn cảnh phiên tòa
Toàn cảnh phiên tòa

Cựu Bí thư Đồng Nai bị đề nghị đến 11 năm tù

Trước đó, chiều 24/12, sau hơn 3 giờ luận tội với 36 bị cáo vụ AIC, đại diện VKSND Hà Nội đề nghị tòa sơ thẩm tuyên phạt cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành 10 - 11 năm tù về tội Nhận hối lộ. Cùng tội này, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái bị đề nghị 9 - 10 năm tù.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Cty AIC, đang bị truy nã) bị đề nghị 16 - 17 năm tù về tội Đưa hối lộ, 14 - 15 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt VKS đề nghị Nhàn 30 năm tù. Đồng phạm với Nhàn, Phó Tổng Giám đốc AIC Trần Mạnh Hà (đang bị truy nã) tổng mức án 25 - 27 năm tù.

Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc BV Đồng Nai) bị đề nghị tổng hình phạt 19 - 21 năm tù về các tội Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Đồng Nai) bị đề nghị 4 - 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Liên quan vụ án, VKS đề nghị phạt Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Cty AIC) 8 - 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

28 đồng phạm của Nga bị đề nghị các mức án từ 30 tháng tù treo đến 11 năm tù. Bị cáo còn lại là Trịnh Huy Cường (nguyên Trưởng phòng thuộc Sở Xây dựng Đồng Nai) bị đề nghị 30 - 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị tòa buộc các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga liên đới bồi thường cho UBND tỉnh Đồng Nai tổng số tiền hơn 152 tỷ đồng (ghi nhận các bị cáo đã bồi thường tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng).

Trong đó, Nhàn bị buộc bồi thường 2/3 mức tiền này, các bị cáo Hà và Nga khắc phục 1/3 phần còn lại. Ngoài ra, VKS đề nghị tịch thu tổng số tiền 57 tỷ đồng do nhóm nhận hối lộ và các bị cáo khác hưởng lợi bất hợp pháp.

Bị cáo bật khóc khi nhắc tới con

Bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), LS đề nghị VKS, HĐXX vận dụng thêm tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Theo lời LS, “6 lần nhận tiền” là lời khai nhận của ông Thành khi làm việc với CQĐT. Tại phiên tòa, ông Thành vẫn giữ nguyên khai báo này.

Theo LS, ông Thành đã có nhận thức về sai phạm của mình, biết có hậu quả và đã khai báo với CQĐT. Do đó, LS đề nghị HĐXX cho thân chủ của mình được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt để rút ngắn thời gian thụ án, sớm trở về xã hội.

Bào chữa cho bị cáo Lê Thị Bích Thủy (cựu Giám đốc Cty TNT), LS đồng tình với quan điểm của đại diện VKS về nhận định “hành vi của bị cáo Thủy là đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể”. LS đề nghị HĐXX áp dụng mức hình phạt án treo cho Thủy. Bởi theo LS, Cty TNT của Thủy không nằm trong “hệ sinh thái” với Cty AIC. Nhưng với mong muốn bán được hàng, Cty TNT đã đồng phạm giúp sức có vai trò không đáng kể, với hành vi giản đơn khi đứng tên đấu thầu hộ Cty AIC.

“Việc đại diện VKS đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên” với bị cáo là chưa phù hợp. Đến nay, bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, ăn năn hối cải và tự nguyện khắc phục, sửa chữa nộp lại toàn bộ số tiền lợi nhuận chênh lệch bán thiết bị vào dự án. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét đúng vai trò, nhận thức và ý thức sửa chữa, cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng đặc biệt của pháp luật”, LS nói.

Quá trình bào chữa, LS cho rằng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Thủy và nhân viên Cty TNT đã hỗ trợ tài chính, trao tặng nhiều máy móc, thiết bị, thiết bị phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân. Riêng năm 2022, Cty TNT đã tài trợ tiền và thiết bị y tế với tổng giá trị hơn 25 tỷ đồng. LS cũng nhắc đến việc đứa con 4 tuổi của Thủy có biểu hiện rối loạn tâm lý, chuyển biến phức tạp, cần sự chăm sóc của mẹ.

Được tự bào chữa, bị cáo Thủy bật khóc, xin HĐXX có những phán quyết nhân văn, sớm trở về với gia đình. “Giờ bị cáo mới biết con bị cáo phải điều trị tâm lý như vậy”, bị cáo Thủy nói.

Luật sư đề nghị chuyển tội danh cho bị cáo

Trước đó, bào chữa cho bị cáo Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Đồng Nai), LS cho rằng những quan điểm buộc tội của VKS với thân chủ của mình là chưa khách quan, làm tăng nặng trách nhiệm hình sự với Thu. LS đưa ra một số ý kiến để cho rằng Thu không vì động cơ vụ lợi và không tạo điều kiện cho Cty AIC trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 148 tỷ đồng như quan điểm buộc tội của VKS.

Theo LS, do đã đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký vốn kế hoạch xin vốn ngân sách từ Trung ương nên Thu đã sai phạm trong việc ký Tờ trình 1472 khi chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định; và bản thân bị cáo cũng không lường hết bản chất sự việc nên đã vô ý, gián tiếp để xảy ra hậu quả.

“Hành vi này của bị cáo Thu có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng””, LS nói và đề nghị VKS chuyển từ tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

LS bào chữa cho bị cáo Lê Chí Tuân (nhân viên Cty AIC), thì cho rằng hành vi của Tuân có vai trò giúp sức không đáng kể, chỉ mang tính giản đơn về mặt thủ tục, giấy tờ.

LS cũng cho rằng mặc dù hoàn cảnh gia đình bị cáo hết sức khó khăn nhưng Tuân vẫn cố gắng nhờ cậy bạn bè và thông qua bạn bè nộp 100 triệu đồng khắc phục một phần hậu quả của vụ án. Bên cạnh đó, LS cho rằng Tuân và những người trong nhóm hồ sơ dự thầu của Cty AIC phải chịu rất nhiều áp lực trong quá trình tham gia dự thầu và thông thầu tại dự án. Trong đó Tuân từng bị nhắc nhở, cảnh bảo là “nếu để trượt thầu có thể bị đuổi việc”.

LS đề nghị HĐXX xem xét cho Tuân ngoài được hưởng những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà VKS đã xác định; còn được hưởng thêm các tình tiết “bị cáo ra đầu thú, gia đình bị cáo thuộc gia đình chính sách, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn” và cho bị cáo này được cải tạo ở ngoài xã hội.

Khó khăn khi bào chữa cho bị cáo bỏ trốn

Bào chữa chỉ định cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (bị cáo đang bỏ trốn), LS Dương Văn Nghị cho biết ông gặp khó khăn vì không tiếp xúc được với Nhàn để thu thập các tài liệu, chứng cứ, cũng như không thể biết thân chủ của mình “có nhận tội hay không nhận tội”. Quá trình bào chữa cho Nhàn, LS đề nghị HĐXX xem xét Nhàn có thực sự là chủ mưu như cáo buộc?

Đối với tội “Đưa hối lộ” mà Nhàn bị truy tố, LS cho rằng đã có lời khai của các bị cáo liên quan. Nguồn tiền đưa hối lộ, phía VKS đã dẫn chứng cụ thể, CQĐT đã cho thực nghiệm điều tra, quá trình điều tra LS được tham dự chứng kiến. Ngoài các chứng cứ mà phía VKS đưa ra, LS không thu thập được chứng cứ nào khác nên không tranh luận với đại diện VKS về tội “Đưa hối lộ” mà Nhàn bị truy tố.

Đọc thêm