Trưởng khoa 'biến mất' sau khi 'ôm' tiền của nhiều sản phụ

(PLO) - Trưởng khoa Sản của Bệnh viện (BV) 22-12 (thuộc Cục Quân y Bộ Quốc phòng, đóng tại phường Tân Lập, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã “mất tích” từ nhiều ngày qua sau khi “ôm” gần 200 triệu đồng của nhiều sản phụ. Nhiều người cho rằng, có thể bác sĩ này có liên quan đến việc cá độ bóng đá từ trước World Cup 2018.
Trụ sở Công ty EVA của bác sĩ Nam đóng cửa hơn hai tuần qua
Trụ sở Công ty EVA của bác sĩ Nam đóng cửa hơn hai tuần qua

“Ôm” gần 200 triệu đồng của sản phụ rồi… “biến mất tăm”

Ngày 30/6, lãnh đạo BV 22-12 cho biết, hội đồng kỷ luật BV vừa ra quyết định sa thải Phạm Thanh Nam - Trưởng khoa Sản của BV. 

Ngoài việc vi phạm hợp đồng lao động do nghỉ quá hạn, BV cũng xác định bác sĩ này đã thu tiền của 11 sản phụ với số tiền gần 200 triệu đồng nhưng không nộp lại cho BV. Đó là chưa kể tiền thu ngoài hợp đồng, hoàn toàn không có biên lai, chứng từ. Ngoài ra, đến nay, đơn vị còn xác định có 2 trường hợp khác đã đưa tiền cho bác sĩ Nam nhưng chưa sinh tại BV. 

Trước đó, nhiều sản phụ làm hợp đồng dịch vụ thai sản trọn gói với Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn sức khỏe EVA (gọi tắt là Công ty EVA, địa chỉ ở số 6 đường Huỳnh Tịnh Của, phường Phước Long, TP.Nha Trang) do bác sĩ Phạm Thanh Nam làm Giám đốc. 

Theo hợp đồng gói dịch vụ khám, tư vấn định kỳ, đánh giá sự phát triển của thai; theo dõi tình trạng nước ối, xác định ngôi thai, tư vấn dấu hiệu chuyển dạ, sinh mổ... giá trị 14,5 triệu đồng, trong đó dịch vụ sinh mổ sẽ được thực hiện tại BV 22-12.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay một số sản phụ không được cấp giấy chứng sinh, đến BV 22-12 gặp ông Nam thì được hẹn, sau đó không liên lạc được; liên hệ BV thì được biết sản phụ chưa đóng viện phí cho BV nên chưa thể cấp giấy chứng sinh, còn bác sĩ Nam đã không có ở BV.

Theo trình bày của chị Nguyễn Thị Minh Trang, ngày 6/5, chị có làm hợp đồng dịch vụ thai sản trọn gói với Công ty EVA, với tổng trị giá hợp đồng là 14,5 triệu đồng. Trong hợp đồng có ghi rõ, dịch vụ sinh mổ sẽ được thực hiện tại BV 22-12. 

Đến ngày 9/6, thấy có dấu hiệu chuyển dạ, chị Trang điện thoại cho bác sĩ Nam và được hướng dẫn nhập viện để sinh mổ. Ngay trong ngày 9/6, bác sĩ Nam đã trực tiếp mổ cho chị Trang. 

Sau 4 ngày nằm viện, đến chiều ngày 13/6, trước khi xuất viện, bác sĩ Nam gọi chị Trang qua phòng và nói đóng thêm 5 triệu đồng, với lý do đây là khoản tiền phát sinh trong quá trình nằm viện.

Cũng theo chị Trang, khi đề cập đến việc BV cấp giấy chứng sinh cho con, bác sĩ Nam bảo với chị sáng mai cho người nhà đến lấy. Tuy nhiên, đến sáng 14/6, chị Trang điện thoại thì bác sĩ Nam thông báo đã về quê có việc gấp nên hẹn chị đến ngày 25/6. 

Đến sáng 25/6, người nhà chị Trang tới BV 22-12 để lấy giấy chứng sinh thì hết sức bất ngờ khi BV thông tin rằng bác sĩ Nam không có ở BV. Đại diện BV cho biết, chị Trang chỉ nộp tiền cho bác sĩ Nam chứ không nộp viện phí cho BV. Đồng thời, yêu cầu người nhà chị đóng một khoản tiền là 10 triệu đồng, khi đó BV mới cấp giấy chứng sinh cho con chị.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc BV 22-12, có 11 trường hợp khác đã đóng tiền cho bác sĩ Nam và bị bác sĩ này “ôm” luôn, đến nay không thể liên lạc được. BV không hề có mối quan hệ, hợp đồng hợp tác dịch vụ với Công ty EVA. Chỉ đến ngày 25/6, đơn vị mới biết về hợp đồng giữa công ty của bác sĩ Nam với các sản phụ.

“BV đã cách chức Trưởng khoa và buộc thôi việc đối với bác sĩ Nam do người này đã vắng mặt không chịu về quá ngày thứ 13 nên xếp vào dạng nghỉ không có lý do. Bước tiếp theo chúng tôi sẽ làm việc với công an để điều tra việc bác sĩ Nam đang ở đâu. Bố bác sĩ Nam giờ gọi cũng không được, vợ con thì không biết đâu mà lần”, ông Hòa nói.

Về hướng xử lý đối với các trường hợp trẻ sinh tại BV mà chưa được BV cấp giấy chứng sinh, ông Hòa cho biết, đơn vị đã chia làm 2 tổ để tổng hợp các trường hợp, đồng thời làm việc với các gia đình tiến hành thương thảo. BV hoàn toàn tự thu, tự chi. Các trường hợp đến đây sinh nở đã được BV tận tình giúp đỡ, vì thế BV mong các gia đình chia sẻ với BV.

“Hợp đồng dịch vụ thai sản giữa bác sĩ Nam với các sản phụ, BV 22-12 hoàn toàn không biết. Trong vụ việc này, BV và các sản phụ đều là nạn nhân”, ông Hòa cho biết.

Do cá độ mùa World Cup 2018?

Theo ông Hòa, khuya ngày 13/6, bác sĩ Nam nhắn tin cho Trưởng phòng Nhân sự của BV xin nghỉ phép về thăm bố bị bệnh nặng ở quê. Tuy nhiên, khi BV liên lạc qua điện thoại thì bác sĩ Nam không nghe máy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, BV 22-12 đã ký hợp đồng lao động với bác sĩ Nam và giao vị bác sĩ này làm Trưởng khoa Sản cách đây gần 1 năm. Trước khi chuyển đến BV, bác sĩ Nam làm Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Sản một BV tư ở TP.Nha Trang.

Gần 1 năm giữ cương vị Trưởng khoa, đến trước thời điểm xảy ra sự cố nêu trên, trong quá trình làm việc tại BV 22-12, bác sĩ Nam được đánh giá là người làm việc có uy tín, được nhiều người tin tưởng. 

Nhiều người dân ở gần Công ty EVA cho biết, công ty này đã đóng cửa hơn hai tuần qua, trong khi có nhiều người đến tìm bác sĩ Nam để đòi nợ. Nhiều người cho rằng, có thể bác sĩ Nam có liên quan đến việc cá độ bóng đá từ trước World Cup 2018.

Về thông tin này, ông Hòa cho biết, cần phải nhờ công an kiểm chứng lại có hay không lý do bác sĩ Nam chơi cá độ bóng đá trong mùa World Cup 2018 bị thua nên mới phải “ôm” tiền của nhiều sản phụ như vậy. “Nhìn chung bác sĩ Nam cũng là người chu đáo, công tác tốt, được bệnh nhân khen, khéo léo, là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề”, ông Hòa cho biết.

Đọc thêm