“Sống mòn” vì nghề đục bia mộ

“Ở đây bể nước, giếng nước nhà nào cũng thế, bụi đá phủ kín đóng thành váng trên bề mặt, tiếng ồn mài đá ầm ĩ cả ngày đêm, trẻ con ngủ đêm hay giật mình khóc thét, người già mất ngủ thức chong chong”, ông Phạm Văn Phong (thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành), than phiền.

Dọc theo quốc lộ 10, đoạn từ cầu Trạm Bạc đến Cầu Vàng II (huyện An Lão) la liệt cơ sở chế tác đồ đá. S­­­­­ản phẩm đá chế tác ở đây có đủ chủng loại, phục vụ mọi nhu cầu của “thượng đế”. Người làm nghề này thu nhập tương đối cao, nhưng đồng thời phải chịu nhiều hệ lụy do ô nhiễm môi trường.

Có “điền kiện” nhờ nghề chế tác đá

Theo bà Vũ Thị Tuyết- Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện An Lão, trên địa bàn thôn Phương Chử Đông xã Trường Thành và thôn Khúc Giản xã An Tiến có 33 cở sở sản xuất kinh doanh bia mộ và các sản phẩm chế tác từ đá dọc theo quốc lộ 10.

Nghề chế tác đá mỹ nghệ đã giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, riêng xưởng sản xuất của ông Bùi Văn Thạo (thôn Khúc Giản xã An Tiến) có 45 lao động thường xuyên, công nhân làm đá có thu nhập cao, ổn định, lương thợ giỏi được trả tới 500 ngàn đồng/1 ngày lao động. Các cơ sở chế tác đá cũng đóng góp đáng kể vào tổng mức giá trị tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ của xã.  

Ông Lương Xuân Hải chủ cơ sở chế tác kinh doanh đá tại thôn Khúc Giản xã An Tiến kể lại: “Trước đây chỉ có vài hộ làm lăng mộ, mà vật liệu chỉ là xi măng đúc rồi mài galito hoặc ốp gạch men, làm theo cách này khi vận chuyển dễ vỡ, vật liệu dễ phai màu không bền.

Khoảng năm 2001 trở lại đây kinh tế phát triển, để đáp ứng nhu cầu thờ tự của người dân,n các cơ sở chuyển sang chế tác bằng đá. Tuy chế tác đá mất nhiều công sức và thời gian nhưng giá thành cho các sản phẩm chế tác từ đá cũng đa dạng tuy theo kích thước và chủng loại, thu nhập của người thợ cũng tăng theo”.

Tuy nhiên, sản phẩm đá chế tác thường là đồ tâm linh, khách hàng cũng có những yêu cầu làm cấp bách để kịp ngày đẹp đã định, cho nên thợ chế tác đá phải làm cả ngày, cả đêm, nên cả đoạn đường dọc QL10  như một đại công trường với khói bụi và tiếng ồn bao vây.

Nghề chế tác, kinh doanh đá mỹ nghệ đem lại cho nhân dân địa phương nhiều lợi ích thiết thực. Từ khi có nghề đá, kinh tế các hộ dân trong vùng khá giả hơn, nhiều nhà sắm được đồ dùng sinh hoạt đắt tiền. Song hệ lụy để lại là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mà không chỉ những người làm nghề mà tất cả người dân trong xã cũng phải hứng chịu.

Ngày đêm hít khói bụi, nghe tiếng ồn

Trong quá trình sản xuất chế tác đá các cở sở kinh doanh không đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, xưởng sản xuất nằm xen kẽ trong các hộ dân, cở sở vật chất đơn giản, không được che chắn, bụi, tiếng ồn không có biện pháp giảm thiểu. Bằng mắt thường có thể thấy được bụi đá phát tán trong không khí làm cho không khí có mầu trắng đục, ngột ngạt. Chất thải rắn từ hoạt động sản xuất (đá vụn, phế phẩm)  mỗi ngày thải ra 45.000 kg được dùng để san lấp tại chỗ, nước thải tự ngấm xuống đất.

Chỉ tay ra vườn nhà, ông Phạm Văn Phong (thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành) than phiền “Lúc nào cũng có khói bụi mù mịt, cây cối được bụi phủ thành màu bạc trắng, quần áo phơi khô mà bụi vẫn bám đầy”. Dẫn PV ra bể nước của gia đình, ông Phong nói: “Ở đây bể nước, giếng nước nhà nào cũng thế, bụi đá phủ kín đóng thành váng trên bề mặt, tiếng ồn mài đá ầm ĩ cả ngày đêm, trẻ con ngủ đêm hay giật mình khóc thét, người già mất ngủ thức chong chong”.

Nguy hiểm hơn, công nhân chế tác đá không hề sử dụng các công cụ bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang, kính mắt. Thấy có khách vào xưởng anh Trần Văn Hóa, người có thâm niên 5 năm làm nghề nghỉ tay trò chuyện, anh cho biết “mỗi ngày đi làm về là bụi đá phủ trắng bạc từ đầu đến chân, lỗ mũi, lỗ tai bụi đá bám đầy, tuy có khẩu trang, kính mắt nhưng đeo vào khó thở lại làm mờ mắt kính, rất khó làm nên bọn em không đeo”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, trưởng thôn Phương Chử Đông, phản ánh: “Không chỉ gây ô nhiễm môi trường khói bụi và tiếng ồn, hoạt động chế tác kinh doanh đá của các cơ sở trên địa bàn còn vi phạm hành lang an toàn giao thông trên QL10, nguyên liệu đá tảng, đá chế tác thành phẩm được tập kết bừa bãi, nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc đã xẩy ra”.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh văn phòng UBND huyện An Lão, cho biết: “Nhân dân thôn Phương Chử Đông và nhân dân khu bãi bóng Cầu Vàng II thôn Khúc Giản đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiêm môi trường, vi phạm hành lang an toàn giao thông  nghiêm trọng do các cơ sở chế tác đá gây ra.

Tổ kiểm tra liên ngành của UBND huyện An Lão mới tiến hành kiểm tra đồng loạt 33 cơ sở, kết luận của Tổ công tác liên ngành 100% các cơ sở chế tác đã vi phạm về ô nhiễm khó bụi, khí thải, tiếng ồn và vi phạm hành lang an toàn giao thông, hành lang an toàn đường bộ.

UBND huyện An Lão đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện hướng dẫn, giám sát các cơ sở khắc phục vi phạm và thực hiện nghiêm túc Bản cam kết bảo vệ môi trường, sau 3 tháng kiểm tra nếu cơ sở nào không hoàn thiện đủ các yêu cầu, điều kiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục vi phạm sẽ bị sử lý theo quy định của pháp luật, về lâu dài, Huyện và các cơ quan chức năng đang tính đến phương án quy hoạch làng nghề chế tác đá  để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường”.

Đông Bắc

Đọc thêm