Sống với lá phổi khổng lồ bằng sắt, vẫn phấn đấu trở thành luật sư danh tiếng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bị bại liệt vào năm 6 tuổi nhưng may mắn sống sót với di chứng bị liệt từ cổ trở xuống và phải gắn liền cuộc đời với “lá phổi sắt” khổng lồ, ông Paul Alexander (hiện 73 tuổi, trú tại TP Dallas, bang Texas, Mỹ) vẫn không chịu khuất phục số phận và nỗ lực phấn đấu trở thành một luật sư nổi tiếng.
Ông Paul Alexander sống bằng lá phổi sắt khổng lồ.
Ông Paul Alexander sống bằng lá phổi sắt khổng lồ.

Căn bệnh quái ác

Đối với bất kỳ đứa trẻ 6 tuổi nào, việc vui chơi, chạy nhảy và khám phá thế giới là điều không thể thiếu trong cuộc sống của chúng nhưng đối với Paul Alexander lại khác. Cuộc sống của Paul đã thay đổi hoàn toàn khi bị virus bại liệt tấn công vào năm 1952 - năm dịch bại liệt bùng phát mạnh nhất tại Mỹ.

Ông nhớ lại: “Khi tôi mắc bại liệt. Tôi chỉ là một đứa trẻ như bao đứa trẻ khác. Tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn trong cơ thể. Khi mẹ nhìn tôi, bà ấy biết điều đó. Ngay lập tức, bà bế tôi tới giường của mình. Và khoảng 5 ngày sau. Tôi đã mất mọi thứ. Không cử động, không đi lại”.

Kể từ đó, Paul Alexander đã không biết bao nhiêu lần trải qua những phút vào sinh ra tử, bị đặt vào những trường hợp mà chỉ trong tích tắc, cuộc đời của ông có thể đã vĩnh viễn rời xa thế giới này.

Bằng chứng là sau 1 tuần phát bệnh, khi Paul được bố mẹ đưa vào bệnh viện, cậu đã bị kết luận là đã chết vì bệnh bại liệt. Sau đó, Paul được đưa vào một căn phòng đặc biệt, nơi có những đứa trẻ khác giống như mình. Chính tại đây, một bác sĩ đã quyết định kiểm tra tổng quát lại cơ thể Paul và tìm thấy được một chút tia hi vọng rằng cậu bé có thể sống sót.

Do Paul bị liệt từ cổ đến hết người nên không thể nào tự thở được, cậu bé được bác sĩ đặt vào trong “phổi sắt’ - một thiết bị nặng khoảng 500kg giúp bệnh nhân có thể thở dựa trên nguyên lý làm việc với áp suất không khí. Một tuần sau khi được đặt vào trong chiếc máy này, Paul dần có lại nhận thức và bắt đầu cuộc sống trong chiếc “phổi sắt”.

Số phận nghiệt ngã nhưng ông Paul Alexander vẫn nỗ lực học tập, phấn đấu để trở thành luật sư danh tiếng.

Số phận nghiệt ngã nhưng ông Paul Alexander vẫn nỗ lực học tập, phấn đấu để trở thành luật sư danh tiếng.

Và thế là, Paul cứ nằm trong chiếc máy đó từ năm 6 tuổi (năm 1952). “Vào ngày cuối cùng, tôi không thể thở được nữa. Hệ hô hấp của tôi bị tổn thương vĩnh viễn. Hệ cơ vận động cũng bị phá hủy. Điều đó buộc tôi phải nằm trong một chiếc phổi sắt... cho đến hết cuộc đời này”, ông kể lại.

Mọi thứ lại một lần nữa trở nên tồi tệ vào năm 2015, chiếc phổi sắt bị hỏng vài bộ phận và các bộ phận này không có đồ thay thế bởi người ta đã ngưng sản xuất chúng vào những năm 60. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của Paul nhưng ông vẫn không muốn từ bỏ.

Với sự giúp đỡ của một người bạn, họ nhanh chóng đăng tải video tìm kiếm sự trợ giúp lên YouTube. May mắn một lần nữa mỉm cười với Paul khi sau một thời gian tìm kiếm sự trợ giúp, một người thợ máy tên Brady Richards đã liên lạc với ông. Với tay nghề điêu luyện của mình, Richard nhanh chóng sửa được chiếc phổi sắt.

Bên trong cỗ máy màu vàng của mình trong ngôi nhà ở “Cánh đồng Tình yêu”, cơ thể cứng nhắc của Paul nằm dưới một tấm vải trắng, móng tay dài như móng vuốt và nằm trên ngực ông. Ông phải phụ thuộc vào bà Kathryn Gaines - người chăm sóc ông trong suốt 30 năm qua.

Hàng ngày từ 7 giờ sáng, bà Kathryn Gaines là người giúp ông ăn, rửa mặt, đánh răng, cạo râu và thực hiện những thói quen khác của ông. Hai người họ đọc ngôn ngữ cơ thể của nhau, làm mọi việc vô cùng ăn ý, giống như một cặp vợ chồng già.

Ông được tắm và thay chăn qua các cửa sổ ở hai bên máy thở. Xung quanh đầu ông là những thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại, loa… để liên kết ông với thế giới bên ngoài. Gần hơn với khuôn mặt của Paul, một chiếc ống hút chọc vào cốc nước cao; trên cằm ông đặt một đầu của một vật dụng hình chữ T bằng nhựa dài mà ông vận hành bằng miệng, để viết email hoặc trả lời và cúp điện thoại.

Điều đáng nói, bệnh bại liệt phá hủy các tế bào thần kinh trong tủy sống và lan truyền âm thầm. Cứ một người mắc bệnh bại liệt bị co rút thì 200 người khác có ít hoặc không có biểu hiện gì. Đây được xem là một căn bệnh khủng bố cộng đồng nước Mỹ một thời. Bệnh nhân nổi tiếng nhất chính là Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt.

Cho đến năm 1955, khi Jonas Salk trở thành anh hùng bằng cách phát triển loại vắc-xin giúp loại bỏ phần lớn căn bệnh trên toàn cầu, bệnh bại liệt đã đạt đến mức độ đại dịch. Năm tồi tệ nhất là năm 1952, theo PolioToday.org, với gần 58.000 trường hợp được báo cáo gây ra 3.100 cái chết và khiến hơn 21.000 người trong các giai đoạn tê liệt khác nhau.

“Bệnh bại liệt là nỗi kinh hoàng thời bấy giờ. Nó giống như cái chết đen vậy”, ông Paul nói, kèm theo những tiếng thở khò khè, những khoảng lặng khi ông dừng lại để hít thở.

Ham học giúp vượt qua tất cả

Thời điểm mắc bệnh, Paul mới chỉ là đứa trẻ 6 tuổi. Đối với một cậu bé ham học như ông Paul, bị bại liệt thực sự là một cơn ác mộng. Căn bệnh sẽ khiến ông không thể hoàn thành những gì của hiện tại.

Khi còn trẻ, không ít người cố ngăn cản Paul. Chính ông cũng cảm thấy nao núng. “Tại sao Chúa để điều này xảy ra với tôi?”, ông tự hỏi. “Tôi sẽ rất tức giận với ngài. Tôi sẽ không chấp nhận trong một khoảnh khắc rằng Paul Alexander không đủ tốt để đứng trước Chúa và hỏi, ‘Tại sao? Ngài làm điều này để làm gì?”.

Cuối cùng, niềm tin, sự bất chấp và hơn hết là sự động viên từ chính cha mẹ (giờ đã quá cố) của ông đã giúp ông vượt lên chính mình. “Cha mẹ rất yêu tôi. Họ nói, “Con có thể làm bất cứ điều gì” và tôi tin vào điều đó… Tôi biết rằng đó là con đường dẫn đến tương lai”, ông Paul chia sẻ.

Mặc kệ tình trạng bất động của mình, Paul vẫn muốn đi học và dù không muốn nhưng bố mẹ của Paul vẫn đồng ý. Ông trở thành một trong những học sinh đầu tiên của học khu Dallas ISD, nơi Paul đã học cách ghi nhớ thay vì ghi chép. Năm 1967, ông tốt nghiệp và đứng thứ hai trong lớp tại Trường Trung học W.W. Samuell. Năm 1971, Paul đỗ đại học. Năm 1978, ông lấy bằng cử nhân tại Đại học Texas, rồi sau đó là bằng luật vào năm 1984. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã thực hành luật gia đình và giúp mọi người nộp đơn xin phá sản để chống lại các chủ nợ.

Ông Paul cũng thừa nhận, ông từng có một tình yêu đẹp với một bạn nữ cùng lớp khi học tập tại Đại học Phương pháp miền Nam (SMU - nơi ông theo học trước khi chuyển qua Đại học Texas). Tuy nhiên, bản thân ông không cam kết bất cứ điều gì với người mình yêu vì ông cảm thấy, điều đó không công bằng với cô ấy.

Không có tay để viết, ông dùng chính miệng của mình để soạn thảo văn bản. Người đàn ông có khuôn mặt phúc hậu này cũng vừa hoàn thành một cuốn tự truyện. Đó là những dòng tâm sự về cuộc đời ông trong suốt những năm sống dựa vào lá phổi nhân tạo. Paul Alexander hy vọng sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh bại liệt làm thế nào để chung sống với nó? Và tại sao phải chiến đấu để xóa bỏ hoàn toàn căn bệnh này trên phạm vi toàn cầu?

“Tôi là một người thích khám phá. Ba mẹ dạy tôi phải sử dụng trí óc và năng lượng của mình để sáng tạo. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình là một người tàn tật”, ông nói.

Hiện tại, ông vẫn sống rất tốt với sự hỗ trợ của những thành viên từ hội từ thiện Waxahachie Rotary Club. Trong vòng 60 năm qua, hội từ thiện này đã chung tay giúp đỡ những bệnh nhân bại liệt trên toàn thế giới, với phương châm hoạt động: “Lợi ích của cộng đồng hơn lợi ích bản thân” và đặt cuộc sống của những bệnh nhân bại liệt lên hàng đầu”.

Đọc thêm