Sự cố công trình xây dựng - lỗi thuộc về quản lý?

(PLO) - Đập thủy điện bị nứt, vỡ; tháp truyền hình, phát thanh bị sập đổ; mặt đường nhựa sụt lún; cháy nổ liên tiếp xảy ra trong thời gian qua là lời cảnh báo nghiêm khắc về chất lượng các công trình xây dựng hiện nay. 
lSụp đổ giàn giáo tại Lotte Mart Bình Dương (tháng 8/2013).
lSụp đổ giàn giáo tại Lotte Mart Bình Dương (tháng 8/2013).
Lãnh đạo Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) thừa nhận sự cố xảy ra bao gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng phần lớn là do sự quản lý lỏng lẻo của chủ đầu tư, của nhà thầu và các đơn vị giám sát.
“Vùng trắng” trong chất lượng công trình
Thời gian qua, cả nước đã xảy ra không ít sự cố ngay trong giai đoạn thi công xây dựng công trình, gây thiệt hại về người và tài sản. Điển hình là các sự cố sập sàn kho bê tông cốt thép trong lúc đổ bê tông tại Nhà máy giấy LEE&MAN (Hậu Giang); sập đổ hoàn toàn hệ dầm sàn mái khi đang đổ bê tông công trình nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm (Thái Nguyên); vỡ đập tràn Thủy điện Đắk Mek 3, vỡ đập Thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai); sập đổ tháp anten Trung tâm Kỹ thuật - Phát thanh truyền hình tỉnh Nam Định, tháp antenna phát sóng của VOV tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình)… 
Ngoài ra, một số công trình mới đưa vào sử dụng đã bộc lộ khiếm khuyết về chất lượng gây bức xúc trong dư luận xã hội như tình trạng trồi sụt, bong tróc mặt đường Đại lộ Đông Tây, mặt cầu Thăng Long, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương...
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết về chất lượng công trình xây dựng ở các cấp độ khác nhau, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục một cách nghiêm túc và thấu đáo. 
Cụ thể, đó là vấn đề đảm bảo an toàn cho các hồ, đập thủy lợi, thủy điện, các công trình kết cấu dạng tháp, hệ thống giàn giáo trong thi công xây dựng công trình...  hay chất lượng các công trình giao thông bị xuống cấp nhanh sau thời gian khai thác, sử dụng và vấn đề an toàn phòng chống cháy cho công trình... 
“Ví như, vấn đề an toàn cho công trình dân dụng trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của gió bão, việc xem xét lại các thông số về điều kiện tự nhiên do tác động của biến đổi khí hậu… cũng là vấn đề cần được quan tâm” – lãnh đạo Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định.
Yêu cầu giải pháp tổng thể 
“Sự cố thường tập trung ở những công trình có vốn tư nhân, vốn doanh nghiệp, là do thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý – ông Lê Quang, Phó Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng nói – Đối với những công trình có vốn Nhà nước, sự cố phần lớn đều là do thiếu sự quan tâm của chủ đầu tư, nhiều trường hợp để cho các đơn vị thi công tự quản lý, tự chịu trách nhiệm trong quá trình xây dựng”.
“Trước những yêu cầu của thực tế, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý chất lượng thông qua rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng. 
Điều này nhằm mục đích đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, giảm thiểu sự cố công trình, đảm bảo phòng ngừa và khắc phục nhanh chóng, hiệu quả các sự cố trong xây dựng, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng các công trình và đảm bảo hiệu quả đầu tư” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
“Tất cả các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam ngày trước theo Liên Xô cũ, nhưng hiện nay Việt Nam đã học tập nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. 
Do đó, để tăng cường công tác an toàn công trình xây dựng, cơ quan nhà nước phải rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng yêu cầu hiện nay. 
Ví dụ, ngày trước tác động của biến đổi khí hậu không nhiều, tuy nhiên trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu tác động lớn, tác động của thiên nhiên vượt quá giới hạn quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn cũ”. 
Ông Lê Quang - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

Đọc thêm