Mặc dù Formosa Hà Tĩnh đã chấp nhận mức đền bù thiệt hại lên tới 500 triệu USD nhưng việc khắc phục sự cố đối với môi trường biển không phải cứ có tiền là làm được mà còn phải có thời gian.
Ưu tiên nhóm đối tượng ảnh hưởng
Theo một số chuyên gia, đối với các rạn san hô trong vùng bị nhiễm độc thì thời gian hồi phục phải tính bằng những thập kỷ. Khi mà những rạn san hô này bị phá hủy cũng đồng nghĩa với việc các loài thủy sinh biến mất, ngư trường đánh bắt sẽ nghèo nàn, cạn kiệt. Trong khi đó số lượng tàu thuyền của ngư dân có công suất từ 40 – 90 CV trở lên để đánh bắt xa bờ chiếm tỷ lệ rất nhỏ; chủ yếu là thuyền có công suất 10-20 CV, thậm chí còn thuyền nan, thuyền thúng đánh bắt ven bờ.
Do đó, đời sống ngư dân đánh bắt ven bờ sẽ còn khó khăn lâu dài, thời gian có thể tính theo quá trình hồi phục của các rạn san hô. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra với cuộc sống của phần lớn ngư dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển vừa qua. Nên mọi chính sách khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển trước hết phải ưu tiên và chú trọng vào nhóm đối tượng ngư dân đánh bắt ven bờ.
Theo đó, cần tạo nguồn vốn để đóng tàu vỏ thép, có công suất từ 90 CV trở lên và đào tạo nghề cho ngư dân có đủ năng lực đánh bắt xa bờ, dài ngày trên các con tàu có công suất lớn. Chỉ có như vậy mới giúp ngư dân vươn khơi bám biển, vừa là phương tiện mưu sinh vừa là “cột mốc chủ quyền trên biển”. Cần phải nhìn nhận thực tế rằng, phần lớn ngư dân là làm nghề “cha truyền con nối”, không thích nghi với việc chuyển đổi sang các nghề khác; chẳng hạn như nghề nông, họ vừa không có kinh nghiệm lại không có đất đai canh tác, đặc biệt là với những người đã có tuổi. Do vậy, việc đào tạo nghề để ngư dân chuyển nghề sẽ không khả thi với đại bộ phận ngư dân và cũng không đúng với nguyện vọng của họ.
Sử dụng hiệu quả sự trợ giúp
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển với tinh thần “mạnh từ biển và làm giàu từ biển”, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép có công suất từ 90 CV trở lên để đánh bắt xa bờ thể hiện bằng Nghị định 67/2014-NĐCP. Tuy nhiên, không phải tất cả ngư dân đều có khả năng tiếp cận nguồn vốn này, vì vậy số lượng tàu vỏ thép còn chưa đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển đánh bắt xa bờ. Hiện nay với số tiền đền bù, hỗ trợ từ Formosa Hà Tĩnh có thể là một cơ hội với ngư dân nghèo, chuyên đánh bắt ven bờ, nếu biết sử dụng đúng mục đích.
Các địa phương cần thống kê chính xác số ngư dân bị ảnh hưởng và khái toán được tiền hỗ trợ chuyển nghề hoặc đề bù tổn thất. Sau đó có kế hoạch tổng thể đưa số tiền này vào đóng tàu vỏ thép có công suất 90 CV trở lên.
Số tiền của mỗi hộ ngư dân được hỗ trợ, đền bù sẽ được tính bằng cổ phần trong con tàu đó. Khi có vốn ban đầu lại có phương án học nghề đánh bắt xa bờ sẽ tạo thêm điều kiện cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67/2914-NĐCP.
Như vậy, kết hợp giữa vốn vay và vốn hỗ trợ, đền bù các địa phương có thể cải cách căn bản đội tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển; đồng thời giải được bài toán “con cá và cần câu” trong việc đền bù, hỗ trợ ngư dân. Như vậy có thể biến rủi ro từ sự cố môi trường biển thành cơ hội với ngư dân.