Sư cô một đời đi tìm nhặt, chăm bẵm cho những sinh linh bị chối bỏ

(PLO) -Trong 110 đứa trẻ ở chùa, hầu hết đều không có một chút hồi ức về ba mẹ, người thân của mình. Bởi phận đời nghiệt ngã đã vội xô đẩy chúng bằng những lớp tã quấn vội rồi quẳng ở gốc đa. Những đứa trẻ sớm nương nhờ nơi cửa phật, cùng chung tiếng gọi sư Minh Tịnh lúc “Sư”, lúc “mẹ”. Nhưng có nghe bọn trẻ gọi sư cô là mẹ, mới cảm hết niềm thương bao la và thiên lương đức độ của một phụ nữ đã xuất gia, bởi chính sư đã “nhặt” chúng về chăm sóc, nuôi lớn…
Hình minh họa
Hình minh họa

Cơ duyên phát nguyện từ bi 

Chùa Quang Châu (thôn Quan Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) được thành lập năm 1940, với căn nhà cấp 4 hoang sơ. Sau khi vị sư thầy Thích Thiện Hiền qua đời, chỉ sau ít năm trụ trì, chùa bị xuống cấp trầm trọng. Mãi đến năm 1996, sau khi học xong ở chùa Phổ Đà (Đà Nẵng), sư cô Minh Tịnh mới về trụ trì. 

Năm 1999, bất ngờ có một vị khách du lịch từ Đài Loan ghé thăm với ý định tặng chùa số tiền làm nhà tình thương. Một sư cô trong chùa nhớ lại “Khi vị khách này nói chuyện, chúng tôi cứ nghĩ ông ta có quen người nào trong chùa hoặc vô tình đi ngang qua nên ghé vào giúp đỡ.

Tuy nhiên, khi được hỏi ông ta cho biết có người báo mộng nên mới từ Đài Bắc lặn lội sang đây để làm việc thiện nguyện. Khi ông ta qua đây mang theo một bức tượng và bức tranh của vị “Tế Điên Hòa Thượng” 

Đám con của sư cô

Đám con của sư cô

Người đàn ông này chia sẻ chính vị “Tế Điên” ấy báo mộng bảo ông ta phải sang ngôi chùa có tên Quảng Châu tại huyện Hòa Vang để giúp đỡ. Lúc đầu ông ta tưởng chùa Quang Châu ở Thừa Thiên- Huế nên mất cả tháng về đây mà tìm không ra.

Mãi sau có người phiên dịch biết chuyện mới đưa ông vào Đà Nẵng và hành trình này mất gần 1 tháng. Có một điều trùng hợp hơn khi vị khách nước ngoài đến chùa cũng trùng ngày “Trung Thiên Tế Công Sư Phụ” mà người Đài Loan thường tổ chức làm lễ cúng cho vị “Tế Điên Hòa Thượng” này.

Cũng năm đó, cùng với sự đóng góp của đông đảo phật tử và người dân, chùa bắt đầu xây chánh điện, đến năm 2000 hoàn thành. Có điều lạ, kể từ thời gian đó, sư bắt đầu đau ốm triền miên. Sư cô Minh Tịnh kể, trong một trận ốm “thập tử nhất sinh”, sư mới được biết, chùa được xây trên mảnh đất khó. Phải là người đức độ mới có thể giữ được tính mạng khi về tiếp quản.

Hiểu ra, sư bắt đầu phát nguyện từ bi, tiếp nhận một gia đình ở xã Đại Lãnh (Đại Lộc, Quảng Nam) nhờ nuôi hai đứa con vì gia cảnh quá khó khăn. Đặc biệt, sau cơn bão Chan Chu năm 2006 cướp đi sinh mạng của hàng chục ngư dân ở các vùng biển của Đà Nẵng và Quảng Nam, chùa tổ chức đợt cứu trợ từ thiện ở xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) cho những gia đình không may mắn.

Cũng từ đó, người dân trong vùng dẫn đến gởi cho sư cô hai cháu (bé Tư và bé Na) nhờ nuôi dưỡng giùm vì bố của hai bé này đã bị cơn bão nhấn chìm ngoài biển, người mẹ mất sức lao động không thể nuôi con ăn học.

Khoảng thời gian này, nghe được tin “rất nhiều trẻ sơ sinh bị ném bỏ ở bãi rác”, sư đi tìm nhặt về chăm sóc. Về sau, chùa Quang Châu lại trở thành điểm đến của những mảnh đời bị chối bỏ. Rồi cứ thế, số lượng trẻ đông dần lên cho đến hôm nay…

Sư cô Minh Tịnh cho biết, có đứa bị bỏ rơi ngoài cổng chùa từ lúc đỏ hỏn quấn bọc vải áo như bé Nguyễn Thị Phước Thuận (6 tuổi) chỉ vừa lọt lòng mẹ chưa đầy 4 giờ đồng hồ. Đứa mất cha, đứa mồ côi mẹ (trường hợp bé Nguyễn Thị Ngân, 12 tuổi), đến đứa con bất hạnh ngoài giá thú Nguyễn Phước Mơ (6 tuổi), do sự dày vò của bà mẹ trẻ sớm tìm đến với thuốc phá thai làm liệu pháp sau cùng.

Sinh ra em đã bị thần kinh não, khô phổi… Cứ thế, sư cô âm thầm nhận những đứa trẻ mang về nuôi, chăm bẵm, làm giấy khai sinh, đặt cho một cái tên để gọi lên giữa cuộc đời. 

Mỗi cái tên như một niềm tâm ước của sư cô gửi gắm, mong cuộc đời chúng bình lặng và thuần phước hơn như Phước Huy, Phước Thuận, Phước Hiền… Và những cái tên để nhận “dòng” được lấy theo họ Nguyễn của sư cô. Theo sư cô Minh Tịnh, nguồn kinh phí nuôi các bé…ở đây đều dựa vào hai sào ruộng của chùa.

Để có thêm những khoản thu nhập, sư cùng các sư khác trong trong chùa đi nấu đám tiệc, ma chay thuê. Hiện nay, đạo hữu gần xa cúng dường hoặc khách thập phương, bá tánh đến giúp đỡ cũng nhiều nên nhà chùa bớt khó nhọc…

Sưởi ấm những mảnh đời bị chối bỏ

Ở chùa, mọi sinh hoạt đều theo tiếng mõ, sư cô tự tay đo đạc, may tấm áo tràng, áo dạt hò cho mỗi đứa. Thương tụi trẻ vừa biết nói đã khuyết tiếng gọi ba, gọi mẹ, sư đem đạo đời hóa giải yêu thương để bù đắp cho mỗi mảnh đời bé nhỏ bất hạnh ấy. “ Bị bỏ rơi, ai nuôi cũng được. Quan trọng là đạo đức, phải hướng thiện cho các cháu”, Sư Minh Tịnh tâm sự.

Gần đây, có một phụ nữ bị chồng ngược đãi nên bồng con bỏ trốn vào chùa, sư cô Minh Tịnh cũng giang rộng vòng tay che chở. Sư vừa tạo điều kiện cho chị (ở Điện Bàn- Quảng Nam) có chỗ ăn ở, sinh hoạt, vừa lo việc làm để chị có thêm thu nhập lo cho đứa con năm nay tròn 5 tuổi.

Sư cô Minh Tịnh bên đứa trẻ vừa mới nhặt

Sư cô Minh Tịnh bên đứa trẻ vừa mới nhặt

Hay như những phụ nữ “trót lỡ”, đã vác bụng bầu đến tìm sư Minh Tịnh, mong sư giúp “vượt cạn”, đồng thời cũng gửi lại chùa sinh linh mới chào đời. Rồi các cụ già neo đơn, bị ngược đãi… “Nếu không che chở cho những hoàn cảnh như thế, xã hội sẽ thêm một gánh nặng. Mở rộng tấm lòng từ bi giúp đỡ cho những hoàn cảnh bất hạnh để cuộc đời không còn những cháu nhỏ lang thang xin ăn”, sư Minh Tịnh trải lòng.

Ngày chúng tôi đến thăm, mấy đứa trẻ tóc để chỏm, cổ đeo chuỗi hạt lao nhao chạy ra chào đón khách tít từ ngoài cổng. Cho cái gì các em cũng chắp tay lạy, cúi đầu thật thấp rồi vái “Nam mô”.

Nhìn tiếng nói cất lên tròn vo theo vành môi bỏng nước, khuôn mặt trắng nõn, mái đầu để 3 chỏm tóc mà người khác nhìn vào ai cũng thấy thương. Hỏi ra, các em điều nói: “Mẹ (sư Minh Tịnh) dạy như vậy”. Trẻ thơ nhà phật, sau nụ cười rạng ngời, theo sát mỗi cái nhìn của chúng nghe lặng lẽ, ẩn một nỗi buồn khó tả mà chỉ có ở những nơi thường vọng lại tiếng gõ mõ khua kinh. 

 Hơn 100 mái đầu chỏm còn vắt một vỏm tóc dài ra sau tai, chắp tay ngồi xếp bằng. Chấm dứt 3 lần niệm phật nam mô rồi cúi lạy. Đó là buổi tiệc nhỏ, hay buổi sinh nhật của mấy đứa trẻ bị bỏ rơi chùa Quan Châu mà khách thập phương có dịp dự và biết đến.

Số tiền ít ỏi, sư cô mua chiếc bánh ga-tô nho nhỏ cho đúng nghĩa của một buổi sinh nhật ghi nhớ mỗi một tuổi hồng với con, còn lại quà bánh của bữa tiệc là trái cây, bánh trái xin hạ từ trên bàn thờ phật xuống. 

Nhiều người gọi điện xin nhận con, chủ yếu từ 4 đến 5 tuổi về làm con nuôi. Tuy nhiên, phía đại diện chùa Quang Châu đều nhất mực từ chối, bởi sự nạn buôn bán trẻ em đang tràn lan. Nhiều bố mẹ muốn nhận lại con cũng phải qua quá trình xác nhận bằng chứng, kiểm tra AND… mới được nhà chùa trao lại.

Hiện tại, sư cô Minh Tịnh đang mở mái ấm tình thương thứ 2 tại thôn Dốc Kềnh (xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), để bố trí các em trai từ 12 tuổi trở lên và số trẻ khuyết tật lên đây chăm sóc. Ngoài sự từ tâm, những người ở mái ấm tình thương này, họ còn nhận sự hỗ trợ các nhà hảo tâm từ khắp nơi gửi về.

Mỗi đứa bé, một thân phận khác nhau. Khi nhận nuôi, tâm nguyện của sư cô Minh Tịnh muốn cho chúng được ăn học đến nơi đến chốn để sau này chúng có thể tự lo cho bản thân và có ích cho xã hội. Đặc biệt theo sư Minh Tịnh, khi có điều kiện sư cô sẽ đi tìm nguồn gốc, lai lịch của những đứa trẻ này vì “cây có cội, người có tông”.

Khi lớn lên những đứa trẻ này có quyền được biết cha mẹ chúng là ai, quê quán ở đâu. Hy vọng với sự chở che bao bọc từ tấm lòng từ bi, nhân ái của sư cô Minh Tịnh và sự chung tay của cộng đồng, những đứa trẻ ở đây sẽ có một tổ ấm để chúng lớn lên và bước vào đời bình thường như những người khác.

Đọc thêm