Chính cái đói, cái nghèo đó đã khiến người mẹ có một mong ước cũng thật ngược đời đó là “Mong các con chết trước mình vì sợ nếu mình đi trước sẽ chẳng còn ai lo cho 3 người con tật nguyền…”.
Gồng mình nuôi 3 con tâm thần
Người mẹ già đáng thương nhưng cũng đáng kính trong câu chuyện trên là cụ Nguyễn Thị Nam (82 tuổi, trú tại thôn Bắc Hạ, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội), người ta vẫn quen gọi cụ là cụ Còm. Nhìn vẻ bề ngoài gầy gò, ốm yếu với cánh tay gần như chỉ còn “da bọc xương” của cụ, chúng tôi cũng phần nào cảm nhận được vì sao người ta lại gọi cụ là cụ Còm.
Hiện tại hoàn cảnh của gia đình cụ rất éo le khi hàng ngày một mình cụ phải gồng mình kiếm từng miếng ăn nuôi 3 người con gái đều bị tâm thần và mù lòa. Để bản thân cũng như các con có cái gì đó bỏ vào bụng cho qua cơn đói, mỗi ngày cụ Còm phải vác cần câu ra đồng mong kiếm được con cá và ít rau dại về làm thức ăn.
“Hôm nào may mắn thì còn câu được vài con cá, con tôm, có hôm ngồi cả buổi mà cá không cắn câu thì bữa đó 4 mẹ con chỉ biết ăn rau trừ bữa. Bữa nào có được nồi cơm trắng, hay nồi cháo trong mâm thì cả 4 mẹ con vui mừng như người ta đang được ăn tiệc. Chứ trong nhà có bao giờ có hạt gạo nào dự trữ đâu…”, cụ Còm ngậm ngùi chia sẻ.
Cụ Nguyễn Thị Nam (Cụ Còm) |
Khi được hỏi vì sao không về sống với các con trai, để họ san sẻ bớt phần nào nỗi nhọc nhằn, người mẹ già chỉ biết đưa tay quệt ngang 2 hàng nước mắt nói: “Tôi có tổng cộng 9 người con, 1 người con trai mất vì tai nạn giao thông cách đây đã 11 năm. Ngoài 3 người con tâm thần, mù lòa đang ở cùng, những người con còn lại cũng đều ở quanh đây.
Thế nhưng, chúng nó (các con cụ - PV) bảo chúng nó cũng nghèo, không nuôi nổi mẹ và 3 đứa em điên điên, khùng khùng chỉ biết ăn và nằm 1 chỗ. Đến mảnh đất mẹ đang ở, chưa gì chúng đã bàn nhau phân chia thế nào lúc mẹ chết…”.
Ngoài việc, hàng ngày phải đi câu cá, hái rau dại ngoài đồng, cụ Còm còn đi nhặt lá khô, củi khô về tích khắp nhà để phòng khi mưa gió vẫn có cái để thổi cơm. Trong căn nhà lụp xụp, siêu vẹo chúng tôi cố đưa mắt tìm mà chẳng thấy có lấy một đồ vật nào giá trị đến 100 ngàn đồng thay vào đó toàn là củi khô với rơm rạ vương vãi khắp nơi.
Đáng buồn hơn, khi chúng tôi biết rằng số rơm rạ trong nhà là cụ cố tình để dành đến khi mùa đông không có chăn đắp thì lấy rơm phủ lên giường cho ấm mới ngủ được.
Những ngày nắng nóng còn đỡ chứ mỗi khi mưa gió, rét mướt cuộc sống của cụ với các con lại vô cùng cực khổ. Hễ trời mưa thì trong nhà cũng chẳng khác gì ngoài sân. Nước chảy khắp nơi, giường chiếu ướt sũng như vừa giặt xong, tìm khắp nơi cũng không có lấy một góc khô ráo mà nằm.
Mùa đông, nhà không có cửa nên gió lùa vào lạnh đến thấu xương tủy. Nhìn các con co ro, thân hình tím tái trong lớp rơm thay chăn vì rét mà cụ không sao cầm nổi nước mắt.
Mùa đông là vậy, còn mùa hè thì do nhà không có điện mà nếu có điện cụ cũng không có tiền để mua quạt về dùng. Vì thế những hôm trời nóng quá, các con cụ không ngủ được cứ lăn lóc, kêu la, mỗi lần như thế là cụ Còm lại phải “dồn” 3 người con lại 1 giường để cụ ngồi quạt tay cả đêm để các con có được giấc ngủ an lành.
Mải lo cho các con mà đã bao năm qua gần như người mẹ đã bỏ quên mất bản thân mình. Cụ Còm chia sẻ: “Vì không có tiền nên mấy chục năm nay chưa mua nổi cho bản thân 1 cái áo mới. Tôi có mỗi sở thích ăn trầu, vậy mà có khi thèm cũng chẳng có nổi 2 ngàn đồng để mua. Vậy là, lại đành chạy ra bờ mương đào lấy ít rễ cây về nhai thay trầu cho đỡ thèm…”.
Cụ Nam bên người con bị tâm thần, mù lòa |
Ước mơ buồn của mẹ
Ba người con của cụ Còm vừa sinh ra đã bị tâm thần, mù lòa. Người lớn tuổi nhất năm nay đã ngoài 50, còn người nhỏ tuổi cũng đã 40 tuổi. Do bị bệnh tật bẩm sinh nên mấy chục năm qua 3 người con của cụ chỉ biết nằm một chỗ, mọi việc từ cơm nước, giặt giũ đều do một tay người mẹ già đảm nhiệm.
Cũng vì cố gắng kiếm lấy miếng ăn cho các con mà có lần dù trời mưa lớn cụ vẫn cố gắng vác cần ra đồng để câu cá. Vì đường trơn trượt, sức khỏe lại yếu nên cụ đã bị ngã gãy tay. Lần đó, cụ phải nằm nhà mấy tháng trời.
Trong hoàn cảnh đó tưởng chừng các con cụ sẽ phải nằm đó chờ lưỡi hái tử thần đến dẫn đi vì chẳng còn ai chăm sóc. Thế nhưng, may mắn sao cụ vẫn còn đó những người hàng xóm tốt bụng.
Chứng kiến hoàn cảnh éo le của gia đình cụ Còm, rất nhiều người hàng xóm xung quanh đã kêu gọi nhau quyên góp, ủng hộ để cụ có được cuộc sống ổn định hơn. Người có nhiều thì giúp tiền, người có ít thì giúp vài cân gạo, có những người hoàn cảnh khó khăn thì qua giúp cụ dọn dẹp nhà cửa, sửa sang mái nhà cho đỡ dột khi trời mưa. Mỗi người giúp một tay, một chân thế rồi những ngày tháng khó khăn nhất cũng đã qua.
Một trong những người nhiệt tình nhất trong việc giúp đỡ gia đình cụ Còm là người hàng xóm tên Dương Văn Hùng (SN 1981, người cùng thôn). Theo anh Hùng chia sẻ, ngoài việc vận đồng hàng xóm giúp đỡ thì anh cũng thường xuyên kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm thông qua trang cá nhân facebook của mình.
Cũng từ những thông tin trên facebook đã có rất nhiều đoàn thanh niên các vùng lân cận, các nhà hảo tâm biết đến hoàn cảnh éo le của gia đình cụ Còm và họ đã tìm đến để giúp đỡ. Hiện tại, không chỉ giúp đỡ gia đình cụ Còm có được gạo ăn hàng ngày mà mùa đông năm nay có lẽ sẽ là năm đầu tiên sau 50 năm các con cụ sẽ có được tấm chăn ấm áp để đắp thay vì phải nằm rơm như mọi khi.
Cũng nhờ 1 tay của các bạn thanh niên mà nhà cửa của cụ giờ đây đã sạch sẽ hơn, tối đến trong nhà đã có ánh điện và mùa hè đã có quạt máy thay vì phải quạt tay.
Nhắc đến đây cụ Còm vui lắm, cụ nói mỗi lần có các bạn trẻ đến là căn nhà lại ấm cúng, rộn ràng tiếng cười. Cụ vui không chỉ vì từ đây, cuộc sống của cụ và các con sẽ đỡ vất vả hơn mà cụ còn vui vì cảm nhận được rằng cuộc đời này vẫn còn rất nhiều người tốt dù chẳng phải “máu mủ ruột già”.
Thế nhưng, đâu đó sâu thẳm trong ánh mắt của người mẹ già vẫn còn một nỗi lo thường trực. Đó là, mình tuổi đã cao chẳng còn biết sẽ sống được bao nhiêu năm nữa để mà lo lắng, chăm sóc cho các con. Nếu lỡ, cụ có mệnh hệ gì thì ai sẽ là người đứng ra để nuôi 3 người con tật nguyền hay họ sẽ bị đẩy ra ngoài đường mặc cho chết đói, chết khát.
Có lẽ, chính vì điều lo sợ trong tương lai không xa đó mà cuối câu chuyện người mẹ già có một mong ước thật là người đời: “Tôi mong là chúng sẽ chết trước tôi…Chứ tôi mà đi trước thì sẽ chẳng ai chăm sóc chúng, rồi chúng sẽ lại bị bỏ đói, bỏ rét và rồi cuối cùng cũng chết vì đói mà thôi”. Nghe những câu chia sẻ cuối cùng của cụ mà ai nấy cũng cảm thấy xót xa.