Bình Định: Chỉ đạo của tỉnh “vô hiệu” với huyện?

(PLO) - Mặc dù UBND huyện Tây Sơn đã có quyết định thu hồi đất của người dân để thực hiện dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 19 trên địa bàn huyện Tây Sơn. Tuy nhiên, từ lúc triển khai thực hiện bồi thường Giải phóng mặt bằng cho đến khi dự án hoàn thành, hàng chục hộ dân lại không được nhận tiền đền bù thu hồi đất. Vậy tại sao lại có sự vô lý này?
Dự án mở rộng quốc lộ 19 đi qua địa bàn Tây  Sơn. Nguồn Internet
Dự án mở rộng quốc lộ 19 đi qua địa bàn Tây Sơn. Nguồn Internet

58 hộ dân bị cắt tiền giải phóng mặt bằng

Thực hiện chủ trương nâng cấp, mở rộng mặt đường quốc lộ 19 chạy qua địa bàn huyện Tây Sơn, năm 2014, UBND và Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Tây Sơn đã tiến hành thu hồi, định giá đất để đền bù cho các hộ dân nằm trong dự án.

Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cho đến khi dự án hoàn thành, ông Hồ Văn Cương cùng 57 hộ dân trú tại tổ 4, 5 khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong, thôn Hòa Trung, thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường bị thu hồi đất, nhưng vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

Lý do được đưa ra là nhà của các hộ này nằm trong phần đất của hành lang an toàn giao thông theo phân định mốc lộ giới từ tim đường ra 27,5m, trong khi một số hộ cùng đoạn tuyến lại được bồi thường khiến các hộ dân không khỏi hoài nghi, thắc mắc.

Ngày 6/11/2014, khi thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Tây Sơn có Công văn số 160/CV-HĐ-BTGPMB xin chủ trương giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 19 trên địa bàn huyện Tây Sơn.

Theo đó, đề cập đến bản đồ địa chính năm 1994 không xác định cụ thể nền mặt đường, phần hành lang bảo vệ đường bộ là bao nhiêu, do đó không có căn cứ để xác định diện tích đất để bồi thường; tập trung ở khu dân cư đã hình thành việc sử dụng đất có từ trước năm 1993 (khu dân cư thôn Phú An, xã Tây Xuân, Cầu Đập Bộng, xã Bình Nghi, thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong).

Giải quyết vướng mắc này, ngày 21/11/2014, Hội đồng Thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp xem xét đề xuất giải quyết. Ngày 28/11/2014, Sở TN&MT Bình Định đã ra Văn bản số 1329/S TN&MT – CCQLĐĐ báo cáo UBND tỉnh này thống nhất đề xuất xem xét các trường hợp được Nhà nước giao quyền sử dụng đất ở mà bị trừ phần đất quy hoạch hành lang tuyến (đất ngoài sổ) được áp dụng tương tự như chính sách bồi thường các dự án tuyến đường quốc lộ 1A, như sau: “Nếu diện tích đất ở được giao quyền sử dụng cho các hộ gia đình, cá nhân nhỏ hơn hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh thì phần diện tích đất nằm ngoài sổ được xác nhận là hợp pháp (khi cấp sổ bị trừ hành lang đường) thì được xem xét bồi thường đất ở cho đủ bằng hạn mức giao đất ở. Nếu diện tích đất ở được giao quyền sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân bằng hoặc lớn hơn hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh theo quy định và trên đất ngoài sổ có nhà ở (khi cấp sổ bị trừ hành lang đường) thì phần đất được xác định là hợp pháp”. 

Tiếp đó ngày 4/12/2014, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có Công văn số 5413/UBND-TH đồng ý theo đề xuất của Sở TN&MT tại Văn bản số 1329/STNMT-CCQLĐĐ ngày 28/11/2014.

Văn bản chỉ đạo của tỉnh “vô hiệu” với huyện

Mặc dù UBND, Sở TN&MT  Bình Định thống nhất hướng xử lý vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp của ông Hồ Văn Cường cùng 57 hộ dân, nhưng không hiểu sao UBND, Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Tây Sơn lại không thực hiện theo hướng xử lý trên và lấy lý do áp dụng Nghị định 203-HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành Điều lệ Bảo vệ đường bộ để thu hồi đất của dân mà không bồi thường bất kỳ khoản tiền nào khiến cho các hộ dân liên tục gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Bình Định.

Ngày 16/11/2015, UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 5493/UBND-TD giao cho Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn rà soát hồ sơ vụ việc của từng hộ, giải quyết khiếu nại; Văn bản 404/UBND-TD ngày 3/2/2016 yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn khẩn trương thực hiện, báo cáo kết quả, giải trình nguyên nhân chậm trễ trước ngày 15/3/2016; Văn bản 1156/UBND-TD ngày 1/4/2016 yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo kết quả, giải trình rõ nguyên nhân chậm trễ cho UBND tỉnh trong tháng 4/2016. Tuy nhiên, đến nay Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn vẫn “nín thinh” không có ý kiến trả lời.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của các hộ dân, Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Bình Định cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, đồng thời có biện pháp xử lý cá nhân, tập thể cố tình chây ỳ, không muốn nói coi thường chỉ đạo của của cấp trên.