Càng mạo hiểm thì càng phải an toàn

(PLO) - Mới đây, tại Bến Tre, tai nạn xảy ra trong một trò chơi mô tô nước mạo hiểm trên sông đã khiến du khách tử vong. Thực tế, trên cả nước còn rất nhiều trò du lịch mạo hiểm tự phát, chưa qua đăng kí có thể gây nguy hiểm tính mạng cho du khách.
Khu du lịch Làng Bè nơi xảy ra vụ tai nạn.
Khu du lịch Làng Bè nơi xảy ra vụ tai nạn.

Được biết, du khách tử nạn khi lái mô tô nước trên sông Tiền. Chiếc mô tô nước này đã tông vào tàu du lịch trên sông. Chiếc mô tô nói trên là của Công ty du lịch Làng Bè và điều đáng nói là khu du lịch này vẫn chưa được cấp phép sử dụng cũng như đưa mô tô nước đi vào hoạt động du lịch.

Trên thực tế, mô tô nước là hình thức quen thuộc tại các khu du lịch đường sông, đường biển trên cả nước. Trò chơi này mang tính chất khá mạo hiểm, và nếu người chơi không thành thục trong việc điều khiển phương tiện thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít khu du lịch đưa vào hoạt động “chui” các dịch vụ như ca nô nước, lướt ván, chèo thuyền kayak… với thiết bị chưa được kiểm định và trang bị sơ sài, dễ gây nguy hiểm cho du khách.

Không chỉ thể, các trò chơi mạo hiểm còn được hoạt động “chui” bởi lực lượng hướng dẫn viên du lịch tự do. Lực lượng này thường làm việc đơn lẻ, tự quảng cáo và nhận khách du lịch, tự tổ chức cho du khách những trò chơi mạo hiểm như đi dây vượt thác, đi trên lưới trên không, đu dây xuyên rừng, trượt đồi, trượt thác, lặn biển, đi bộ dưới biển ngắm san hô… Nhiều vụ tai nạn thương tâm cho du khách đã xảy ra từ những trò chơi mạo hiểm “chui”, tự phát như thế.

Để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của du khách trong và ngoài nước, các khu du lịch thiên nhiên đã xây dựng đưa vào hoạt động nhiều trò chơi mạo hiểm thú vị. Những trò chơi được ưa chuộng thời gian qua có thể kể đến trò “bay lượn trên mặt nước” nhờ vào lực vòi phun, thả dù từ trên cao, bay lượn bằng dù với ca nô kéo, trượt máng trên địa hình dốc…

Các trò chơi này tạo cảm giác mạnh, thu hút du khách, tuy nhiên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù có đăng kí, được cấp phép hoạt động nhưng chỉ một vài sơ suất nhỏ trong khâu kĩ thuật hay tắc trách từ những người điều khiển, tai nạn thương tâm cũng có thể xảy ra. Vụ đứt cáp trò chơi mạo hiểm ở Buôn Mê Thuột hồi đầu năm hay vụ máng trượt hỏng gây tai nạn tại một khu du lịch trên núi thời gian trước là minh chứng cho điều này.

Thời gian tới, thị trường du lịch phát triển với việc xuất hiện thêm nhiều khu du lịch, khu vui chơi quy mô lớn sẽ càng nhiều trò chơi mạo hiểm cấp quốc tế “đổ bộ” vào Việt Nam. Một khi các trò chơi có mức độ nguy hiểm “quốc tế” nhưng được vận hành bởi kĩ thuật không đúng chuẩn thì nguy cơ tai nạn sẽ rất cao.

Chính vì thế, nên chăng có sự cân nhắc và kiểm soát kĩ lưỡng khi cấp phép cho các trò chơi mạo hiểm đi vào hoạt động. Và nên chăng, cơ quan chức năng cũng có biện pháp thường xuyên rà soát, kiểm định chất lượng cùng với siết chặt các hoạt động tự phát để tính mạng du khách không bị “mạo hiểm” theo những trò chơi cảm giác mạnh nhưng thiếu an toàn?