Cổ phần hóa vẫn “tắc”

(PLVN) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp hiện nay còn rất chậm. Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 7/2020, cả nước có khoảng 177 doanh nghiệp được các cấp thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, chỉ có 37/128 doanh nghiệp thuộc danh mục, CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng. Như vậy, số doanh nghiệp CPH mới chỉ đạt 28% kế hoạch. Từ nay đến cuối năm 2020 sẽ còn có 91 doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa theo danh mục. Trong đó nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Đánh giá nguyên nhân, Bộ Tài chính cho rằng: vấn đề chủ quan dẫn đến cổ phần hóa chậm là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập.  

Hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ CPH, thoái vốn là thực trạng chung.

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN và các chủ trương của Đảng về DNNN; các cấp, các ngành, các DNNN đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả DNNN. CPH DNNN giai đoạn 2016-2020 tập trung hơn vào việc xác định tiêu chí, danh mục phân loại DNNN cụ thể theo từng năm, từng bộ, ngành, địa phương và tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Báo cáo về tinh thần là như vậy, nhưng khi làm vẫn chưa đạt kết quả đề ra.

Theo các chuyên gia về CPH, khách quan có chuyện “khung pháp lý” cho các DN trong quá trình CPH và hậu CPH chưa được hoàn thiện. Trong đó, chính sách thu hút cổ đông chiến lược còn nhiều ràng buộc về mặt chính sách đối với việc tìm nhà đầu tư chiến lược (ngoài các ràng buộc về điều kiện tiêu chuẩn nhà đầu tư chiến lược đối với từng DN), như thời hạn quy định lựa chọn cổ đông chiến lược ngắn so với các trường hợp CPH DN lớn và có cơ cấu tài sản phức tạp.

Thời gian dài vừa qua, Việt Nam chủ yếu chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh... Tuy nhiên, đây chỉ là phần ngọn của vấn đề. Trong khi đáng ra, cải cách, tái cơ cấu phải thay đổi bộ máy quản lý, thay đổi phân bổ nguồn lực, đánh giá hiệu quả kinh tế Nhà nước toàn diện, thay đổi con người, cách thức do hiệu quả chính sách.

Rõ ràng, cần phải thay đổi cách làm, người làm và chính sách CPH để không phải ra nhiều văn bản quy định, hướng dẫn nhưng cuối cùng qua năm này, đến năm khác CPH vẫn vướng, vẫn “tắc”.