Tòa án Quân sự Quân khu 7: Hình sự hóa một sự việc dân sự?

(PLO) - Mặc dù cứ 3 tháng một lần, người vay thanh toán sòng phẳng cả gốc lẫn lãi theo quy định và tất cả các giao dịch giữa bên đi vay và bên cho vay chỉ là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, Tòa án Quân sự Quân khu 7 vẫn “buộc” bên vay vào tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án 9 năm tù.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ một chuyện làm ăn...

Theo Bản án số 01/2016/HSST ngày 26/01/2016 của Tòa án Quân sự Quân khu 7 (TAQK7): “Tháng 4/2011, Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Thanh (trụ sở ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) có nhu cầu mua xe ô tô tải để chuyển ngành nghề kinh doanh. Ông Trần Văn Sáu và 2 người khác là thành viên đã liên hệ với ông Trương Hoàng Sơn, Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu ô tô Hoàng Sơn để mua xe trả góp.

Phía ông Sơn đề nghị thế chấp quyền sử dụng thửa đất số 326, phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM, diện tích 1.755m2 vay tiền ngân hàng. Thửa đất trên là tài sản của vợ chồng ông Sáu. Trước khi thế chấp, ông Sáu nói thửa đất này đã bán cho một số người, nhưng chưa làm thủ tục tách sổ, diện tích thực tế ông Sáu sở hữu không còn được như trên giấy tờ. Tuy nhiên, ông Sơn nói chỉ cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là được, chuyện vay tiền cứ để Sơn lo.

Tháng 5/2011, để đáp ứng điều kiện của ngân hàng, ông Sơn làm thủ tục đưa ông Sáu vào làm thành viên Cty Hoàng Sơn, tài sản góp vốn là giá trị quyền sử dụng thửa đất trên. Sau đó, ông Sơn làm thủ tục thế chấp vay tiền của Ngân hàng thương mại Chi nhánh TP HCM. Trước khi cán bộ ngân hàng xuống thẩm định, ông Sơn gọi điện dặn ông Sáu: “Nếu ai hỏi thì nói đất là của Sáu, nhà trên đất do Sáu xây cho thuê”. Sau khi thẩm định, ngân hàng tin tưởng và đề nghị làm hồ sơ cho Cty Hoàng Sơn vay vốn.

Ngày 10/6/2016, ông Sơn cùng ông Sáu và bà Nguyễn Thị Hồng (vợ ông Sáu) ký Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng thửa đất trên với Ngân hàng Quân đội Chi nhánh TP HCM, bảo lãnh cho các khoản vay với hạn mức tín dụng tối đa là 5 tỷ đồng, thời hạn 1 năm. Ngân hàng đã giải ngân số tiền trên cho Công ty làm nhiều lần”. 

Cơ quan tố tụng cáo buộc, đầu năm 2012, để có tiền trả nợ, ông Sơn lập khống 3 bộ hồ sơ mua bán xe ô tô Howo làm thủ tục vay tiền ngân hàng. Cùng với tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Sáu, ông Sơn được Ngân hàng giải ngân qua 8 khế ước nhận nợ số tiền hơn 4,9 tỷ đồng. 

Tại cấp sơ thẩm, ngày 26/01/2016 TAQK7 xác định, trừ số tiền 415 triệu đồng bị cáo thanh toán với giá trị quyền sử dụng thửa đất còn lại của ông Sáu mang ra thế chấp (92,7m2) được xác định là 99,8 triệu đồng, bị cáo Sơn đã chiếm đoạt của Ngân hàng hơn 4,4 tỷ đồng. TAQK7 đã tuyên ông Sơn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án 9 năm tù, buộc hoàn trả số tiền 4,4 tỷ đồng; đồng thời kê biên thửa đất tại Long An với diện tích 14.983m2 để đảm bảo thi hành án.

Không đồng tình với bản án, ông Sơn kháng cáo lên Tòa án Quân sự Trung ương (TAQSTƯ). Tại phiên tòa phúc thẩm tháng 5/2016, TAQSTƯ vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm.

... bị “hình sự hóa”? 

Nhận định về vụ án, Luật sư Lê Nghĩa – người bào chữa cho bị cáo - cho rằng, vụ án đã bị TAQK7 hình sự hóa quan hệ kinh tế trái với quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự, vi phạm nghiêm trọng khoản 1, 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo lời khai và thực tế, giao dịch giữa Cty Hoàng Sơn và bên Ngân hàng là một giao dịch dân sự, do pháp luật dân sự điều chỉnh và do TAND giải quyết.

Khi đưa ra nhận định để buộc tội ông Sơn, TAQK7 và TAQSTƯ đã chỉ căn cứ vào lời khai của ông Sáu và hai người cùng đi mua xe: “Sáu nói cho Sơn biết đất đã bán cho một số người, không còn như trong giấy nữa… Sơn gọi điện dặn trước nếu ai hỏi thì nói nhà do Sáu xây lên cho thuê” mà bỏ qua chi tiết, tất cả lời khai của ông Sáu (ở 11 bút lục) đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật từ đầu đến cuối, không xem xét kết luận điều tra bổ sung vụ án.

Nội dung chính của vụ việc là việc “Thế chấp quyền sử dụng đất” và nếu giao dịch này không thành, Cty Hoàng Sơn không vay được tiền. Trên thực tế, tài sản thế chấp là tài sản của vợ chồng ông Sáu chứ không phải của Cty Hoàng Sơn; vợ chồng ông Sáu trực tiếp ký hợp đồng thế chấp, ký biên bản thỏa thuận định giá tài sản. 

Cty Hoàng Sơn là bên thứ ba được vợ chồng ông Sáu dùng tài sản thế chấp bảo lãnh để vay tiền ngân hàng nên không phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý và giá trị tài sản thế chấp. Trong khi đó, cứ 3 tháng một lần, Cty Hoàng Sơn vẫn trả sòng phẳng cả gốc lẫn lãi nên không hề có dấu hiệu “chiếm đoạt” như cơ quan kiểm sát cáo buộc.

Đó là chưa kể, 3 hợp đồng mua bán xe ô tô theo 8 khế ước nhận nợ ngắn hạn hơn 4 tỷ đồng cũng đã được phía ngân hàng thẩm định chặt chẽ trước khi xuất tín dụng cho vay, do đó càng không thể nói ông Sơn gian dối khi lập hồ sơ vay vốn. Một điều quan trọng nữa, đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đang do Ngân hàng giữ theo hợp đồng thế chấp tài sản, nếu bên vay là Cty Hoàng Sơn không trả được thì Ngân hàng vẫn có thể làm các thủ tục phát mại để thu hồi nợ.

Luật sư đề nghị: “Với việc tuyên án gượng ép, không tôn trọng chứng cứ và diễn biến phiên tòa sơ thẩm như trên, hy vọng các cơ quan hữu quan có trách nhiệm xem xét để có phán quyết khách quan về vụ án này”.