Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh: Do đâu áp dụng luật khác nhau?

(PLO) - Từ thực tiễn thực hiện các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Luật sư Chu Minh (Công ty Luật TNHH Dân Quyền) chia sẻ những băn khoăn về việc áp dụng luật khi tiến hành thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghị định quy định một đằng...

Theo quy định tại Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp quy định đăng  ký hộ kinh doanh, khi tiến hành đăng ký hộ kinh doanh, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Cụ thể, nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm: Tên hộ kinh doanh, địa chỉ, địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có); Ngành, nghề kinh doanh; Số vốn kinh doanh; Số lao động; Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân (hoặc cá nhân, hoặc đại diện hộ gia đình) muốn thành lập hộ kinh doanh.

Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP cũng quy định, kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ với nội dung trên, cá nhân gửi hồ sơ đến Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện để đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

... Hà Nội làm một nẻo

Mặc dù Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định rất rõ như vậy nhưng thực tế  các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội lại áp dụng khác nhau. Tại một số địa bàn như quận Thanh  Xuân, quận Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm…, không hiểu vì lý do gì mà ngoài các giấy tờ quy định theo Luật thì Phòng  Đăng ký kinh doanh tại đây luôn yêu cầu các hộ kinh doanh phải nộp thêm các đầu mục hồ sơ là hợp đồng thuê nhà hoặc hợp đồng mượn nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứng thực, Chứng minh thư của chủ sở hữu… Điều này là bất cập và gây khó khăn cho người dân muốn tự do kinh doanh. 

Trong khi đó, ở địa bàn các quận khác như Hà Đông, Đống Đa hay Hai Bà Trưng… thì thủ tục đăng ký hộ kinh doanh lại áp dụng đúng tinh thần Điều 71 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP,  tức là chỉ cần Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh ghi nội dung theo yêu cầu và Chứng minh thư chứng thực của chủ hộ kinh doanh.

Anh H. – một khách hàng của Cty Luật Dân quyền – chia sẻ: “Tôi là người ngoại tỉnh lên Hà Nội làm ăn, tích cóp được số vốn nhỏ muốn đăng ký hộ kinh doanh. Thế nhưng, tôi đã đến Phòng Đăng ký kinh doanh quận  X  đến lần thứ 2 rồi mà vẫn trong tình trạng “hồ sơ thiếu”.  

Lần thứ nhất, tìm hiểu thông tin qua mạng, tôi mang theo Chứng minh thư, hợp đồng thuê nhà và cả Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến thì chuyên viên nhận hồ sơ yêu cầu cần có thêm Chứng minh thư của chủ nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản chứng thực.

Lần thứ hai, sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo yêu cầu trên thì nhận được câu trả lời “chưa được” do trên sổ đỏ ghi tên cả hai vợ chồng còn trong hợp đồng cho thuê nhà chỉ có mình tên chồng. Giờ tôi không biết làm sao do vợ tôi đang công tác ở nước ngoài”.

Cùng một thủ tục hành chính rất phổ biến theo quy định của luật là đăng ký hộ kinh doanh mà các quận lại áp dụng khác nhau, nguyên nhân vì sao? Việc này có phải do nhận thức, cách hiểu, vận dụng pháp luật, trình độ năng lực của chuyên viên tại các quận là khác nhau hay có việc gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính nhằm mục đích trục lợi?

Điều này đặt ra câu hỏi đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và UBND các quận, huyện sớm có lời giải đáp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự do kinh doanh.