Sự thật ít người biết về ca khúc Happy New Year thường vang lên mỗi dịp Tết đến xuân về

(PLVN) - Mỗi dịp Tết đến xuân sang, nơi nơi lại vang lên giai điệu ca khúc “Happy New Year”, khiến lòng người rạo rực hân hoan chào đón năm mới, tiễn biệt năm cũ. Bài hát khá phổ biến tại nhiều nước trên thế giới và nhiều người Việt có thể ngâm nga điệu nhạc dù không thuộc lời. Tuy nhiên đằng sau nền nhạc sôi động ấy, ít người biết rằng đây lại là một bài hát có nội dung buồn bã, ảm đạm và nhiều sự thật gây bất ngờ.
Ban nhạc ABBA.
Ban nhạc ABBA.

Bài hát buồn trên nền nhạc sôi động

Bài hát “Happy New Year” nằm trong album “Super trouper”, phát hành năm 1980 bởi ban nhạc huyền thoại ABBA. Đây là nhóm nhạc pop của Thụy Điển, được thành lập tại Stockholm bởi 4 thành viên Agnetha Fältskog, Bjorn Ulvaeus, Benny Andersson, và Anni-Frid Lyngstad. Tên ban nhạc ghép các chữ cái đầu tiên của tên các thành viên. Họ đã trở thành một trong những nghệ sĩ có đĩa đơn bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc đại chúng, đứng đầu các bảng xếp hạng trên toàn thế giới từ năm 1974 đến năm 1982.

Ra đời đến nay hơn bốn thập kỷ, ca khúc “Happy New Year” của ABBA đặc biệt phổ biến ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Trong vài chục năm trở lại đây, ca khúc thường vang lên mỗi dịp năm hết Tết về. Nó phổ biến tới mức đã khắc sâu vào tâm tưởng của không ít thế hệ người Việt. Nhiều đứa trẻ thậm chí còn hát thuộc lòng dù không hiểu nội dung là gì. Các giáo viên dạy tiếng Anh cũng hay dạy đoạn điệp khúc của Happy New Year cho học sinh để có thể ngân nga vào đêm giao thừa.

Giai điệu của ca khúc này thường được phát trên truyền hình ở những thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, lúc mà nhà nhà sum họp đoàn viên. Nền nhạc vừa rộn ràng vừa da diết của bài hát đã khiến bao thế hệ không khỏi lầm tưởng về bài hát huyền thoại vô cùng kỳ lạ này. Đó là trái ngược với nền nhạc sôi động, nội dung bài hát đặc biệt là đoạn mở đầu có phần bi quan, mang một nỗi buồn trống vắng khó tả.

Bức tranh đầu tiên mà “Happy New Year” vẽ nên là sớm mai u buồn, ảm đạm len lỏi trong từng câu chữ: Không còn rượu champagne. Và pháo hoa cũng đã hết. Chỉ còn lại chúng ta, em và anh. Cảm thấy trống vắng và buồn bã. Đây là đoạn kết của bữa tiệc. Và buổi sáng dường như thật u ám. Không như ngày hôm qua...

Bài hát “Happy New Year là ca khúc thành công và nổi tiếng nhất của ban nhạc ABBA.
 Bài hát “Happy New Year là ca khúc thành công và nổi tiếng nhất của ban nhạc ABBA. 

Khung cảnh hiện lên là một sáng đầu năm mới, sau buổi tiệc đêm giao thừa, một đôi vợ chồng trẻ ngồi lại với nhau và nhìn thấy cuộc vui đêm qua như đã “tàn phai”. Thay vì không khí rộn rã vui tươi chào đón ngày mới thì những thứ hiện lên trước mắt như xác pháo, vỏ rượu champagne làm cho họ cảm thấy một thoáng u buồn. Nhiều người cho rằng, ca khúc miêu tả cảm xúc của con người khi đối mặt với dòng chảy vô tận của thời gian.

Điều này cũng dễ hiểu nếu nhìn vào hoàn cảnh ra đời của ca khúc, nó xuất hiện trong thời điểm vừa kết thúc thập niên 70 của thế kỷ 20 - một thập niên đầy hỗn loạn của thế giới. Thế nên nó không chỉ là cảm xúc cá nhân của ban nhạc ABBA mà còn phảng phất bức tranh thời cuộc.

Đây là khoảng thời gian thế giới chứng kiến hàng loạt những cuộc khủng hoảng từ mọi châu lục như cuộc chạy đua vũ trang của Mỹ và Liên Xô, xung đột ở Trung Đông, nạn diệt chủng Pol Pot ở Campuchia, thiếu hụt năng lượng và nạn đói trầm trọng ở nhiều nơi. Nhiều người cho rằng, “Happy New Year” thể hiện sự thất vọng của ABBA về một thập niên 70 đầy thù địch và hỗn loạn.

Nỗi buồn và niềm tiếc nuối vơi dần khi đến nửa tiếp theo và phần điệp khúc bài hát, thay vào đó là niềm hy vọng vào tương lai, chờ đợi những điều tốt đẹp đang ở phía trước: Chúc mừng năm mới. Chúc mừng năm mới. Liệu chúng ta có thể được nhìn thấy từ bây giờ và sau này. Một thế giới nơi mỗi người hàng xóm là một người bạn.

Chỉ nổi tiếng sau gần 20 năm ra đời

Chẳng những phảng phất nỗi buồn thời đại, “Happy New Year” còn ra đời trong giai đoạn buồn bã của nhóm ABBA. Ban nhạc thành lập năm 1972, bởi bốn thành viên là hai cặp vợ chồng Ulvaeus - Faltskog và Anderson - Lyngstad. Nhóm hoạt động mạnh trong một thập niên, kéo dài từ năm 1972 đến 1982. Vào năm 1979, giữa thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp, hai thành viên là Björn Ulvaeus và Agnetha Faltskog đã tuyên bố li dỵ sau một thời gian kết hôn. Điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới những hoạt động biểu diễn của ABBA.

Không lâu sau vào năm 1981, tới lượt cặp đôi còn lại là Benny Anderson và Anni-Frid Lyngstad cũng chia tay nhau. Mọi thứ đã trở nên khó khăn cho ABBA khi họ dần cảm thấy khó có thể cùng nhau sáng tạo và trình diễn âm nhạc thêm nữa, bởi hai cuộc hôn nhân trong nhóm đều gặp phải khó khăn và đổ vỡ. Năm 1982, ban nhạc tan rã khi “Happy New Year” mới chỉ ra đời được 2 năm, để lại nhiều tiếc nuối trong lòng công chúng, nhất là khi họ đang ở trên đỉnh vinh quang.

Xoay quanh ca khúc này còn nhiều điều thú vị khác. Ban đầu, “Happy New Year” có một cái tên dài hơn và khá hài hước là “Daddy Don't Get Drunk On Christmas Day” (Bố ơi đừng say xỉn trong ngày Giáng sinh). Hai nam ca sĩ của ABBA cũng là những người viết lên phần lời và nhạc của ca khúc này là Bjorn Ulvaeus và Benny Andersson ngay từ đầu đã không hề có chủ đích sáng tạo nên “Happy New Year”.

Vào thời điểm ra đời, ABBA không hề đánh giá cao ca khúc này. Nó thậm chí còn không được phát hành dưới dạng đĩa đơn cho mãi đến năm 1999. Benny Anderson từng chia sẻ về Happy New Year như sau: “Một bài hát gần với Giáng sinh nhưng cũng chẳng phải để đón mừng năm mới”.

Năm 1999, tận dụng việc cả thế giới đang háo hức chuẩn bị bước sang một thiên niên kỷ mới, ABBA chính thức tung ra “Happy New Year” như đĩa đơn nhằm quảng bá cho những album khác của mình. Thời điểm đó, ca khúc thực sự gây nên cơn sốt âm nhạc trên toàn thế giới, nằm trong top đầu các bảng xếp hạng tại Argentina (vị trí thứ 5), Thụy Điển (vị trí thứ 27), Hà Lan (vị trí thứ 15)... trong năm đó và số lượt người nghe tăng đột biến vào mỗi dịp đón năm mới những năm sau đó. Ca khúc cũng từng được khá nhiều nghệ sĩ trên thế giới hát lại.

Sự phổ biến của “Happy New Year” tại Việt Nam đã khiến cho nhiều người tin rằng nó luôn được phát vào dịp giao thừa tại nhiều quốc gia khác. Thế nhưng thực tế không phải như vậy. Đối với nhiều quốc gia tại Châu Á trong đó có Việt Nam, “Happy New Year” là bài hát đã trở nên vô cùng quen thuộc, được nghe nhiều lần vào mỗi dịp năm mới. Tuy nhiên với nhiều nơi trên thế giới, tại nhiều quốc gia nói tiếng Anh thì đây không phải là ca khúc “ruột” dành cho năm mới của họ. Ca khúc năm mới phổ biến nhất trên thế giới thuộc về “Auld Lang Syne”. Đây là bài hát dân ca truyền thống được phổ nhạc từ một bài thơ Scotland do Robert Burn sáng tác vào năm 1788.

Vì mang nỗi buồn u uất nhưng mỗi dịp cận Tết lại được mở khắp nơi, từ phố xá đông người, các hàng quán cho đến các gia đình, vừa qua có ý kiến cho rằng đừng nên mở bài hát “Happy New Year” nơi công cộng. Lý do là bởi ca khúc chỉ đồng điệu với giai đoạn xã hội nhuốm màu u ám lúc nó ra đời, đều là những điều không mấy vui vẻ. Nhưng bây giờ hoàn cảnh đã không còn như xưa, nếu đâu đâu cũng văng âm điệu của ca khúc sẽ mang đến cảm giác ủy mị, buồn thảm và không phù hợp với tâm trạng người người cầu mong hạnh phúc, phát tài, sức khỏe, bình an... Trong khi nhạc Việt có rất nhiều bài hát mang âm hưởng tươi vui, khỏe khoắn, rộn ràng.

Không thể phủ nhận ý kiến trên, tuy nhiên với nhiều người Việt, ca khúc này đã trở nên quá đỗi quen thuộc, đặc biệt là trong những ngày cuối năm. Bài hát như là một phần ký ức với nhiều người mà mỗi lần vang lên khiến lòng nao nao một cảm xúc khó tả. Nhiều người cho rằng, dù lời bài hát có vẻ buồn và ảm đạm, nhưng nếu xét cả phần lời lẫn phần nhạc thì ca khúc chạm đến một phép cân bằng hoàn hảo, không quá vui, không quá buồn, lại nhẹ nhàng, gợi lên niềm xao xuyến, gửi gắm nhiều nỗi niềm trước sự chảy trôi của thời gian.

Mỗi khi giai điệu của “Happy New Year” cất lên như thấy lòng mình lắng lại với một nỗi buồn không tên, khó tả, nhưng rất đặc trưng của khoảnh khắc giao thừa. Một năm trôi qua với biết bao cảm xúc, thăng trầm, biến động... Đứng trước sự vận động, biến thiên của cuộc sống, con người không tránh khỏi cảm giác man mác, xốn xang, bùi ngùi… như cuộc sống có cả những niềm vui lẫn nỗi buồn, như cảm xúc vừa luyến tiếc năm cũ vừa nghe lòng thổn thức đón chào năm mới. Có lẽ vì thế mà cứ vào dịp cuối năm, người Việt vẫn hạnh phúc và cảm thấy ấm lòng khi lắng nghe giai điệu thân thuộc này.

Đọc thêm