Sự thật về thương hiệu “kỳ lân mới nổi” Luckin Coffee của Trung Quốc

(PLVN) - Luckin Coffee là đối thủ đáng gờm của Starbucks tại Trung Quốc, thay đổi cả ngành bán lẻ cà phê Trung Quốc, phá vỡ mọi thói quen uống cà phê truyền thống... Đó là những gì người ta nói về Luckin Coffee trong những năm đầu ra mắt, nhưng sự thực sau đó thì sao?
Chủ tịch Lu Zhengyao trong lễ IPO của Luckin Coffee tại sàn chứng khoán Nasdaq (New York, Mỹ).

Thách thức “ông lớn”

Trong lịch sử, Trung Quốc là quốc gia có nền văn hóa trà đạo lâu đời và đó là dường như là một phần không thể thiếu ở quốc gia này. Trái với trà đạo, cà phê dường như là một điều gì đó mờ nhạt ở quốc gia này. Tuy nhiên, kể từ năm 1999 khi Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại Bắc Kinh, sự tăng trưởng trong tiêu thụ cà phê ở quốc gia này đang không có dấu hiệu dừng lại. Từ năm 1999, Starbucks đã phát triển tới hơn 4.000 cửa hàng trên khắp Trung Quốc, hiện chiếm 80% doanh nghiệp bán lẻ cà phê tại thị trường này.

Với sự hấp dẫn của cà phê đối với thế hệ trẻ, các nhà phân tích rất lạc quan về thị trường, Starbucks đã lên kế hoạch để mở rộng thị phần, thế nhưng những thương hiệu cà phê nội địa dường như không có ý định bỏ ngỏ thị trường đầy tiềm năng vào tay một đối thủ nước ngoài. Và Luckin Coffee là hồi chuông cảnh báo đầu tiên dành cho Starbucks tại Trung Quốc.

Luckin đã mở cửa hàng đầu tiên tại Bắc Kinh vào năm 2017, sau Starbucks 18 năm. Chỉ sau 1 năm phát triển, cửa hàng của Luckin gần như có mặt ở mọi nơi. Luckin có gần 2.000 cửa hàng tại 30 thành phố lớn, nhiều hơn con số 4.300 cửa hàng mà Starbucks đã phải miệt mài xây dựng trong suốt 2 thập kỷ ở đất nước tỷ dân. Và Luckin đã nhanh chóng trở thành một trong những “kỳ lân” nổi bật nhất tại Trung Quốc với định giá hàng tỷ đô. 

Một ly Luckin Coffee. 

Điểm chung duy nhất của Starbucks và Luckin là cùng phục vụ cà phê. Nhưng không giống Starbucks, cửa hàng của Luckin là những gian hàng nhỏ, chuyên nhận đơn trực tuyến, cho cả giao hàng và phục vụ tại chỗ. Quan trọng hơn, Luckin đưa công nghệ làm yếu tố cốt lõi trong hoạt động kinh doanh ngay từ đầu.

Các cửa hàng của họ không nhận thanh toán bằng tiền mặt và khách hàng chỉ có thể trả tiền qua ứng dụng Luckin, đi kèm các chương trình khuyến mại. Những khách hàng ngày càng có nhu cầu về các kiểu dịch vụ như thế này khi Trung Quốc đang ngày càng kết nối hơn. Và đến tận gần đây, Starbucks mới bắt đầu có dịch vụ như vậy. “Starbucks có một điểm yếu. Việc họ không có dịch vụ giao hàng thật là ngớ ngẩn. Và ứng dụng của họ cũng rất tệ”, Jeffrey Towson - Giáo sư Đại học Bắc Kinh nhận định.

Giống như nhiều công ty công nghệ, Luckin đang đẩy mạnh tăng trưởng, nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động của mình với hy vọng tạo ra thị trường riêng với các cửa hàng cà phê siêu tiện lợi. Với định hướng như vậy, thương hiệu này đã ra mắt loại hình bán lẻ không người, hay là máy bán tự động. Thiết bị được tạo ra với mong muốn “đưa Luckin Coffee đến gần hơn với khách hàng”, hứa hẹn ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng.

Theo Citi Investment Research, với thiết bị mới này, Luckin có thể bắt đầu hoàn vốn sau khi bán được 50 cốc cà phê, so với con số hiện tại là 350 cốc với các cửa hàng bán cà phê thông thường. Thương hiệu này công bố, họ đã bù lỗ 324 triệu USD trong 9 tháng đầu tiên năm 2019 để dốc toàn lực cho sự phát triển và công nghệ để xây dựng hệ thống nền tảng khách hàng.

Luckin chính là một điển hình cho mô hình kinh doanh cà phê trong tương lai: Đến khoảng 70% cà phê được tiêu thụ ngoài cửa hàng. Điều này hỗ trợ đắc lực cho mảng giao hàng trong ngành dịch vụ ăn uống. Điều quan trọng là Luckin đang giải phóng được càng ngày càng nhiều nhân công khi tập trung vào hệ thống công nghệ được thiết kế nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, giúp phân tích dữ liệu và sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện vận hành.

Với cách này, thương hiệu có thể tiếp cận các thị trường mới hơn bằng cách sử dụng phương thức điểm bán chỉ giao hàng (mang đi), trước khi đầu tư mở các cửa hàng lớn hơn tại khu vực.

Cú lừa lịch sử

Luckin được cho là một đối thủ trẻ nhiều tiềm năng, khi được các quỹ lớn bao gồm cả BlackRocks, ngân hàng Credit Suisse và Morgan Stanley đứng sau chống lưng hàng trăm triệu USD để có thể hoạt động. Sau đó, chuỗi cửa hàng cà phê Luckin Coffee của Trung Quốc ngày 22/4/2019 đã nộp đơn xin phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ, với mục tiêu huy động lên tới 800 triệu USD. 

Số liệu của Refinitiv cho hay với số tiền dự kiến huy động được, Luckin sẽ là công ty Trung Quốc dẫn đầu về IPO tại Mỹ trong năm 2019. Theo một nguồn tin khác cho biết, Luckin đang nhắm tới mức giá trị 4-5 tỷ USD, một bước tiến lớn so với con số 2,9 tỷ USD sau đợt huy động vốn gần đây nhất thu được 150 triệu USD. Tuy nhiên, kể từ sau khi niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ vào ngày 17/5/2019, mọi việc bắt đầu lao dốc không phanh đối với Luckin Coffee.

 

Công ty nghiên cứu tài chính Muddy Waters vào đầu năm 2020 đã nhận được một bản báo cáo nặc danh dài gần 90 trang cho thấy báo cáo doanh thu của Luckin Coffee đã bị “thổi phồng” ít nhất là 69% trong quý III và 88% trong quý IV/2019. Ngay sáng hôm sau, cổ phiếu của Luckin Coffee sụt đến 27%. 

Chưa dừng ở đó, Luckin Coffee thông báo Cựu Giám đốc điều hành của hãng đã thổi phồng doanh thu tới 310 triệu USD. Cổ phiếu của Luckin Coffee tiếp tục giảm 75%. Chủ tịch của Luckin Coffee đã vay 518 triệu USD từ các ngân hàng lớn và rơi vào cảnh phá sản sau vụ Luckin thừa nhận khai khống doanh thu năm 2019. Phần lớn tài sản của ông chủ Luckin bay hơi khi giá cổ phiếu công ty sụt giảm hơn 85%. Như vậy, các ngân hàng có nguy cơ “mất trắng” tới 300 triệu USD vì cú lừa của chuỗi cà phê “Starbucks Trung Quốc”.

Sau khi bê bối của Luckin bị phanh phui, ngân hàng đầu tư Goldman lập tức bán tháo 76,35 triệu cổ phiếu được niêm yết tại Mỹ của công ty Trung Quốc và xả sạch số cổ phiếu của Luckin. Một số nhà phân tích cho biết Goldman bán cổ phiếu Luckin Coffee với giá trung bình 2,75 USD/cổ phiếu. Trong giai đoạn đỉnh cao, giá cổ phiếu của chuỗi cà phê Trung Quốc chạm mức 26,20 USD/cổ phiếu. Ở thời điểm Goldman tiết lộ kế hoạch bán, giá cổ phiếu Luckin đã giảm xuống còn 3,18 USD.

Nhìn vào mô hình tăng trưởng nhanh chóng của Luckin Coffee, nhiều chuyên gia đã nhận ra những điểm tương đồng với các startup khác như Uber hay các hãng vận chuyển, đó là đốt tiền cực nhanh, tạo ra sản phẩm rẻ hơn hẳn đối thủ, chấp nhận thua lỗ để có được thị phần và đương nhiên không thể thiếu những khoản doanh thu được thổi phồng lên để tạo niềm tin với nhà đầu tư. 

Luckin Coffee đã rất nóng vội để được IPO, nhưng những báo cáo tài chính không minh bạch đã khiến hãng này buộc phải hủy niêm yết trên sàn Nasdaq. Bất chấp việc Luckin khai khống doanh thu hàng trăm triệu USD, Chủ tịch Luckin Lu Zhengyao vẫn khẳng định ông không lừa dối các nhà đầu tư khi nhấn mạnh: “Phong cách cá nhân của tôi có thể quá mạnh mẽ và khiến công ty vận hành quá nhanh và gây ra nhiều vấn đề, nhưng tôi không bao giờ nói dối các nhà đầu tư”.

Đọc thêm