Ngày 4/8/2015, TAND huyện Sông Lô xét xử vụ án Vũ Bá Trưởng phạm tội cố ý gây thương tích. Vụ án nhỏ, tình tiết rõ ràng xảy ra ngày 14/2/2015 đã được điều tra, làm rõ. Theo nội dung vụ án, chiều 14/2/2015, khi đang chơi điện tử tại một cửa hàng Internet tại xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô thì Vũ Bá Trưởng (sinh năm 1997) nhận được tin nhắn.
Khi mở điện thoại để đọc tin nhắn, chiếc điện thoại trở chứng khiến Trưởng bực tức và chửi “cái điện thoại rồ” rồi đập luôn chiếc điện thoại. Vừa đập xong điện thoại, bất ngờ Trưởng bị anh Trần Văn Tình chạy đến túm cổ áo đấm cho 3-4 cái vì anh Tình tưởng là Trưởng chửi mình. Bất ngờ bị đánh, Trưởng bỏ chạy vào phía sau nhà chủ quán Internet và thấy một con dao. Trưởng đã quay lại, dùng dao chém anh Tình, gây thương tích.
Ngày 15/2/2015, Trung tâm giám định pháp y tỉnh Vĩnh Phúc đã kết luận nhanh thương tích của anh Tình tổn hại 52% sức khỏe. Vũ Bá Trưởng bị khởi tố, bắt tạm giam ngay sau đó.
Ngay đầu phiên tòa, luật sư bào chữa cho Vũ Bá Trưởng đề nghị Tòa triệu tập giám định viên đến phiên tòa để giải thích, làm rõ tỷ lệ thương tích 52% của bị hại vì theo bảng tỷ lệ thương tật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH và Thông tư 20/2014/TT-BYT về cách xác định tỷ lệ thương tật do thương tích gây ra. Tuy nhiên, sau hai lần hội ý, HĐXX quyết định không hoãn phiên tòa, không triệu tập giám định viên vì theo HĐXX thì “Tòa thấy kết luận giám định thế là được rồi” (?).
Do chỉ có một bị cáo được xét hỏi tại tòa và nội dung sự việc cũng đã rõ nên phần lớn thời gian của phiên tòa là phần tranh luận giữa công tố viên và người bào chữa về chứng cứ buộc tội đối với bị cáo. Mặc dù đại diện VKS chỉ đề nghị mức hình phạt từ 3-4 năm tù, nhưng luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Bá Trưởng cho rằng, việc áp dụng mức hình phạt trên cũng là chưa thỏa đáng vì quá trình tiến hành tố tụng, việc giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe của bị hại do thương tích mà bị cáo gây ra không đúng với quy định tại Thông tư số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH và Thông tư 20/2014/TT-BYT.
Trong đó, vết thương “vỡ xương vùng trán” có kích thước dài hơn 5cm chỉ có thương tích từ 21 đến 25% nhưng lại được giám định viên kết luận là tổn hại 52% sức khỏe. Lúc này, việc cần thiết có mặt giám định viên để giải thích về thương tật này lại rõ hơn bao giờ hết.
Khi đối chiếu thương tật của bị hại với bảng tỷ lệ thương tật mà pháp luật quy định thì lộ ra tỷ lệ chênh lệch rất lớn, khiến công tố viên phải giải thích rằng, đó là do nhiều vết thương gây ra và vị công tố viên còn ước tính các thương tích nếu cộng lại thì cũng bằng 52%. Tuy nhiên, lý lẽ này ngay lập tức bị “hớ” vì công tố viên không có chức năng và quyền hạn giải thích kết luận giám định và trong kết luận giám định cũng chỉ có một vết thương.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo, nếu có nhiều vết thương thì phải nêu cụ thể tỷ lệ thương tật của mỗi vết thương, sau đó cộng tỷ lệ thương tật đó theo phương pháp “cộng lùi” để có tỷ lệ thương tật của bị hại. Càng tranh luận càng rõ việc cần thiết phải có giám định viên tại phiên tòa hoặc trả hồ sơ để giám định lại đối với bị hại, làm căn cứ buộc tội bị cáo. Nhưng, HĐXX đã không lựa chọn cả hai cách làm đúng này.
Sau phần nghị án khá lâu, HĐXX đã tuyên phạt Vũ Bá Trưởng 3 năm 6 tháng tù. Mẹ bị cáo ứa nước mắt tiễn con lên xe áp giải phạm nhân còn những người tham dự phiên tòa thì ứa nước mắt vì một bản án mà trong lòng họ không phục.
Hầu hết những người dân tham dự phiên tòa thắc mắc, vì sao lại vội vàng tuyên án trong khi thương tích của bị hại chưa đúng với tỷ lệ thương tật mà văn bản pháp luật quy định? Không ai trả lời được câu hỏi này cho những người tham dự phiên tòa ngoại trừ những người đã xét xử. Nhưng có một câu trả lời khá rõ ràng là sự thất vọng của người dân chính là “bản án” không thể kháng cáo dành cho tòa.
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Trong quá trình VKS huyện Sông Lô nhận hồ sơ vụ án, bà Đặng Thị Lê, người đại diện của bị can đã gửi đơn khiếu nại, đề nghị trả hồ sơ để giám định lại đối với bị hại. Đơn của bà Lê đã gửi đến Tòa án ngày 7/5/2015, do một cán bộ của VKS huyện Sông Lô tên là Phương ký nhận. Tuy nhiên, đơn khiếu nại đã không được đưa vào hồ sơ vụ án và không được giải quyết. Tại phiên tòa, bà Đặng Thị Lê đã xuất trình phiếu biên nhận chuyển phát nhanh việc khiếu nại. Song, đại diện VKS vẫn cho rằng, VKS không nhận được đơn còn HĐXX thì không quan tâm đến điều này và vẫn tuyên án. Sự việc khiến cho nhiều người thất vọng và hoài nghi về một vụ án có dấu hiệu “bỏ túi”.
Trong quá trình VKS huyện Sông Lô nhận hồ sơ vụ án, bà Đặng Thị Lê, người đại diện của bị can đã gửi đơn khiếu nại, đề nghị trả hồ sơ để giám định lại đối với bị hại. Đơn của bà Lê đã gửi đến Tòa án ngày 7/5/2015, do một cán bộ của VKS huyện Sông Lô tên là Phương ký nhận. Tuy nhiên, đơn khiếu nại đã không được đưa vào hồ sơ vụ án và không được giải quyết. Tại phiên tòa, bà Đặng Thị Lê đã xuất trình phiếu biên nhận chuyển phát nhanh việc khiếu nại. Song, đại diện VKS vẫn cho rằng, VKS không nhận được đơn còn HĐXX thì không quan tâm đến điều này và vẫn tuyên án. Sự việc khiến cho nhiều người thất vọng và hoài nghi về một vụ án có dấu hiệu “bỏ túi”.