Chỉ 2 từ, cổ phiếu công ty vô danh tăng 11 lần
Một minh chứng rõ nhất là lần ông kêu gọi những người theo dõi Twitter “dùng Signal” hôm 7/1/2021 khiến cổ phiếu của một công ty vô danh tăng 1.100% vì người theo dõi... hiểu sai.
Theo đó, vị tỷ phú muốn nói đến ứng dụng nhắn tin được mã hóa Signal. Tuy nhiên, NBC News cho biết, một số người dường như đã thực hiện nó sai cách. Nhờ vậy, cổ phiếu của Signal Advance, một công ty ít người biết đến và không liên quan tới ứng dụng tỷ phú người Mỹ giới thiệu, có cổ phiếu tăng 527% vào ngày 7/1 và tiếp tục tăng 91% vào 8/1, tăng từ 60 xu lên 7,19 USD - tương đương 1.100%. Do sự quan tâm bất ngờ từ việc người đầu tư hiểu nhầm lời khuyên của người giàu nhất thế giới Elon Musk, Signal Advance hiện có giá trị vốn hóa thị trường là 660 triệu USD, tăng mạnh so với giá trị vốn hóa 55 triệu USD 2 ngày trước đó.
Signal Advance được thành lập tại Texas, Mỹ, với tên gọi Biodyne vào năm 1992 và cung cấp dịch vụ cho nhân viên y tế và pháp lý. Công ty chuyển trọng tâm sang sử dụng công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và đổi tên thành Signal Advance. Cổ phiếu của Công ty này được tung ra thị trường năm 2014. Signal Advance quá nhỏ nên không báo cáo tài chính với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ. Kể từ tháng 3/2019, Công ty này không có nhân viên chính thức nào ngoài Giám đốc điều hành Chris Hymel.
Chỉ với 2 từ ngắn gọn, Elon Musk vô tình khiến cổ phiếu của một công ty tăng 11 lần. |
Còn ứng dụng Signal mà tỷ phú Elon Musk đề cập là ứng dụng nhắn tin được Signal Technology Foundation hỗ trợ và hoạt động hoàn toàn dựa trên các khoản đóng góp. Ứng dụng này phục vụ như một giải pháp thay thế cho các ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger, WhatsApp và dịch vụ nhắn tin của Apple. Mới đây Signal đã công bố trên Twitter để làm rõ rằng ứng dụng này không liên quan gì đến Signal Advance.
Sau lời giới thiệu của tỷ phú Elon Musk trên Twitter hơn 41 triệu người theo dõi của ông, ứng dụng nhắn tin Signal cho biết đang có vấn đề kỹ thuật với việc xác minh bởi rất nhiều người dùng mới đang đăng ký tham gia.
NBC News nhận định, cả vấn đề kỹ thuật mà ứng dụng Signal cũng như cổ phiếu tăng vọt của công ty Signal Advance nêu bật tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Elon Musk.
Một bức ảnh giúp cổ phiếu hãng game tăng 4%
Những bài viết của Elon Musk trên Twitter thường gây ảnh hưởng đến công ty liên quan, từ hãng xe Tesla đến Signal - ứng dụng nhắn tin bảo mật đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng App Store sau câu nói “Dùng Signal” của Musk.
Điều đó lại diễn ra vào ngày 12/1. Chỉ một bức ảnh chế (meme) của nhân vật trong game Idolmaster, CEO Tesla đã giúp cổ phiếu tại Tokyo của Bandai Namco Holdings Inc. - nhà phát triển Idolmaster tăng 4,4% trong phiên giao dịch ngày 13/1/2021.
Ra mắt vào năm 2005, Idolmaster là loạt game nhảy theo nhạc, được phát hành đầu tiên trên máy console trước khi có mặt trên di động và PC. Về mặt nhượng quyền, cốt truyện và nhân vật trong game còn được chuyển thành phim hoạt hình và đồ chơi, đóng góp lớn vào doanh thu của Bandai Namco trong thời gian qua.
Bức ảnh của Elon Musk gồm nhân vật Sachiko Koshimizu và dòng chữ “Hey you, yeah you king. You’re gonna make it” (tạm dịch: Bạn là vua đấy. Bạn có thể làm được). Dù chưa rõ ngụ ý của Musk, bức ảnh vẫn thu hút sự chú ý với hơn 470.000 lượt thích.
Theo Bloomberg, CEO Tesla từng nhiều lần đề cập đến văn hóa Nhật Bản. Năm 2018, Musk đã lên Twitter dành lời thích thú cho bộ phim Your Name và Princess Mononoke, hài hước muốn được gọi là Elon-chan (cách xưng hô phổ biến theo kiểu Nhật).
“Thật bất ngờ khi biết rằng bất chấp lịch làm việc bận rộn, Musk lại dành sự quan tâm đến nhân vật game Nhật Bản”, Masayuki Otani, Giám đốc chiến lược thị trường của Securities Japan cho rằng bài đăng của tỷ phú 49 tuổi có thể giúp nhiều người nước ngoài biết đến tựa game này.
Nói vu vơ cũng... mất 7,3 tỷ USD
Trước đó, hồi năm 2018, cổ phiếu hãng xe hàng đầu nước Mỹ - Tesla cũng đã có thời gian “nhảy múa” khi Chủ tịch Công ty Tesla đưa ra tuyên bố hùng hồn đã tìm được nhà đầu tư bỏ tiền giúp hãng “ra ở riêng”, thậm chí bị Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) khởi kiện.
Cụ thể, vào ngày 7/8, tỷ phú Elon Musk đã đăng tải trên mạng xã hội Twitter về việc tìm được nguồn tiền để mua lại toàn bộ cổ phiếu của Tesla nhằm biến công ty này thành một doanh nghiệp tư nhân thay vì đại chúng. Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, cổ phiếu của Tesla đã tăng ngay 10%. 6 ngày sau, ông viết trên blog rằng tuyên bố này của ông là dựa trên các cuộc gặp mặt với quỹ quản lý tài sản của Ả-rập Xê-út, trong đó có một vị lãnh đạo rất ủng hộ việc này.
Tuy nhiên với SEC, đây là thông tin chưa có kiểm chứng, tác động đến giá cổ phiếu và như vậy là bất hợp pháp. SEC cho rằng Elon Musk không đủ tư cách điều hành một công ty đại chúng.
Ban đầu, ông Musk đã sẵn sàng chấp thuận đề xuất của SEC về việc ông sẽ từ bỏ vị trí Chủ tịch Tesla trong 2 năm và nộp phạt từ 5-10 triệu USD. Tuy nhiên, ông đã đổi ý vào phút cuối nên SEC đệ đơn kiện, cho rằng “ông Musk thậm chí không hề có bàn thảo gì về các điều khoản chính của thỏa thuận, trong đó có giá cả, với bất kỳ nguồn đầu tư tiềm năng nào”.
Giá cổ phiếu của hãng xe điện Tesla đã lao dốc sau khi SEC khởi kiện Elon Musk. Chiều 28/9, giá cổ phiếu Tesla đã giảm tới 14%, xuống chỉ còn 264,77 USD/cổ phiếu, thổi bay 7,3 tỷ USD giá trị thị trường của hãng. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất của cổ phiếu Tesla kể từ tháng 11/2013.
Elon Musk hiện là một trong những tỷ phú hàng đầu thế giới. Trong năm 2020, Elon Musk đã vượt qua nhiều tỷ phú công nghệ khác như CEO Facebook Mark Zuckerberg, hay nhà sáng lập Microsoft Bill Gates trong bảng danh sách người giàu thế giới.
Ngày 7/1 (theo giờ Mỹ), tài sản của Elon Musk đã tăng lên mức 188,5 tỷ USD, nhiều hơn 1,5 tỷ USD so với ông chủ Amazon Jeff Bezos. Điều này giúp Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới và đẩy Jeff Bezos xuống vị trí thứ 2. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2017 Jeff Bezos bị tụt xuống vị trí thứ 2, sau khi ông này vượt qua Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới và nắm vững vị trí này.
Sau vài ngày biến động, theo thống kê ngày 12/1/2021 (sáng 13/1 theo giờ Việt Nam) của Forbes, tổng tài sản của Musk đạt mức 183,8 tỷ USD, một lần nữa đưa ông lên vị trí người giàu nhất thế giới trên sàn giao dịch chứng khoán. Giá trị tài sản của Musk cũng vượt xa các “ông trùm” công nghệ khác như Mark Zuckerberg vào khoảng 92,4 tỷ USD, hay Bill Gates là 121,6 tỷ USD.
Giống như nhiều tỷ phú giàu nhất thế giới khác, khối tài sản của Elon Musk đã tăng mạnh trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, không giống với đa phần các tỷ phú khác, Musk đã từng nhiều lần khẳng định bản thân rất “nghèo tiền mặt” và “kém thanh khoản về tài chính”. Elon Musk từng tiết lộ đã phải bán đi hầu hết các tài sản vật chất, bao gồm những căn biệt thự của mình, để có tiền đầu tư vào các công ty do Musk thành lập.