Sức hút từ phong trào sưu tầm “Sách bản đặc biệt - phiên bản giới hạn”

(PLVN) - Năm 2019, đơn vị làm sách Đông A tung ra thị trường bản đặc biệt tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”, mở đầu phong trào chơi “Sách bản đặc biệt - phiên bản giới hạn”.
Ấn bản đặc biệt “Việt Nam Sử lược” của Đông A.

Số tiền hàng chục triệu đồng mà người chơi phải bỏ ra để có thể sở hữu một cuốn sách giới hạn là không hề nhỏ. Tuy vậy, nhờ hình thức cầu kỳ, nội dung giá trị những cuốn sách này vẫn được người mua săn đón.

Hình thức cầu kỳ, nội dung giá trị

Trên thực tế, thú sưu tầm sách ở nước ta đã có từ rất lâu và tập trung chủ yếu là sưu tầm sách cũ, sách có giá trị lịch sử, văn hóa, câu chuyện đặc biệt. Nhưng gần 2 năm trở lại đây, từ khi Công ty CP Văn hóa Đông A sử dụng công nghệ làm sách đặc biệt du nhập từ châu Âu, lần đầu tiên những người yêu sách đã được chiêm ngưỡng những cuốn sách đẹp lộng lẫy, có giá trị để lưu giữ, sưu tầm.

Thường sách đặc biệt - giới hạn là những tác phẩm kinh điển thế giới, công trình, tác phẩm đặc biệt của Việt Nam... Nội dung sách trở thành một trong những tiêu chí kiên quyết để một cuốn sách trở nên đặc biệt, chế tác thành tác phẩm giới hạn.

Khi đã lựa chọn được một cuốn sách có nội dung kinh điển thì việc đầu tư làm đẹp, cầu kỳ, số lượng ít là những điều kiện để tạo ra các cuốn sách đặc biệt - phiên bản giới hạn.

Thông thường, các nhà làm sách đặc biệt làm 100 cuốn, đánh số từ 1 đến 100 trên mỗi ấn bản. Các ấn bản này có bìa được thiết kế riêng với chất liệu da, giả da, vải. Ruột sách thường được in trên giấy chất lượng cao. Mép sách có phun nhũ hoặc mạ kim loại. Một số đơn vị làm triện son đóng trên sách, cầu kỳ hơn thì xin tác giả, dịch giả ký tặng.

Điển hình như, các bản sách S100 của Đông A có phần bìa được làm bằng da thật hoặc da nhân tạo, được nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh chế tác hoàn toàn thủ công. Trên bìa chạm trổ những hoa văn đẹp mắt. Phần logo tên sách được thiết kế riêng mạ vàng. Ruột in 2 màu trên giấy đẹp, có đóng dấu đỏ của Đông A và đánh số thứ tự từ 1 tới 100.

Họa sĩ Trần Đại Thắng, Giám đốc Đông A và cũng là một nhà thiết kế sách có tiếng cho biết, vì làm thủ công nên những bản sách đặc biệt mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành. Ví như những bản sách đánh chữ “S” làm theo lối châu Âu cổ điển, khâu sách từng tép, siết tay những chiếc gân trên gáy sách và để nguyên trong 24 giờ để định hình, sau đó mạ nhũ vàng trên da. Một số ấn bản có tờ gác thủy ấn phải đặt các chuyên gia làm thủ công từng tờ, mỗi tờ gác được tạo ra đều là duy nhất.

Các ấn bản sách đặc biệt - giới hạn được chế tác hết sức cầu kỳ.

Theo đại diện Công ty CP Văn hóa Đông A, để có được những bản sách đặc biệt này, công ty đã phải trải qua một quá trình học hỏi, tìm tòi, mày mò thử nghiệm và khá tốn kém. Đông A đã phải tham quan các bảo tàng sách, công nghệ làm sách và tìm hiểu về thị trường sách cổ và sách sưu tầm trên thế giới. Nhờ đó, khi Đông A đưa ra các tác phẩm đặc biệt mới, đã được đón nhận.

Tương tự, Thái Hà Books cũng thực hiện sách đặc biệt cho cuốn “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế (L’Art à Hué)”. Ngoài bản thường, Thái Hà làm thêm bản đặc biệt có hộp gỗ và bản siêu đặc biệt cho tác phẩm. Bản siêu đặc biệt làm bằng giấy trúc chỉ, có hộp đựng, được thiết kế tinh xảo, mỗi bản lại mang ý nghĩa riêng.

Công ty sách Nhã Nam từng làm sách đặc biệt, thường là làm thêm một số bản bìa cứng, chất lượng giấy tốt hơn, bên cạnh những cuốn phổ thông.

NXB Kim Đồng cũng từng cho ra đời những cuốn sách như “Việt Nam Sử lược” phiên bản đặc biệt in trên giấy Conqueror High White Laid định lượng 120gsm, “Đảo mộng mơ” in trên giấy Ford kem April Fine định lượng 190gsm.

Bên cạnh đó, nhiều nhà sách cũng làm bản đặc biệt, in thêm các bản bìa cứng để tri ân độc giả. Tri thức trẻ Books là đơn vị mới của làng sách cũng nhiệt tình thực hiện bản đặc biệt với các tác phẩm như “Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, Tiêu sơn tráng sĩ”...

Tới nay, trong cơn sốt sách bản đặc biệt, có thể thấy Đông A là đơn vị kiên định với những ấn phẩm làm cầu kỳ, tinh tế. Mỗi phiên bản sách đặc biệt - giới hạn có thể xem như một vật phẩm để sưu tầm, lưu niệm.

“Cháy hàng” mặc cho giá thành cao

Năm 2021, trong một phiên đấu giá do fanpage Đông A Gallery tổ chức, 2 bản S100 của các tác phẩm “Anh em nhà Karamazov” và “Kiêu hãnh và định kiến” được bán với mức giá lần lượt là 39 triệu đồng và 30 triệu đồng, dù giá gốc là 1,2 triệu đồng.

Ấn bản “Bố già” được Đông A bán với giá 1,5 triệu đồng hồi cuối năm 2019 nhưng đến tháng 7/2021, bản S100 của “Bố già” được bán với giá 85 triệu đồng, trong khi ấn bản chữ A “siêu đặc biệt” của ấn phẩm này được bán với mức giá... 260 triệu đồng sau gần 100 lượt trả giá.

Dù đắt đỏ nhưng các cuốn sách đặc biệt - giới hạn luôn “cháy hàng”.

Ấn bản đấu giá vào cuối tháng 8 với giá 260 triệu đồng là một trong 5 bản đặc biệt, ký hiệu bằng chữ A. Cuốn sách có bìa bằng da dê màu xanh (thuộc tại Pháp). Bìa có hình đầu rồng tạo nổi 3D, được vẽ nhũ vàng trên da. Khung hoa văn và tên sách dập lồng, ép nhũ hai màu vàng và đen. Các cạnh bìa được mài tay vát cạnh tạo sự mềm mại. Bìa 4 có logo chữ, trên bìa 1 và bìa 4 có các tag đồng hoa văn. Ngay khi phiên đấu giá bắt đầu, một nhà sưu tầm đã trả giá 50 triệu đồng. Sau một giờ đấu giá, cuối cùng ấn bản thuộc về nhà sưu tầm Nguyệt Ánh với giá 140,5 triệu đồng.

Dòng sách giới hạn hiện đang là “mặt hàng béo bở” đối với những ai có ý định mua đi bán lại hay đầu cơ. Giá thành của các tác phẩm sách đặc biệt - phiên bản giới hạn này có thể tăng lên theo cấp số nhân khi về tay của các nhà sưu tầm. Bởi nhu cầu, độ chịu chi của nhiều nhà sưu tầm sách là không thể đoán trước.

Theo đánh giá của nhiều người chơi, thị trường dành cho sách đặc biệt tuy nhỏ nhưng lại rất sôi động. Lượng khách hàng tiềm năng cho những bản sách này thường là đối tượng độc giả thích sưu tập sách, chịu chi và đặc biệt là độ tuổi ngày càng trẻ.

Ngoài yếu tố về đời sống kinh tế phát triển, xu hướng sưu tập sách đặc biệt còn đến từ việc mạng internet khiến cơ hội tiếp cận loại ấn phẩm này mở rộng tới mọi phạm vi, mọi đối tượng. Đó là sự thay đổi so với trước đây khi chỉ bó hẹp trong một nhóm nhỏ, tự biết nhau.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Nguyễn Nguyên cho rằng, dòng sách phiên bản giới hạn khi xuất hiện đã trở thành yếu tố thúc đẩy ngành xuất bản phát triển hơn. Từ những yếu tố đặc biệt đã nói trên nên khi sở hữu một ấn bản sách giới hạn, bạn đọc không chỉ có trong tay một cuốn sách đẹp, độc đáo, chất lượng từ nội dung tới hình thức, phù hợp với nhu cầu sưu tầm và chơi sách mà còn được sở hữu một tài sản có giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế cao, có thể mua bán, trao đổi hay biếu tặng.

Khi thấy được những tác động tích cực của các cuốn sách đặc biệt - phiên bản giới hạn, phía Cục Xuất bản, In và Phát hành đã chủ động làm việc với Đông A với mục tiêu xây dựng những tủ sách đặc biệt, trong đó có tủ sách 100 triệu, tủ sách tiền tỉ. Phương châm thay tủ rượu bằng tủ sách đặc biệt với những ấn bản hạn chế, bọc da, thiết kế mỹ thuật đẹp, có thể kết hợp với công nghệ để có thể đọc được, nghe được… đang lớn mạnh trong cộng đồng người đọc.

Đọc thêm