Tài chính thế giới: Lạc quan trong lo ngại

(PLVN) - Trong báo cáo mới đây nhất về tình hình tài chính của thế giới nói chung và của từng quốc gia trên thế giới nói riêng, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra đánh giá khá lạc quan về công cuộc ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra ở mọi nơi trên thế giới nhưng đồng thời lại dự báo rất thận trọng về triển vọng tới đây, pha trộn rõ ràng giữa lạc quan có cơ sở và lo ngại cũng rất xác đáng. 
Một phiên họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Một phiên họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo IMF, dịch bệnh vẫn là tác nhân quyết định nhiều nhất tới triển vọng của kinh tế thế giới trong năm 2021 và tác động tiêu cực của nó vẫn còn rất đáng kể. Nhưng thế giới đã có được hai con át chủ bài quyết định trong chuyện ứng phó dịch bệnh và nhờ đấy mà tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm mới sẽ khả quan hơn hẳn so với năm ngoái: thế giới đã có một số loại vaccine phòng ngừa dịch bệnh và đã tiến hành tiêm chủng đại trà ở nhiều nơi cũng như thế giới đã thích ứng dần với tình trạng được gọi là “bình thường mới”, tức là cùng chung sống với dịch bệnh, vừa đối phó dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và kinh tế đối ngoại.

Thông điệp lạc quan của IMF có cơ sở xác đáng như thế nào thì lo ngại của IMF thể hiện trong báo cáo nói trên cũng vậy. Việc chế ngự, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên bình diện toàn thế giới tuy vẫn tiến triển nhưng rõ ràng chỉ được với tốc độ chậm chạp. Cho tới nay lại đã xuất hiện nhiều dạng biến thể mới của virus corona mà tất cả các loại vaccine hiện có đều chưa có tác dụng phòng ngừa nổi.

Chính các loại virus biến thể này mới là mối đe dọa lớn nhất trên phương diện dịch tễ. Một điều khác nữa khiến IMF lo ngại khi đưa ra dự báo là bất công và bất bình đẳng trong việc tiếp cận, phân phối và cung ứng nguồn vaccine phòng ngừa dịch bệnh.

Dịch bệnh này chỉ có thể bị đẩy lùi và chế ngự hoàn toàn khi nó không còn tồn tại và lây nhiễm ở mọi nơi trên thế giới trong khi hiện tại các nơi giàu có và có lợi thế về vaccine từ nguồn sản xuất và cung ứng vaccine lại tìm cách gây dựng thế độc quyền. Tình trạng này làm cho thế giới không thể nhanh chóng thoát được hoàn toàn ra khỏi dịch bệnh này và vì thế kìm hãm đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới.

Đánh giá và dự báo như trên của IMF không phải là duy nhất và riêng lẻ hiện tại trên thế giới. Bức tranh chung hiện tại đúng là như vậy và dự báo của IMF có thể là một trong những kịch bản sẽ xảy ra nếu các nơi trên thế giới không tiếp tục kiên định và sẵn sàng hợp tác thiện chí với nhau trong cả việc ứng phó dịch bệnh lẫn tiếp cận, phân phối, cung ứng và sử dụng vaccine phòng ngừa dịch bệnh hiện có được.

Đọc thêm