Tái định cư 13 năm nhưng chưa được cấp “sổ đỏ”: Phòng TN&MT Tứ Kỳ (Hải Dương) giải thích nguyên nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo phản ánh của một số hộ dân ở xã Chí Minh (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương), họ đã chuyển tới khu tái định cư 13 năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”.
Người dân đã chuyển tới khu tái định cư 13 năm.
Người dân đã chuyển tới khu tái định cư 13 năm.

Người dân phản ánh, năm 2009, khi làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhiều hộ dân hai thôn làng Vực và trại Vực thuộc diện phải thu hồi đất để xây dựng đường. Những hộ dân này đã chấp hành nghiêm chính sách của Nhà nước, giao đất ở của gia đình mình, để việc làm đường cao tốc được thuận lợi và đúng tiến độ đề ra.

Đến năm 2010, các hộ dân bị thu hồi đất được UBND xã Tứ Xuyên cũ (năm 2019, 3 xã Tây Kỳ, Đông Kỳ và Tứ Xuyên được sáp nhập thành xã Chí Minh) mời họp và triển khai nội dung cấp đất tái định cư với diện tích dao động 160 - 200m2/hộ, số tiền 700 ngàn - 1 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Người dân đồng ý với giá đất ở khu tái định cư. Ngay sau khi nộp tiền, các hộ dân được chia đất và đã xây dựng nhà để ở.

Theo các hộ dân ở đây, thời điểm mới chuyển tới khu tái định cư, gặp rất nhiều khó khăn do điện nước chưa hoàn thiện. Họ đã tìm cách khắc phục để ổn định cuộc sống của gia đình cũng như góp phần vào thành tích xây dựng phát triển chung của thôn, xã.

Tuy nhiên, đến nay sau 13 năm những hộ dân đã xây dựng và ở lại khu tái định cư vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”). Việc này đã khiến người dân không yên tâm, đồng thời gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống.

Bà Đặng Thị Nụ (59 tuổi) cho biết: “Khi thu hồi đất để làm đường, do gia đình tôi thuộc diện chính sách là thương binh nên được giao lô đất tái định cư ngoài mặt đường. Chúng tôi đã đóng 178 triệu/lô, có hóa đơn chứng từ đầy đủ và được nhận đất xây nhà. Tuy nhiên hơn 10 năm qua, chồng tôi 80 tuổi vì quá sốt ruột nhiều lần đạp xe đi hỏi chính quyền, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “phải chờ”. Chúng tôi đều đã lớn tuổi, không hiểu khúc mắc ở đâu và phải chờ đến bao giờ”.

Ông Nguyễn Thế Thỏa (SN 1955) chia sẻ: “Diện tích cũ của gia đình tôi là 720m2. Sau khi giao đất để làm đường, gia đình tôi đã nộp 160 triệu để được cấp 1 suất đất 200m2 ở khu tái định cư. Hiện con cái của tôi đã lớn, rất cần “sổ đỏ” để làm các thủ tục hoặc vay vốn để làm ăn. Tuy nhiên, đến nay nhiều lần đi lại, vẫn không được cấp “sổ đỏ”, việc này đã khiến chúng tôi gặp nhiều bất tiện, thiệt thòi trong cuộc sống”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết: “Qua các kỳ tiếp xúc cử tri, họp HĐND địa phương, đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân ở khu tái định cư. Tuy nhiên về mặt thẩm quyền, tỉnh thu hồi đất để làm đường và huyện giao đất cho các hộ tái định cư. Do đó, khi nhận được kiến nghị chính đáng của người dân, xã đã đề nghị UBND huyện xem xét. Về phía xã, sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ người dân sớm hoàn thành các thủ tục để được cấp “sổ đỏ””.

Ông Nguyễn Văn Khuông, Trưởng Phòng TN&MT huyện, thông tin: Theo văn bản của đoàn xác minh, khu tái định cư (trước đây là xã Tứ Xuyên, nay là xã Chí Minh) tổng cộng có 121 lô đất. Trong đó 96 lô được giao theo diện tái định cư và 25 hộ giao đất có thu tiền sát với giá thị trường.

Những hộ được giao đất có thu tiền sát với giá thị trường là những gia đình nhiều nhân khẩu, diện tích đất ở còn lại ít nên được giao thêm lô thứ 2. Những trường hợp này ngoài tiền 1 lô đất như quy định, phải nộp thêm số tiền 20 triệu.

Theo ông Khuông, việc chậm trễ cấp “sổ đỏ” cho người dân có 3 nguyên nhân. Nhiều lô đất ở khu tái định cư đã được các hộ mua bán chuyển nhượng nhiều lần. Do thời gian kéo dài, hiện một số gia đình xây nhà nhưng bị lệch mốc giới. Một số hộ được giao thêm 1 lô đất, chưa đồng tình nộp thêm 20 triệu nên chưa hoàn thiện các thủ tục về tài chính. Do đó, việc làm hồ sơ để cấp “sổ đỏ” bị chậm.

Ông Khuông cho hay, có khoảng 20 hộ dân ở khu tái định cư đã được cấp “sổ đỏ”. Việc cấp giấy phải theo quy định của pháp luật, tuy nhiên thời gian tới địa phương sẽ khẩn trương tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ để cấp sổ cho người dân.

Đọc thêm