Vụ án 'mượn tiền hay nhận tiền giúp': Quan điểm trái chiều giữa tòa địa phương và TAND cấp cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bị đơn trong vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại Cần Thơ vừa có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm với bản án sơ và phúc thẩm vì cho rằng có vi phạm thủ tục tố tụng, chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, chưa đánh giá toàn diện chứng cứ.

Theo hồ sơ, ngày 30/1/2018, ông Nguyễn Thanh Vinh (SN 1989, ngụ phường Hưng Phú, Cái Răng, Cần Thơ) có đơn khởi kiện ông Trương Đình Thảo (SN 1969).

Theo nguyên đơn, từ 22/9/2015 - 27/11/207, ông 25 lần chuyển vào tài khoản bị đơn tổng số 4,89 tỷ đồng. Nguyên đơn cho rằng đây là tiền bị đơn vay để làm ăn, nhưng không đưa ra được hợp đồng vay mượn, chứng cứ vay mượn. Nội dung 25 lần chuyển khoản không thể hiện tiền vay mượn, chỉ ghi “nạp tiền vào tài khoản”. Nguyên đơn cho rằng “vì tình nghĩa nên cho vay không lãi, không thỏa thuận thời hạn”.

Bị đơn không đồng ý, có đơn phản tố, cho rằng không nợ nguyên đơn. Việc ông Vinh chuyển tiền là do trước đây bị đơn có nhận chuyển nhượng đất tại dự án khu tái định cư Phú An (quận Cái Răng) và nhờ Cty do ông Vinh làm giám đốc đứng tên giúp. Số tiền mà ông Vinh khởi kiện là tiền bán sản phẩm của ông Thảo tại dự án Phú An. Ông Vinh chuyển khoản theo đúng thỏa thuận đứng tên giúp.

Xử sơ thẩm lần một, ngày 5/10/2018, Tòa quận Cái Răng cho rằng trình bày của ông Thảo là không có cơ sở, nhận định “ông Vinh chuyển tiền vào tài khoản ông Thảo nên HĐXX nghĩ nên buộc ông Thảo có trách nhiệm trả lại số tiền này...”.

Tòa Cái Răng cũng cho rằng quan hệ giữa hai bên không phải quan hệ vay mượn vì nguyên đơn không có tài liệu chứng cứ, chứng minh bị đơn vay tiền. Nhưng Tòa Cái Răng vẫn buộc ông Thảo trả 4,89 tỷ cho ông Vinh.

Xử phúc thẩm, ngày 26/4/2019, Tòa Cần Thơ cho rằng bị đơn không chứng minh được số tiền trên là do nguyên đơn bán tài sản tại dự án Phú An nên số tiền nhận được là tiền vay. “Có vay thì có trả, chiếm dụng không trả thì còn phải chịu lãi mới phù hợp với pháp luật và đạo lý”, bản án phúc thẩm nhận định và buộc ông Thảo trả lại tiền gốc, cùng 381 triệu tiền lãi.

Ngày 17/3/2021, TAND cấp cao tại TP HCM có Quyết định giám đốc thẩm 79/2021/DS-GĐT hủy 2 bản án của Tòa Cái Răng và Tòa Cần Thơ vì quá trình xét xử chưa đánh giá đầy đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án, chưa có cơ sở vững chắc để buộc bị đơn trả lại tiền.

Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM. (Ảnh: Đình Thương)

Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM. (Ảnh: Đình Thương)

Theo TAND cấp cao, đại diện Cty chuyển nhượng đất xác nhận: “Người trực tiếp đến Cty thỏa thuận từ giai đoạn đầu đến khi ký kết hợp đồng là ông Thảo và ông Vinh. Tuy nhiên, ông Thảo là người chủ đạo thực hiện các thương lượng với Cty”.

Tại phiên phúc thẩm, ông Thảo cung cấp 12 chứng từ thể hiện vợ chồng ông chuyển cho ông Vinh 5,33 tỷ đồng, trong đó có ủy nhiệm chi ngày 9/7/2016 nội dung “ông Thảo chuyển tiền mua đất nền An Phú” để chứng minh ông Thảo mới là người nhận chuyển nhượng dự án.

TAND cấp cao cho rằng tòa sơ và phúc thẩm chưa cho đối chất, xác minh làm rõ ông Thảo có phải người nhận chuyển nhượng dự án Phú An, nhờ ông Vinh đứng tên giúp hay không, là còn thiếu sót? Cần làm rõ số tiền ông Vinh chuyển vào tài khoản ông Thảo để làm gì, vay mượn hay chuyển nhượng dự án? Nếu vay, vì sao không thỏa thuận lãi?

“Chỉ căn cứ vào việc ông Vinh chuyển tiền vào tài khoản ông Thảo để buộc ông Thảo trả lại tiền gốc là chưa có căn cứ vững chắc”, quyết định giám đốc thẩm nêu.

Mới đây, khi xét xử lại lần hai, Tòa Cái Răng và Cần Thơ vẫn xác định quan hệ giữa hai bên là “vay mượn” nên buộc ông Thảo trả lại 4,89 tỷ đồng tiền gốc và 3,165 tỷ đồng lãi.

Tại phiên phúc thẩm lần hai, VKS đề nghị không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì thực tế theo đối soát, bị đơn nhiều lần chuyển tiền cho nguyên đơn, cộng lại còn nhiều hơn số tiền nguyên đơn chuyển cho bị đơn. Tuy nhiên, Tòa Cần Thơ không chấp nhận ý kiến của VKS.

LS Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn LS TP HCM) cho rằng, trong vụ kiện này, Tòa Cái Răng và Cần Thơ còn có dấu hiệu tính lãi sai. Theo khoản 2 Điều 468 BLDS, việc tính lãi 10%/năm phải đủ các dữ kiện “các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất”. “Việc căn cứ Điều 468 BLDS để tính lãi 10%/năm là không đúng quy định. Đây là vụ án “đòi lại tài sản” chứ không phải tranh chấp hợp đồng vay tiền”, LS Tuấn nói.

Đọc thêm