Tai nạn hay án mạng?

(PLVN) - Mới đây, tòa án ở Hanau (Đức) đã tuyên án tù chung thân đối với một người phụ nữ 73 tuổi về tội giết người. Bản án rất nghiêm khắc và bản chất vụ án được tòa xác nhận cũng rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, câu hỏi về tòa xử đúng người và xét đúng tội thì xem ra mới chỉ có thể chắc chắn được trả lời mới có một nửa, cho dù vụ án này chính thức được khép lại.
Vụ xét xử Sylvia (ngồi giữa) khiến dư luận hoài nghi về tính xác đáng của lời khai và bản án.
Vụ xét xử Sylvia (ngồi giữa) khiến dư luận hoài nghi về tính xác đáng của lời khai và bản án.

Vụ án xảy ra vào tháng 8/1988, tức là cách đây đã hơn 32 năm. Người phụ nữ kia tên là Sylvia Dorn. Bà ta đã nhốt một cậu bé 4 tuổi vào bao tải và để nó trong phòng tắm cho tới khi nó chết. Cảnh sát điều tra kết luận cậu bé bị chết vì nghẹt thở và cho rằng vụ việc chỉ là một tai nạn.

Người phụ nữ kia không hề hấn gì và cả bố mẹ cậu bé cũng không đòi tiến hành điều tra thêm. Thi thể cậu bé không bị giải phẫu pháp y để xác định nguyên nhân tử vong. Trong thời gian suốt 27 năm tiếp theo đó, vụ việc này được tất cả nhìn nhận như một vụ tai nạn.

Năm 2015, vụ việc này được tiến hành điều tra lại sau khi cảnh sát và tòa án nhận được tố cáo của một số người. Những người này từng là thành viên của một giáo phái do Sylvia đứng đầu. Họ tố cáo Sylvia đã chủ ý giết hại cậu bé để răn đe tất cả những thành viên của giáo phái và bố mẹ cậu bé này cũng tham gia giáo phái. Họ cho rằng Sylvia dùng cái chết của cậu bé để khiến các thành viên của giáo phái khiếp sợ mà tuân thủ và trung thành với mình. Những tố cáo này buộc cảnh sát phải điều tra vụ việc theo hướng án mạng chứ không phải là tai nạn. 

Hai năm sau, thi hài của cậu bé bị khai quật để phục vụ điều tra. Cảnh sát đi đến kết luận là cậu bé đã bị sát hại. Người phụ nữ kia bị bắt giữ và mới rồi đưa ra xét xử. 

Đối với người ở tuổi 73 thì bản án tù chung thân càng thêm nặng. Dư luận ở Đức tranh cãi nhau nhiều về mức độ nghiêm khắc của bản án này. Người đồng tình nhưng cũng có kẻ cho rằng phán quyết như thế là kỳ thị và bất công với các giáo phái. 

Còn đáng được chú ý đến hơn thế nữa là những câu hỏi như tại sao khi xảy ra vụ án lại không giải phẫu pháp y để xác định nguyên nhân cái chết của cậu bé, sau 27 năm mới khai quật mộ cậu bé thì liệu xét nghiệm có còn tác dụng gì không? Hay như câu hỏi là những cáo buộc đối với bị cáo thật đến đâu và trách nhiệm hình sự của bố mẹ cậu bé như thế nào khi không hề có ý kiến gì về uẩn khúc trong cái chết của đứa con trai? Nói theo cách khác, dư luận vẫn chưa chắc chắn vụ việc chỉ là tai nạn hay thật sự là án mạng.

Cho nên vụ việc tuy được kết thúc dứt điểm về pháp lý nhưng lại thời sự trong công chúng và trên dư luận mà không biết đến khi nào mới có thể kết thúc. Sự thật như thế nào xem ra chỉ có bị cáo biết rõ nhất và chính xác nhất. Nhưng người này, cả sau 32 năm và biết rõ là sẽ chết trong nhà tù, cũng vẫn không khai rõ ràng cụ thể mọi ngọn ngành và cả khi người này chấp nhận cung khai thì mức độ tin cậy đến đâu. Chỉ thấy người này không hề tỏ ra ăn năn hay hối hận gì sau 32 năm.

Đọc thêm