Tài năng họ Vũ góp tay soạn luật lại nhận án lưu đày

(PLO) -Nói đến Vũ Trinh, đời nay ai siêng đọc sách, hẳn nhớ đến ông qua tác phẩm “Kiến văn lục”, được in ra quốc ngữ với tên gọi “Lan Trì kiến văn lục”. Nhưng không chỉ thế, vị quan nhà Nguyễn còn là một nhà lập pháp, góp phần ra đời bộ luật Gia Long. Ấy mà, quan họ Vũ sau đó bị vướng án và xử theo luật đấy. 

Vũ Trinh, trong “Đại Nam liệt truyện” ngợi ca là “học vấn sâu rộng, văn chương điển lệ, Gia Long sơ, những chiếu sách văn từ phần nhiều do tay phải làm, có tập thơ “Sứ yên”, tập thơ “Cung oán” và tập “Kiến văn lục” lưu hành ở đời”. Nói về sự nghiệp họ Vũ, còn nhiều nữa. 

Danh gia nhà Nguyễn

Trong “Từ điển văn học (bộ mới)” khi nói về Vũ Trinh (1759 - 1828), cho biết ông tên tự Duy Chu, hiệu Lai Sơn, Nguyên Hanh, Lan Trì Ngư Giả, người làng Xuân Lan, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đường xuất thân của họ Vũ, kể ra thuận lợi, bởi được sinh ra trong gia đình trí thức, có ông là Hy Nghi đỗ tiến sĩ thời Lê, làm quan đến Binh bộ Thượng thư, cha là Thiều đỗ Hương cống. Vợ Vũ Trinh là con gái Nguyễn Khản, anh cùng cha khác mẹ với đại thi hào Nguyễn Du.

Vẫn qua “Liệt truyện”, ta được biết Vũ Trinh lúc nhỏ đã thông minh khác thường, có khả năng đọc sách chỉ nhìn qua một lượt là đọc được. Đến năm 17 tuổi, Trinh đỗ Hương tiến, nhờ tập ấm mà được bổ làm Tri phủ Quốc Oai thời Lê Trung hưng. 

Khi Tây Sơn nổi dậy, ở Bắc Hà Nguyễn Hữu Chỉnh kiêu ngạo, vua Lê mật mưu bàn với Trinh giết hắn đi, nhưng Trinh can. Sau này Tây Sơn đánh ra Bắc, ông cùng cha hộ tống vua về nhà, đem hết của cải cung hiến. Sau khi vua Lê Chiêu Thống nhờ người Thanh mà lấy lại được ngai vàng, ông được bổ làm Tham tri chính sự, nhưng rồi quân Thanh đại bại, ông trốn trong dân gian, không theo. 

Sau này khi chúa Nguyễn Ánh lấy lại được đất đai từ Tây Sơn, cho chiêu tập cựu thần nhà Lê, ông ra làm quan nhà Nguyễn. “Quốc sử di biên” cho hay, năm Nhâm Tuất (1802), triều đại mới lập, Vũ Trinh bấy giờ là Viên Ngọc hầu được cho ngồi ghế Hình bộ Tham tri (dưới Thượng thư). Đầu thời Gia Long, ông từng đi sứ Trung Hoa, làm giám thí các trường thi Sơn Tây, Quảng Đức… Nhưng có lẽ nhớ đến ông, người đời nhớ nhiều hơn đến tài văn học, đến công tham gia biên soạn bộ luật cho nhà Nguyễn.  

Công lập nên luật lệ

Theo ghi chép của “Quốc sử di biên”, tháng 6 năm Nhâm Thân (1812), Nhà nước ban hành “Hoàng Việt luật lệ”, và Vũ Trinh là người có công tham gia tạo tác công trình này làm khuôn phép cho luật lệ nước nhà thời Nguyễn: “Các ông Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu phụng sắc sửa định luật lệ, làm thành 22 quyển, cộng 398 điều”.

“Đại Nam thực lục” cho biết kỹ hơn về bộ luật này, sách 398 điều (trong đó hình danh và phàm lệ 45 điều; luật lại 27 điều; luật hộ 66 điều; luật lễ 26 điều; luật binh 58 điều; luật hình 166 điều; luật công 10 điều), gồm 22 quyển.

Luật Gia Long trở thành khuôn mẫu luật lệ thời Nguyễn, dùng trong cả nước để đưa dân vào khuôn phép. Dĩ nhiên, không phải ai cũng đồng thuận với nội dung của bộ luật được cho là lấy luật nhà Thanh, luật Hồng Đức làm căn cứ. Như C.B. Maybon cho rằng luật không chú trọng đến phong tục, tập quán nước Việt. Còn “Việt sử tân biên” thì phê là luật chỉ là “dụng cụ cho một chính sách chuyên chế”. Năm Ất Hợi (1815), “Hoàng Việt luật lệ” (còn gọi là luật Gia Long) được in xong và đem phát hành rộng rãi để áp dụng thi hành trong phạm vi cả nước. Vua Gia Long Nguyễn Ánh thân hành đặt bút viết lời tựa cho luật. 

Đối với lịch sử nền tư pháp nước ta, thì “Hoàng Việt luật lệ” là một trong những bộ luật lớn, quy củ. Tính từ khi luật “Hình thư” ra đời năm Nhâm Ngọ (1042) đời Lý, trở thành bộ luật thành văn đầu tiên của nước Việt, thì sau đó mới có “Quốc triều hình luật” (luật Hồng Đức) thời Lê sơ, và sau này là “Hoàng Việt luật lệ”. Tính ra, công sức, trí tuệ của Vũ Trinh góp vào bộ luật này không phải nhỏ. 

Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh dịch ra quốc ngữ
Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh dịch ra quốc ngữ

Quan lập pháp vướng án

Tháng 2 năm Bình Tý (1816), “Hoàng Việt luật lệ” công bố, áp dụng chưa được bao lâu, thì… xảy ra cơ sự với quan họ Vũ. Nơi “Đại Nam thực lục” có cho hay: “Bắt trói Tham tri Hình bộ Võ Trinh và Chưởng cơ Tống Phước Ngoạn mà hạ ngục. Đình thần đương họp tra Văn Thuyên. Văn Thuyên cùng Nguyễn Trương Hiệu thanh biện chưa xong.

Có viên xá sai hình ty là Trần Ngọc Ngữ làm ngục lại nói với Võ Trinh rằng: “Trương Hiệu trước làm tịch sĩ cho Nguyễn Hữu Nghị, nay nhận là môn khách của Văn Thuyên là không đúng”. Trinh đem lời đó nói với Tống Phước Ngoạn. Ngoạn muốn biện cho Văn Thuyên bị vu, bèn ngầm giục Ngữ đem việc phát giác. Vua sai đình thần nghiêm tra. Ngữ không trả lời được, đổ cho Trinh và Ngoạn mớm lời, hai bên bị tội”. 

Vậy là, việc quan họ Vũ bị tội, lại liên quan đến vụ Nguyễn Văn Thuyên, con công thần Nguyễn Văn Thành (là Tổng tài soạn “Hoàng Việt luật lệ”) mà chúng tôi từng đề cập trong mục “Án xưa tích lạ” ở những số báo trước đó. Để cho rõ hơn sự thể, ta xem qua “Đại Nam liệt truyện” tìm thêm chứng cứ. 

Theo như “Liệt truyện”, thì Nguyễn Văn Thành vốn nể trọng Vũ Trinh, đã cho Thuyên - con mình - bái sư, nhận Trinh làm thầy. Khi vụ Thuyên bị tố cáo mưu phản, Thuyên biện bác là bị vu cáo. Vua Gia Long không tin việc ấy, mới nói với các quan là “Thuyên không có lòng làm giặc, sao thơ lại bội nghịch”.

Ý vua muốn chỉ lòng phản nghịch của Thuyên tuy chưa phát ra hành động, nhưng trong thơ đã chất chứa rồi. Trinh nghe thế, thì nói: - Thơ ấy vốn là quê hẹp trái lẽ, nhưng ở trong có câu: u cốc sinh hương thiên lý viễn, nghĩa là lan mọc ở hang sâu mùi hương bay xa nghìn dặm, chữ “hương” nên làm đích chữ trên bộ thảo, dưới chỗ đông, chữ môn bọc ở ngoài, vì tránh quốc húy, đổi làm chữ hương. Ngay một chữ ấy còn biết kính tránh, có lẽ không phải người thực lòng bội nghịch làm được.

Vua nghe lời Vũ Trinh nói, lấy làm giận lắm, cho rằng ông bênh kẻ bội nghịch, lại là trò ông. Thế là vị Hình bộ Tham tri bị đoạt hết chức tước, tống vào ngục. Sau này, cha con Thành – Thuyên phải chết, có người khuyên ông tự xử nhưng họ Vũ khảng khái cho rằng nếu mình có tội thì đem cổ chịu chém, còn không có tội, tội gì phải tự hại thân để mang tiếng xấu. Đến năm Mậu Dần (1818), ông được tha tội chết, bắt đi an trí ở Quang Nam.

Từ đây, họ Vũ lấy nghề gõ đầu trẻ làm kế mưu sinh, không vướng bận việc triều chính nữa. Sau này sang đời Minh Mạng, nhằm năm Mậu Tý (1828), nhân vua đi qua Quảng Nam, lúc này Vũ Trinh đã tuổi cao sức yếu, sai con xin với vua, vua thương xót, tha cho về quê nhà, tiếc nỗi về đến quê quán được vài hôm thì mất, thọ 70 tuổi. Vậy là một người tài danh đã nằm xuống...

Đọc thêm