Tại sao phải thử… “Em yêu anh”?

(PLO) - Trò chơi nhắn tin “Em yêu anh” tới chồng để thử phản ứng đang “làm mưa làm gió” trong những ngày này. Trào lưu này ngay lập tức lôi kéo được chị em nô nức tham gia, và có lẽ cũng khiến không ít các ông chồng phải… hoài nghi vợ hay mình đang “phạm lỗi”?...
Tại sao phải thử… “Em yêu anh”?
Có lẽ một trong những yếu tố gây sốt của trò chơi này chính là việc các bà vợ tò mò xem chồng mình sẽ thế nào và mỗi người đều nhận được những câu trả lời “té ghế” khá giống nhau. 
Người thì tưởng vợ nhắn nhầm, người thì mắng yêu vợ là “hâm, điên, động trời”… thậm chí có cả những màn reply siêu hài hước “lương tháng này anh đưa cho em rồi mà vợ ơi”, “ vừa yêu hôm qua rồi mà”, “ lại mất điện thoại à, cần mua gì à?”, “ Con điên nào hack điện thoại vợ tao thế?”…  
Tác giả của trào lưu này là cô gái có tên Phạm Tâm (SN1989) sống ở Hải Phòng, đã từng nổi tiếng trên mạng xã hội trước đây với bức tâm thư “lấy chồng khổ sôi máu”. 
Người mẹ trẻ này tâm sự: “Dường như các cặp vợ chồng ngày nay ít dành cho nhau những câu nói yêu thương hàng ngày. Ngày trước, khi đang yêu và chưa kết hôn, họ có thể hàng giờ, hàng ngày để nhắn tin yêu thương, quan tâm, hỏi han nhau; nhưng khi lấy nhau về, đã là vợ chồng, ngoài việc yêu đương còn nhiều thứ phải lo: cơm áo gạo tiền, gia đình, con cái, công việc xã hội… 
Chồng em cũng lâu rồi không nói yêu thương vợ, không nói nhớ nhung vợ, nhưng hàng ngày vẫn cần mẫn đi làm, kiếm tiền, lo cho vợ con, vun vén gia đình. Chắc đấy là tình yêu! 
Có điều, ai cũng thích nghe lời ngọt ngào. Giá như bên cạnh những hành động mà chồng làm cho vợ, vợ dành cho chồng, mỗi người kèm theo một vài câu nói yêu thương, quan tâm dành cho nhau thì chắc là tình cảm vợ chồng sẽ bền chặt hơn”. 
Tâm sự của người phụ nữ trẻ và cuộc “thử” như món gia vị cho cuộc sống hàng ngày bình yên tới tẻ nhạt ở trên là điều hoàn toàn tồn tại từ lâu ở phần lớn gia đình Việt. 
Sau đám cưới, dường như những lãng mạn đã ở lại ngoài cánh cửa bởi tâm lý ta đã thuộc về nhau, vợ chồng là món đồ sở hữu suốt cuộc đời nên ta cứ yên tâm thế mà sống với những khát vọng vun vén cho suộc sống sung túc, đủ đầy - thế là đủ, là có trách nhiệm với nhau, không đòi hỏi gì thêm nữa. 
Với nhiều cặp vợ chồng, sau nhiều năm chung sống, họ thấy giống những người bạn đầy trách nhiệm với nhau, thậm chí như “hai thằng đàn ông”, nhưng như vậy cũng đã là hạnh phúc và vui vẻ rồi… 
Nhà văn Tâm Phan, người phụ nữ mạnh mẽ và cá tính, có nhiều năm sống ở nước ngoài chia sẻ: “Đàn ông Tây ngược lại với đàn ông Việt, khi yêu, rất khó để cạy miệng họ nói lời “I love you”. 
Đối với họ, nói “I love you” giống như lời cam kết vô cùng nghiêm túc giữa hành động và lời nói, cho nên họ rất thận trọng, tránh không nói lời yêu khi chưa chắc có ý định lâu dài. 
Ngược lại, khi đã nói lời yêu và cưới nhau rồi, họ lại rất hào phóng nói “I love you”. Tôi đã chung sống với chồng tôi 13 năm nay và chúng tôi nói lời yêu hàng ngày như là một thói quen…”. 
Thực ra tình yêu phải xuất phát từ trái tim và lòng trung thực. Nghĩa là, đã yêu nhau và thậm chí đã kết hôn thì tình yêu phải là điều chắc chắn.
Tại sao lại phải “thử” nhau? Khi đã “thử” thì có lẽ không còn tin nhau nữa rồi. Nhưng từ lâu, mỗi người khi bước vào cánh cửa gia đình đã lãng quên điều đó. Thế nên, những hệ luỵ, những nỗi đau của cuộc sống hiện đại dường như bất tận… 

Đọc thêm