Tài xế dũng cảm được vinh danh ở Bảo tàng Hồ Chí Minh

(PLVN) - “Tôi không phải là siêu nhân, anh hùng, trong tình huống cấp bách ấy ai cũng sẽ làm như tôi cả…”, anh khẳng định nhiều lần về hành động dũng cảm của mình, coi làm việc tốt là lẽ tất nhiên khi sống trên đời.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho anh Nguyễn Ngọc Mạnh.

Khoảnh khắc thót tim

Ngày Chủ nhật 28/2/2021, như thường lệ, anh Nguyễn Ngọc Mạnh (SN 1990, ngụ xóm 4, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, làm nghề lái xe tải) đang ngồi trên xe để chờ giao hàng lúc 5h chiều, đột nhiên nghe thấy tiếng trẻ khóc, tiếng la hét của những người từ trên cao vọng xuống. Anh thò đầu ra ngoài cửa xe xem chuyện gì đang xảy ra. Lúc đầu nghĩ em bé nào đó đang bị mẹ mắng, nhưng chớp mắt anh nhận ra điều bất thường: Một đứa trẻ đang treo lơ lửng ở độ cao hơn 40m so với mặt đất.

Đó là em bé 3 tuổi ở chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân. Thấy vắng cha mẹ, bé ra ban công căn hộ tầng 12 chơi rồi trèo ra ngoài lan can. Khi nhận ra không có gì để có thể đặt chân bám vào, cũng là lúc bé treo mình lơ lửng, khóc thét lên; và nhiều người ở tòa nhà đối diện phát hiện la hét tri hô.

Khoảnh khắc cháu bé lơ lửng tại ban công tầng 12.

Đảo mắt xác định vị trí, anh Mạnh giật cửa xe, lao ra ngoài, nhảy qua tường bao, băng lên mái tôn phía dưới chung cư, kịp thời đỡ được em bé vừa rơi từ trên cao xuống. “Lúc đỡ được cháu, đầu cháu nằm trên tay phải tôi, hai chú cháu nằm lõm một vệt trên mái tôn. Thấy cháu khóc hoảng loạn, tôi dỗ: “Chú xin con”, rồi mọi người ùa đến, đưa cháu đi viện”, anh Mạnh kể lại. Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 1 phút. Anh Mạnh sau đó lại trở về xe giao hàng như bình thường, hết việc lái xe về nhà. Những người chứng kiến sự việc thót tim lo đưa em bé đi bệnh viện, cũng không biết người đàn ông đã đỡ cháu bé là ai.

Đánh giá về hành động của anh Mạnh, cũng có một số ý kiến cho rằng đó là “ăn may”, rằng nếu là “siêu nhân” thì anh Mạnh phải làm sao đảm bảo cháu bé không bị suy suyển một sợi tóc… Thế nhưng không ai phủ nhận được sự nhanh trí dũng cảm xả thân của người đàn ông này. Em bé đang lơ lửng ở độ cao 40m, nếu không nhanh trí nhanh chân thì anh Mạnh đã không thể nhanh chóng băng qua nhiều chướng ngại vật, đoán được điểm rơi chính xác. Em bé từ trên cao 40m rơi xuống, có thể gây thương tích cho người đỡ. Sau sự việc, nhiều người đã tính toán ví dụ em bé nặng 14kg, lực tác động vào tay tương đương với việc anh Mạnh đỡ một vật thể khoảng 76kg.

Đương nhiên trong tình huống ấy, không ai có thể tính toán chi ly như vậy. Có lẽ cũng là một người cha, trước tình huống hiểm nguy, hành động của anh Mạnh còn là một bản năng.

Sau này trả lời báo chí, anh Mạnh cũng cho hay không ngờ sự việc lại lan tỏa nhiều đến như vậy. Clip của một người phụ nữ sống ở chung cư đối diện quay lại sự việc, đã làm bùng nổ dư luận trong nước, còn được cả báo chí quốc tế quan tâm. ““Siêu anh hùng” đỡ em bé rơi từ tầng 12”, “Tài xế được ca ngợi như người hùng vì cứu mạng bé gái rơi từ ban công”… là những dòng tít mà báo chí nước ngoài nói về sự việc.

Về phía em bé, đã được cấp cứu tại bệnh viện. Tại buổi tuyên dương, khen thưởng anh Mạnh tại trụ sở Công an quận Thanh Xuân, bố em bé xúc động gửi lời cảm ơn người đã cứu con mình và xin phép cho bé được gọi anh Mạnh bằng bố nuôi. “Không có sự dũng cảm của anh Mạnh thì không biết sẽ thế nào”, người cha chia sẻ. Về phần anh Mạnh, “khi nghe bé gọi bằng bố, cảm giác thật khó tả, thấy cay mắt”.

Câu chuyện về anh Mạnh tại triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý và những hiện vật anh Mạnh trao tặng bảo tàng.

“Bố chỉ là bố của con thôi”

Ở cuộc sống đời thường, anh Mạnh cũng như bao người khác, có cuộc sống bình yên bên gia đình, một công việc mưu sinh.

Anh Mạnh từng theo học nghề cắt tóc, được vợ là chị Phùng Thị Thủy, hiện làm giáo viên mầm non, mua tặng bộ đồ nghề. Vì anh là người thuận tay trái, vợ anh đã rất khó khăn mới tìm mua được chiếc kéo phù hợp. Lúc đầu, anh Mạnh dự định mở cửa hàng cắt tóc, nhưng vì việc cắt tóc chiếm nhiều thời gian, hơn nữa các con đều nhỏ, nên anh chuyển sang nghề lái xe. Anh vẫn cắt tóc miễn phí cho đồng nghiệp lái xe vì anh hiểu nghề tài xế vất vả, sáng đi làm sớm, tối mịt mới được về nhà, phần lớn thời gian ngồi trên xe, ít khi rảnh rỗi làm đẹp cho bản thân.

Sau hành động dũng cảm, anh Mạnh đã được Thủ tướng Chính phủ gửi Thư khen, tặng Bằng khen, Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi Thư khen, Chủ tịch UBND Hà Nội tặng Bằng khen; cùng nhiều lời động viên, khen ngợi và sự cảm phục từ cộng đồng xã hội, dù anh một mực: “Tôi không phải là siêu nhân, anh hùng, trong tình huống cấp bách ấy ai cũng sẽ làm như tôi cả”.

“Khi về nhà, con gái 3 tuổi của tôi hỏi: “Bố ơi, bố là siêu nhân à?”. Tôi giật mình trước câu hỏi của cháu và trả lời: “Không, bố chỉ là bố của con thôi”. Đôi khi những câu nói vui của người lớn lại đặt ra trong đầu con trẻ suy nghĩ “bố là siêu nhân”, khiến các cháu kỳ vọng, mà mình không làm được thì các cháu lại thất vọng…”, anh chia sẻ.

Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Mạnh chụp hình cùng cán bộ sưu tầm Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021); 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2021) và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo TW, Bộ VHTT&DL chỉ đạo thực hiện. Với hơn 200 tài liệu, bài viết và hiện vật, triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giới thiệu đến công chúng 131 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến, gồm 60 tập thể và 71 cá nhân được lựa chọn từ hơn 300 tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong 2020 - 2021.

Một trong những tấm gương tiêu biểu đó là anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Trước đó, để chuẩn bị cho triển lãm, các cán bộ sưu tầm của Bảo tàng đã đề nghị anh Mạnh tặng hiện vật cho bảo tàng. Nhận được lời đề nghị, anh Mạnh đã đồng ý tặng một số đồ vật liên quan việc tốt anh đã làm gồm bộ quần áo, đôi giày anh đã mặc và mang khi cứu cháu bé; bộ đồ nghề anh đã từng sử dụng cắt tóc miễn phí cho đồng nghiệp.

Về bộ quần áo và đôi giày, anh Mạnh chia sẻ: “Đây là bộ quần áo mà tôi mặc đi làm hàng ngày và cũng là bộ quần áo tôi đã mặc khi cứu cháu bé”. Còn về bộ đồ nghề cắt tóc, anh Mạnh cho biết: “Đối với tôi, kỷ vật này như người bạn, người thân. Gắn bó với bộ đồ nghề này đã được một thời gian nhưng hôm nay, tôi quyết định tặng lại”.

Tại buổi khai mạc triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Vũ Mạnh Hà chia sẻ, đây là lần thứ 9 liên tiếp, triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được tổ chức tại Bảo tàng, không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt trên khắp mọi miền đất nước, mà còn góp phần để người xem nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó mỗi cá nhân có thể tìm ra cho mình những phương pháp học tập, làm theo Người trong mỗi công việc thiết thực hằng ngày.

Cũng theo ông Hà, hành động dũng cảm và cuộc sống đời thường nhân ái, giản dị của anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã đọng lại trong chúng ta bài học về tinh thần tương thân, tương ái, yêu thương con người, đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên, khuyến khích mỗi chúng ta nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, lập nghiệp, phấn đấu để trưởng thành và cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

Cũng qua lời kể của các cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh, theo quy định, khi sưu tầm hiện vật, Bảo tàng sẽ hỗ trợ người tặng hiện vật một khoản tiền nhất định. Nhưng anh Mạnh đã từ chối nhận khoản tiền này và anh chỉ xin một bức ảnh của Bác Hồ. Anh Mạnh cho biết: “Vì Bác đã cho tôi cũng như tất cả người dân Việt Nam độc lập, tự do. Đó mới chính là tài sản quý giá nhất ở đời”.

Đọc thêm