Năm 2019, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 120.000 lao động, trong đó thị trường Nhật Bản: 45.622 lao động (16.813 lao động nữ), Đài Loan: 36.825 lao động (12.504 lao động nữ), Hàn Quốc: 5.536 lao động (392 lao động nữ), Rumania: 1.103 lao động (41 lao động nữ)…
Thị trường Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất. Nguyên nhân do, năm 2019, Nhật Bản đã có nhiều chính sách mới, cởi mở với lao động nước ngoài. Những năm trước, Nhật Bản chỉ cấp thị thực làm việc cho những lao động nước ngoài có trình độ kỹ thuật cao như luật sư, bác sĩ hoặc giáo viên.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật nới lỏng những quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài. Đây là sự thay đổi lớn trong chính sách việc làm của quốc gia Nhật Bản.
Theo dự luật, từ tháng 4 năm 2019, hệ thống cấp thị thực cho người lao động đến từ nước ngoài đã có hiệu lực; được áp dụng cho 14 lĩnh vực, trong đó có ngành điều dưỡng, xây dựng và nông nghiệp. Đây là 3 ngành nghề đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tăng thời gian chương trình thực tập sinh kỹ năng tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam có nguyện vọng làm việc dài hạn tại Nhật. Chương trình thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản giới hạn thời gian làm việc là 3 năm; sau khi kết thúc hợp đồng, nếu đáp ứng điều kiện, thực tập sinh sẽ được quay trở lại Nhật Bản làm việc thêm 2 năm nữa.
Đồng thời, Nhật Bản cũng tăng số lượng tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đi Nhật Bản làm việc. Hiện tại, Nhật Bản vẫn đang thiếu hụt trầm trọng lao động trong các ngành trọng điểm. Đặc biệt, vào ngày 24/7/2020, Thế vận hội mùa hè 2020 sẽ được tổ chức tại Tokyo – Nhật Bản. Vì vậy, Nhật Bản cần một số lượng lớn lao động nước ngoài hoàn thành gấp rút các công trình chuẩn bị cho Olympic 2020.
Tám tháng đầu năm cũng đánh dấu sự khởi sắc của thị trường châu Âu với các bản ghi nhớ hợp tác đưa lao động đi làm việc tại Đức, Rumani, Bulgaria… Cũng giống như các thị trường truyền thông như Nhật Bản, Hàn Quốc…, châu Âu cũng đa dạng nhiều ngành nghề từ công nghiệp, nông nghiệp, kỹ sư, kỹ thuật viên, hộ lý, y tá…
Trong đó tùy từng quốc gia mà nhu cầu về nhân lực có sự khác nhau rõ nét. Tuy nhiên, người lao động vẫn còn khá dè dặt với thị trường châu Âu do sự cách biệt về địa lý, khác biệt lớn về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán giữa Việt Nam và châu Âu.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt của lao động các nước đang phát triển khác (đặc biệt là các nước trước đây đã có truyền thống đưa lao động sang làm việc tại một số nước thuộc châu Âu.
Một thực tế nữa là, lao động Việt Nam phần lớn là lao động phổ thông hoặc bán nghề, tuy nhiên, các nước thành viên EU lại chỉ khuyến khích nhận lao động kỹ thuật cao hoặc có trình độ chuyên môn cao cấp.