Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung đang tiếp tục tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Tại Hải Dương, nguồn bệnh lây ra cộng đồng, đã có 12 ca mắc. Trong những ngày tới có thể có thêm ca nhiễm mới.
Như vậy có thể nhận định: Dịch Covid-19 có thể còn kéo dài. Nếu như không có vắc xin, cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn rất khó khăn, phức tạp.
“Nếu dịch xảy ra ở các địa phương khác, sẽ bùng phát không kém Đà Nẵng. Đà Nẵng là một ví dụ về vấn đề con người, cơ sở cấp cứu, dù chúng ta đã nỗ lực nhưng vẫn phải huy động tổng lực từ trung ương đến hỗ trợ. Nếu dịch xảy ra tại một tình miền núi thì sẽ càng khó khăn hơn. Chúng ta phải xác định từ nay trở đi sẽ không có lúc nào bình yên mà sẵn sàng có dịch”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thẳng thắn nhìn nhận, tại cuộc giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố chiều 19/8 như vậy.
Về vắc xin, theo lãnh đạo Bộ Y tế, Việt Nam tìm mọi cách để tiếp cận nhưng sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có. Từ nay đến lúc đó các địa phương phải sẵn sàng “chiến đấu” với dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chủ động trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế và nâng cao năng lực xét nghiệm, tránh tâm thế trông chờ, thụ động. Chủ động trong các tình huống ca bệnh tăng, tổ chức xét nghiệm nhanh chóng là rất quan trọng để khẩn trương truy vết, giám sát, cách ly, khoanh vùng, dập dịch là tâm thế thường trực hiện nay.
Bước vào đợt dịch thứ 3, Việt Nam phải đối mặt với sức ép rất lớn, không thể “bế quan tỏa cảng”, mà phải thực hiện “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam vẫn phải đón các chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài vào làm việc.
Chính vì vậy, ngay sau khi ghi nhận ca nhiễm mới ở Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không thể cứ xuất hiện một ca bệnh mới là đình chỉ mọi hoạt động, “đóng băng” cả một huyện, một tỉnh. Chủ trương của chúng ta là phát hiện ở đâu, khoanh vùng ở đó, khoanh vùng nhỏ nhất có thể. Bởi nếu tê liệt thì không phát triển được kinh tế, càng lâu dài càng nguy hiểm.
Phương châm phòng chống dịch của Việt Nam ngay từ đầu đến nay không thay đổi: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; với tâm thế “chung sống an toàn với dịch”.