Là con cả trong gia đình có 3 anh em trai, Duy là niềm hy vọng của ông Nguyễn Bốn và bà Trần Thị Quới bởi Duy siêng năng, ham học và rất chịu khó phụ giúp bố mẹ việc gia đình. Hạnh phúc lớn đến với gia đình cùng lúc với bộn bề lo toan khi Duy thi đỗ vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngành Cơ điện tử. Chạy vạy vay mượn khắp nơi, ông bà góp từng đồng gửi cho con ăn học tại thành phố suốt mấy năm, cuối cùng cũng đến ngày Duy ra trường.
Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”. Gia đình chưa kịp mừng vì Duy tìm được việc làm tốt với vị trí bảo trì máy móc tại Công ty Sữa Vixumilk thì tin xấu ập tới khi những cơn đau đầu, khó thở khiến Duy không thể tiếp tục công việc. Vay mượn họ hàng, làng xóm, bà Quới tất tả đón xe vào TP.HCM đưa Duy đi khám thì và choáng váng trước lời bác sỹ: Duy bị suy thận độ 4 - teo thận, có nguy cơ tử vong nếu không được thay thận, hoặc phải chạy thận suốt đời.
Thời gian chăm Duy ở TP.HCM là những ngày khổ sở cùng cực của bà Quới. Số tiền ít ỏi bà mang theo chẳng thấm vào đâu so với chi phí thuốc thang của con. Bạn bè, đồng nghiệp của Duy và những người đồng hương đang sinh sống ở TP.HCM mỗi người hỗ trợ một ít để hai mẹ con có tiền mua cơm trong những ngày cậu nằm viện. Nhưng chỉ sau hai tháng, cạn kiệt mọi nguồn, bà Quới đành nuốt nước mắt đưa Duy về.
Cha mẹ Duy nghĩ rằng “còn nước còn tát” nên đưa Duy ra BV Đa Khoa Đà Nẵng. Điều trị một thời gian thì bệnh có dấu hiệu giảm. Hy vọng mở ra, nhưng gia đình Duy lúc này chẳng còn gì giá trị để bán lấy tiền thuốc thang cho cậu, bà con họ hàng chỗ nào có thể vay mượn cũng đã vay hết.
"Hồi Duy đi học, tôi đã vay mượn khắp nơi, Duy động viên rằng “con ra trường, đi làm có tiền phụ má trả nợ và lo cho em”, không ngờ tình cảnh lại bi đát thế này" - bà Quới nghẹn ngào tâm sự. Cha Duy, ông Bốn là một cựu chiến binh, sức khỏe yếu cộng thêm di chứng chiến tranh khiến ông không thể làm nổi việc đồng áng, chỉ làm những việc nhẹ trong nhà, vậy là mọi gánh nặng dồn lên vai bà Quới.
Sức khỏe phụ nữ không bao nhiêu nhưng bà Quới vẫn ráng làm công nhân lò gạch – việc vốn chỉ dành cho đàn ông. Miệt mài phơi lưng trong cái nắng tháng 5 bốc gạch, phơi gạch, mỗi tháng bà nhận khoảng 1,5 triệu đồng. Mấy tháng liền ngừng việc vào TP.HCM chăm Duy, khoản thu nhập này không có, gia đình càng thêm khốn đốn. Gia đình 5 miệng ăn hiện chỉ cơm mắm qua ngày (2 em trai, 1 em đang học lớp 12, 1 học lớp 8), còn chi phí thuốc thang cho Duy, cho ông Bốn là điều không thể với tới.
Theo các bác sĩ, cơ thể Duy có nhiều dấu hiệu đáp ứng tốt với thuốc, nếu được điều trị đúng thời gian, phác đồ, bệnh sẽ tiến triển tích cực. Tuy nhiên, việc bỏ ra 6 triệu đồng mỗi tháng trong gần một năm để chữa trị cho Duy là quá sức gia đình. Bên cạnh đó, sức khỏe ông Bốn lại ngày càng giảm sút, bệnh tái phát nhiều hơn.
Số tiền nợ của gia đình Duy đã lên đến con số trăm triệu đồng (nợ tiền cho Duy đi học và nợ cho Duy chữa bệnh). "Còn được phương nào hay phương ấy, nhưng thực sự gia đình giờ đã hết cách, căn nhà cũ kĩ đang ở cũng đã cầm cố ngân hàng. Nhìn con ngày một thiếu sức sống ngồi thở dốc, chốc chốc lại ôm đầu chịu đựng những cơn đau mà lòng mẹ như tôi đứt từng khúc ruột. Nó còn quá trẻ, còn tương lai, còn bao hy vọng phía trước..." - bà Quới nấc nghẹn.
“Hoàn cảnh cháu Nguyễn Tiến Duy thật éo le. Cha mẹ nuôi ăn học thành tài mong được có người lo tuổi xế chiều nhưng không may lại mắc bệnh hiểm nghèo. Tình cảm thì có nhưng sự giúp đỡ về vật chất của bà con hàng xóm là có hạn. Rất mong nhận được sự giúp sức của xã hội” - ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng thôn nơi gia đình Duy sinh sống khẩn thiết nói.
Mọi chia sẻ với Nguyễn Tiến Duy, xin gửi về: Gia đình Nguyễn Tiến Duy (con ông Nguyễn Bốn và bà Trần Thị Quới), tổ 4, thôn Liễu Thạnh, xã Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam.