Nỗi lo… có thật
Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí ở các trường công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2015, mức học phí ở khối trường này sẽ tăng dần hàng năm, từ năm học 2015-2016 đến 2020-2021. Bình quân học phí ở các trường đại học, cao đẳng sẽ tăng thêm hơn 10%/năm.
Theo đó, mức học phí tối đa chương trình đại trà trình độ đại học hệ chính quy khoảng 1,75 triệu đồng tới 4,4 triệu đồng/tháng. Đối với các trường chưa tự chủ được kinh phí như khối Y, Dược, sinh viên phải trả học phí cao nhất là 44 triệu đồng/năm/sinh viên. Như vậy, sau 5 năm học, số tiền học phí một sinh viên ngành y phải chi trả hơn 300 triệu đồng.
Theo quy định về mức trần học phí, các trường đại học được tự chủ tài chính sẽ thu học phí phân theo nhóm ngành nghề. Như vậy, mức tối đa của nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015 - 2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Theo lãnh đạo nhiều trường đại học, tăng học phí sẽ giúp các trường có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Một số trường đã chuẩn bị kế hoạch tăng học phí ngay trong học kỳ 2 của năm học 2015-2016.
Đơn cử, Đại học Kinh tế Quốc dân thu học phí năm học 2015 - 2016 là 11,5 triệu đồng/sinh viên/năm. Năm học 2016 - 2017 trường này sẽ thu 13,5 triệu đồng/sinh viên/năm. Đại học Ngoại thương giai đoạn 2015 - 2017 thu học phí tối đa của chương trình đại trà năm 2015 - 2016 là 14,5 triệu đồng/ sinh viên; năm 2016 - 2017, học phí tăng lên 16 triệu đồng/sinh viên/năm.
Tuy nhiên, việc tăng học phí tác động không nhỏ đến sinh viên nghèo, gia đình khó khăn. Em Nguyễn Minh, tân sinh viên Đại Học Kinh tế (TP.HCM) tính toán: Nếu tính cả tiền học phí (theo khung giá mới) và chi phí ăn, ở, sinh hoạt và cả chục loại phí khác của trường, cũng phải mất từ 30-35 triệu đồng/sinh viên/năm. Có lẽ em phải nhanh chóng làm thủ tục vay vốn tín dụng sinh viên và phải tìm công việc làm thêm để phần nào đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Nếu không, sẽ chẳng thể có tiền chi trả được trong suốt thời gian học đại học”.
Chất lượng có tăng?
Mặc dù từ năm 2007 đến nay, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vay vốn để trang trải việc học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo. Song, chính sách cho vay hiện vẫn chỉ ở mức tối đa là 1,1 triệu đồng/sinh viên/tháng.
GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phân tích: “Mọi thứ đều tăng giá, giờ học phí cũng tăng thì con nhà nghèo làm sao theo học được. Nếu nói kinh tế tăng trưởng, quỹ phúc lợi tăng mà học phí vẫn phải tăng thì là điều hết sức vô lý.
Với mức tăng học phí như hiện nay, khi ra trường sinh viên sẽ gánh một khoản nợ khá lớn. Hơn nữa, 2 năm sau khi ra trường, nếu mức lương thấp, các em sẽ không đủ khả năng trả nợ”.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ: Liệu tăng học phí, chất lượng giáo dục có tăng? Bởi trên thực tế không phải cứ tăng học phí nhiều thì chất lượng đào tạo của các trường sẽ tăng. Hơn nữa, theo ông, việc tăng học phí ở các trường đại học ảnh hưởng nhiều đến sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Do đó, cùng với việc tính học phí theo đúng chi phí đào tạo, Nhà nước nên đẩy mạnh chính sách cho sinh viên vay vốn không lấy lãi dài hạn để các em có cơ hội đi học.
Vì thế, để mở rộng cơ hội vào ĐH cho mọi người, ngoài nguồn ngân sách cấp, cần quy định một tỉ lệ nhất định nguồn thu học phí phải được dùng cho hỗ trợ học bổng, miễn giảm, thông qua nhiều cơ chế đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng. Nhưng thực tế, ngay cả khi có những chính sách như vậy, vẫn sẽ có những người không đủ giàu để đóng học phí và không đủ giỏi để được cấp học bổng, do đó cần có những nguồn cho vay để phục vụ đối tượng này.
Với việc cho vay, người học sẽ cân nhắc việc theo đuổi tấm bằng đại học với một món nợ không nhỏ và có trách nhiệm hơn với việc học tập của mình hoặc sẽ chọn theo học các trường cao đẳng, trung cấp nghề với thời gian ngắn hơn, chi phí thấp hơn và có thể tìm được việc ngay.