Dù vậy, cuộc trưng cầu dân ý sắp đến tới ở bang kia lại tạo tiền lệ mới không chỉ cho bang này mà còn cho cả đất nước Thụy Sỹ và cho thế giới. Nguyên do ở chỗ đối tượng liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý này không phải là con người, mà là động vật, cụ thể ở đây là khỉ và vượn.
Câu hỏi trưng cầu dân ý đặt ra cho cử tri là: Có đưa vào hiến pháp bang điều khoản mới hay không về quyền cơ bản cho khỉ và vượn, cụ thể là “quyền về toàn vẹn thân thể và tinh thần” cho khỉ và vượn, có nghĩa là sửa đổi và bổ sung hiến pháp hiện hành để đảm bảo cho khỉ và vượn cũng có những quyền cơ bản, trong đó đặc biệt có quyền bất khả xâm phạm đối với thân thể và tinh thần. Cuộc trưng cầu dân ý này còn đặc biệt thêm nữa ở chỗ nếu được cử tri đồng ý thì việc bảo vệ động vật nói chung và đối với khỉ và vượn nói riêng đạt được cấp độ luật hóa mới.
Coi động vật có những quyền cơ bản nhất định như con người là chuyện lớn trên thế giới. Bảo vệ động vật đã được luật hóa ở nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa ở nơi nào đến mức ghi hẳn vào trong hiến pháp và cụ thể đến mức như vậy về các quyền cơ bản. Cho nên câu hỏi được đặt ra ở đây là động thái này tất yếu hay thái quá?
Lập luận của phía ủng hộ việc dành cho khỉ và vượn những quyền cơ bản nhất định, chúng rất giống con người, có suy nghĩ và khả năng cảm nhận như con người. Lập luận này không coi khỉ và vượn như những động vật thông thường mà thuộc diện giống con người.
Cứ theo lập luận này thì cả khoa học lẫn chính trị phải xếp loại và phân loại lại toàn bộ thế giới động vật để có được tiêu chí quyết định trong việc xây dựng luật pháp bảo vệ chúng, để phân biệt thế nào là bản năng và thế nào là trí tuệ của động vật, thế nào là phản ứng bẩm sinh và cảm nhận của động vật.
Cứ theo lập luận này thì bất kể động vật nào cũng phải được đảm bảo có quyền cơ bản nhất định nào đấy và vì khỉ và vượn giống con người nhiều nhất trên nhiều phương diện nhất nên được dành cho nhiều quyền cơ bản nhất.
Mặt khác, để trả lời câu hỏi về tất yếu hay thái quá này, không thể không đề cập đến việc trong thế giới của con người, quyền lợi luôn đi cùng với trách nhiệm của con người trước pháp luật. Vậy nếu dành cho khỉ và vượn nói riêng và động vật nói chung các quyền cơ bản thì trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng trước pháp luật là gì.
Trong việc lập pháp vốn luôn có sự giằng co giữa tình cảm và lý trí. Một khi lý trí quyết định thì kết quả và hậu quả khác biệt hoàn toàn so với để cho tình cảm quyết định. Nếu để cho tình cảm quyết định thì việc đưa vào hiến pháp quy định đảm bảo cho khỉ và vượn có các quyền cơ bản là tất yếu, nhưng từ giác độ lý trí mà nhìn nhận chuyện ấy thì lại sẽ thấy tính thái quá của việc đó.