Tây Hồ (Hà Nội): Nghi án hơn 100 gốc đào bị hủy hoại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo thông báo của UBND quận Tây Hồ (TP Hà Nội), gia đình ông Khanh sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất ngày 24/11/2023. Tuy nhiên, trong khi chưa kịp thu dọn hết cây cối, hơn 100 gốc đào của gia đình ông đã bị ai đó hủy hoại.
Ông Khanh cho rằng hơn 100 gốc đào của gia đình ông đã bị ai đó chặt phá. (Ảnh bạn đọc cung cấp)
Ông Khanh cho rằng hơn 100 gốc đào của gia đình ông đã bị ai đó chặt phá. (Ảnh bạn đọc cung cấp)

Phản ánh đến Báo PLVN, ông Nguyễn Văn Khanh (ngụ phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) cho biết, gia đình ông có 3 mảnh đất tổng diện tích 446m2 tại xứ đồng Ngoại Viên, nằm trong diện sẽ bị giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án Khu đô thị Nam Thăng Long.

Ngày 30/10/2023, UBND quận có Quyết định 2609/QĐ-CTUBND về việc cưỡng chế thu hồi 360m2 của gia đình ông. Cho rằng quyết định trên ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, gia đình có đơn khiếu nại đề nghị hủy Quyết định 2609.

Ngày 20/11/2023, UBND quận có Thông báo 431/TB-UBND yêu cầu gia đình có mặt vào lúc 8h ngày 24/11/2023 tại diện tích đất để lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế. Tuy nhiên, trước thời gian cưỡng chế 1 ngày, ngày 23/11/2023, hơn 100 cây đào được gia đình ông Khanh trồng để bán dịp Tết Nguyên đán đã bị ai đó hủy hoại.

Ông Khanh nói: “Từ nhiều năm nay, nhà tôi đã trồng đào để bán dịp Tết. Năm nay nhà tôi có 370 cây đào, mai. Sau khi quận ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất, dù không đồng ý nhưng gia đình tôi không chống đối và thực hiện các quyền của mình theo quy định pháp luật”.

“Sáng 22 và 23/11/2023, để giảm thiểu tối đa thiệt hại, cả nhà tiến hành bứng cây cối đi nơi khác. Đến trưa 23/11/2023, chúng tôi đã di chuyển được hơn 250 cây. Sau khi về nghỉ buổi trưa, buổi chiều ra bứng số cây còn lại thì phát hiện hơn 100 cây đào đã bị chặt phá, hủy hoại nghiêm trọng. Tại khu vực góc vườn, có nhiều cột gỗ mới được đóng và có dấu sơn đỏ”.

Trước việc này, gia đình đã mời đại diện công an phường, cán bộ địa chính phường đến và ghi nhận vụ việc. Đồng thời, gia đình ông Khanh cũng đã có đơn trình báo về vụ việc gửi công an quận, UBND quận và cơ quan chức năng để đề nghị xác minh, giải quyết theo quy định pháp luật.

Liên quan khu đất, sáng 24/11, UBND quận đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất theo Quyết định 2609.

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận khẳng định, quận thực hiện cưỡng chế theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Quá trình thực hiện, quận bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người dân.

Ông Khanh cũng cho rằng: “Hơn 100 cây đào là tài sản công dân đã bị hủy hoại, vụ việc đã trình báo cơ quan chức năng, diện tích đất chính là hiện trường xảy ra sự việc, nhưng quận lại gấp rút tiến hành cưỡng chế là chưa hợp tình, hợp lý”.

Luật sư Lê Hiếu (Giám đốc Cty Luật TNHH Hiếu Hùng) nhận định, sự việc có dấu hiệu của “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 BLHS. “Một ngày sau khi tài sản của người dân bị hủy hoại, quận vẫn thực hiện cưỡng chế thu hồi đất có thể ảnh hưởng đến hiện trường, gây khó khăn cho CQĐT trong quá trình xác minh, làm rõ hành vi, hậu quả, thiệt hại do hành vi hủy hoại gây ra”.

Đọc thêm