Tên cướp biển hiện thân của quỷ dữ - (Bài 1): Những phi vụ cướp bóc tàn bạo của Edward Low

(PLVN) - Trong “Bài ca Cướp biển” (Pirates Song), Charles Ellms đã giới thiệu về cuộc đời của Edward Low: “Con người hung bạo này... được giáo dục như mọi người Anh bình thường khác. Tuy nhiên, hắn được sinh ra để trở thành cướp biển. Vì ngay từ khi còn là một đứa trẻ, hắn đã tổ chức thu thuế của bọn trẻ ở Westminster, nếu đứa nào không chịu làm theo thì sẽ xảy ra một trận đánh nhau”.
Họa hình nhân vật cướp biển Edward Low.
Họa hình nhân vật cướp biển Edward Low.

* Bài 1: Những tướng cướp khét tiếng trong lịch sử: Bí mật kho báu của tên cướp biển khét tiếng bậc nhất lịch sử

* Bài 2: Những tướng cướp khét tiếng lịch sử: Mưu toan của nữ hoàng cướp biển Grace

* Bài 3: Những tướng cướp khét tiếng lịch sử: Cuộc gặp gỡ định mệnh với Nữ hoàng Elizabeth

Con đường đến với cướp biển

Edward Low sinh tại London vào khoảng đầu thế kỉ XVIII. Ngoài việc được nuôi dạy tại Westminster, không ai biết nhiều về thời thơ ấu của hắn. Edward đã cùng một người anh trai đi biển trong khoảng 3-4 năm, rồi sau đó chia tay anh tại Hoa Kỳ. Edward vào làm cho một nhà máy cẩu trục tại Boston, New England.

Ngày 12/8/1714, Edward kết hôn cùng Eliza Marble. Eliza sinh được người con trai, tiếp đó là một bé gái. Tuy nhiên, mùa đông năm 1719, Eliza qua đời, 3 tuần sau đó là sự ra đi của đứa con trai đầu lòng. Đau khổ trước những mất mát, Edward lại còn bị đuổi việc. Với cảm giác không còn gì để mất, Edward đã để cô con gái lại cho những người họ hàng nhà vợ, còn mình thì lên thuyền đến vịnh Honduras

Ngay sau khi vừa cập bến, Edward tìm được việc làm trên một con thuyền vận chuyển gỗ huyết mộc ra các thuyền ngoài biển. Con thuyền này được trang bị vũ khí tối tân để chống lại những người Tây Ban Nha luôn sẵn sàng cướp loại gỗ này bất cứ lúc nào. 

Một buổi tối, sau khi đã chuyển xong gỗ lên thuyền, Edward muốn ở lại trên thuyền cùng ăn với thuyền trưởng. Tuy nhiên, thuyền trưởng lại không muốn như thế và thay vì ngồi ăn cùng các thành viên thủy thủ của mình, ông lại chỉ đưa cho họ một chai rượu và yêu cầu họ phải chuyển một loạt gỗ khác trước khi dùng bữa tối. 

Các thủy thủ rất tức giận, đặc biệt là Edward, hắn đã nhặt lấy khẩu súng và bắn vào thuyển trưởng. Tuy nhiên, viên đạn không trúng vào thuyền trưởng mà lại giết chết người đang đứng cạnh ông. Edward cùng các thủy thủ còn lại vội vã bỏ trốn. Nhưng vào ngày hôm sau, tất cả cùng quay lại thuyền, Edward dẫn đầu đã ném thuyển trưởng xuống biển rồi cho chiếc thuyền treo cờ đen “tuyên chiến với cả thế giới”. 

Nhân vật cướp biển Edward Low trong seri phim truyền hình Black Sails.
Nhân vật cướp biển Edward Low trong seri phim truyền hình Black Sails.

Edward cùng thủy thủ đoàn đến đảo Grand Cayman với dự định sẽ sửa chữa lại con thuyền để kiếm một công việc lương thiện. Tuy nhiên, đó lại là lúc Edward gặp cướp biển George Lowther. 

Lowther hết lời ca tụng và đề nghị Edward trở thành đồng bọn cướp biển của hắn. Đây quả là một lời đề nghị mà Edward khó lòng từ chối. Hai tên cướp biển đã hợp tác cùng nhau, cho đến năm 1722, khi bọn chúng cướp được một con thuyền đến từ Boston. Lúc đó, bọn chúng quyết định tách nhau, Edward nhận con thuyền vừa bắt được. Cùng với 42 người đáng tin cậy, Edward giờ đây đã trở thành thuyền trưởng, con thuyền mang tên Rebecca. 

Những vụ cướp bóc và truy đuổi

Chuyến đi đầu tiên trên cương vị thuyền trưởng của Edward diễn ra không lâu sau đó, hắn đã bắt được một chiếc thuyền buôn nhỏ do thuyền trưởng John Hance chỉ huy và cướp sạch tài sản của con thuyền này rồi cho mang về Rebecca. 

Cùng ngày hôm đó, hắn gặp một con thuyền khác do James Calquhoon chỉ huy. Edward cũng cướp hết tài sản của con thuyền này, cho cắt tất cả dây chằng, phá hủy các mái chèo, đánh bị thương thuyền trưởng để ngăn không cho ông cử người đi báo tin rồi đứng từ xa, xem nạn nhân của mình vất vả lèo lái con thuyền, lúc ấy trời gần như không có gió. 

Calquhoon không dễ dàng chấp nhận từ bỏ, khi Edward vừa cho thuyền đi khỏi, ông ta đã tìm cách dựng lại cột buồm và đưa con thuyền tiến về đảo Block rồi từ đó, cử một con thuyền nhỏ đi vào đất liền để báo tin. Sáng hôm sau, hai con thuyền nhanh nhất tại vùng ấy được vũ trang và cử đi truy bắt Edward. 

Thuyền trưởng John Headland chỉ huy con thuyền thứ nhất, con thuyền được trang bị 10 khẩu pháo, còn thuyền trưởng John Brown chỉ huy con thuyền còn lại được trang bị 6 khẩu pháo. Mặc dù đã nhìn thấy Edward đang ở ngoài khơi đảo Block, nhưng khi họ đến đó thì hắn đã kịp chạy thoát. 

Lần thứ hai họ nhìn thấy Edward là vài ngày sau đó khi hắn đến vịnh Buzzard để lấy thêm nước ngọt và lương thực. Sau khi đã lấy đủ nhu yếu phẩm, Edward đi theo hướng Bắc, đến Nova Scotia và cập bến tại cảng Rosemary. Tại đó, hắn thấy 12 chiếc thuyền đánh cá đến từ vịnh Massachusetts đang neo tại đó. Edward ra lệnh tấn công và bắt sống tất cả những ai còn khỏe mạnh để mang họ lên thuyền và ép phải tham gia cướp biển cùng bọn chúng. Thấy chiếc thuyền lớn nhất vừa cướp được là Mary (nặng 80 tấn) thích hợp hơn con thuyền Rebecca hiện tại nên Edward đã quyết định dùng nó để thay thế. 

 

Sau khi đổi tên con thuyền mới thành Fancy, Edward đến Carboneau, những tên cướp biển tàn phá thành phố và thiêu cháy mọi căn nhà trước khi rời đi. Lúc ấy, Edward lại một lần nữa gặp may khi trốn thoát được 2 chiến thuyền đang tiến vào công sự hải quân tại cảng Annapolis-Royal thuộc Nova Scotia. Cả hai con thuyền này đều được trang bị vũ khí và bính lính để sẵn sàng chiến đấu. Ngay khi Edward tấn công, hai chiếc thuyền đều nã pháo đáp trả. Điều duy nhất giúp cho Fancy may mắn thoát nạn là một đám sương mù dày đặc bao quanh và hắn đã nhanh chóng trốn đi một cách dễ dàng. 

Sau đó, Edward bắt đầu chuyến đi sang biển Caribê, nhưng trong suốt cả chuyến đi ấy, bọn chúng phải đối mặt với một cơn bão lớn khiến cho con thuyền Fancy bị hư hỏng nặng và bọn chúng đã phải neo trú tại quần đảo Leeward. 

Tại đây, Edward cùng người của mình sửa sang lại con thuyền và kiếm thêm lương thực. Tuy nhiên, hắn nghe ngóng được thông tin một vài chiến thuyền đang lùng bắt hắn, vì vậy hắn quyết định thay đổi hải trình, vượt biển Bắc Atlantic sang Azores. 

Những ngày tháng tàn bạo

Charles Ellms thuật lại: “Vận may của Edward quả có một không hai, trên đường đến Azores, bọn chúng còn chiếm giữ được một chiếc thuyền của Pháp với 34 khẩu pháo. Rồi sau khi vào hải phận của St Michaels, bọn chúng còn bắt được 7 con thuyền (Notre Dame, Mere de Dieu, Dove, Rose Pink cùng 3 chiếc thuyền buôn khác), đe dọa sẽ giết ngay tất cả những ai đám chống đối. Thế là, hắn đã cướp được tất cả số tài sản ấy mà không hề tốn một viên đạn nào”. 

Tuy nhiên, Ellms đã không nhắc đến một việc làm đẫm máu mà Edward đã gây ra trong cuộc tấn công này. Trong cuốn Cướp biển Địa Trung Hải, thuyền trưởng A.G.Course đã buộc tội Edward không chỉ cướp phá các con thuyền mà còn chọn ra một tù nhân, một người mà Edward miêu tả là “một anh chàng đẫy đà to béo nhưng có thể cháy rất tốt”, cho trói nạn nhân này lên cột buồm của một chiếc thuyền và châm lửa thiêu cả thuyền lẫn người. 

Edward chuyển lời đến cho Thống đốc của St Michaels rằng, hắn muốn đổi những con thuyền chưa bị thiêu cháy lấy nước ngọt và lương thực. Vị Thống đốc đồng ý, Edward đã trao trả lại tất cả ngoại trừ thuyền Rose Pink được giữ lại dưới quyền chỉ huy của hắn, quyền chỉ huy Fancy được giao cho người chỉ huy phó tên là Harris. 

Fancy và Rose Pink cùng đến đảo St Marys. Trên đường đi, chúng quan sát thấy con thuyền Wright do Thuyền trưởng Carter chỉ huy. Harris nã pháo vào con thuyền và Carter phản công. Đòn phản công này thực sự rất khủng khiếp bởi gây ra thiệt hại nặng cho bọn cướp biển. Chính vì thế, khi Wright bị đánh bại, Harris cùng đồng bọn cướp biển đã trả thù lại bằng cách chém giết dã man tất cả những ai có mặt trên thuyền. 

Hai hành khách người Bồ Đào Nha còn bị tra tấn tàn bạo hơn. Họ bị treo căng người trên hai trục dây buồm chính cho đến khi ngất đi vì bị ngạt, sau đó, họ được hạ xuống trên boong để rồi lại bị treo lên ngay sau đó và lần này thì cả hai đều bị gãy cổ. Nhưng đó chỉ là trò tiêu khiển của cướp biển, một trò chơi góp vui cho bọn chúng nhưng trên hết là sự tàn bạo.

Low còn liên tiếp cướp bóc và gây ra những vụ việc gây căm phẫn cho những dân hàng hải. Sự tàn bạo của hắn làm nên tên tuổi của Edward Low khiến những nơi hắn đi qua không khác gì bình địa, tang tóc...

(Còn nữa) 

Đọc thêm