Teotihuacan – Nơi các vị thần được sinh ra

(PLVN) - Teotihuacan từ lâu đã là một vùng đất bí ẩn. Gần 2.000 năm trước, đây là thành phố đông dân nhất châu Mỹ. Đã có những đồn đại về một thành phố huyền thoại nhưng nay đã mất – một thiên đường yên bình do các vị thần tạo ra. 
 Toàn cảnh thành cổ Teotihuacan
Toàn cảnh thành cổ Teotihuacan

Công trình còn sót lại của một nền văn minh thất lạc 

Teotihuacan, theo ngôn ngữ Nahuatl được hiểu là “nơi các vị thần được sinh ra” và là nơi các vị thần khai sáng ra vũ trụ theo quan niệm của người Aztecs. Nơi có Kim tự tháp Mặt Trời và Kim tự tháp Mặt Trăng tồn tại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 5 đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1987.

Teotihuacan tọa lạc trong lòng chảo Mexico, cách TP. Mexico ngày nay 50 km về phía đông bắc, thuộc nền văn minh Maya. Những bằng chứng tìm được qua khảo cổ cho thấy Teotihuacan từng là trung tâm đô thị lớn nhất của Trung Mỹ cổ đại và là nơi cư ngụ đa sắc tộc như người Otomi, Zapotec, Maya, Nahua... 

Vào thời kỳ hoàng kim (khoảng năm 500 trước Công nguyên - TCN), thành phố Teotihuacan rộng tới 20 km2, dân số ước tính khoảng 200.000 người. Người dân định cư ở đây vào năm 400 TCN, nhưng ba thế kỷ sau đó thành phố này mới phát triển sôi động, nhất là khi có sự xuất hiện của những người tị nạn từ Cuicuilco, một thành phố bị phá hủy bởi núi lửa. Vào khoảng năm 750 TCN trung tâm Teotihuacan bị hỏa hoạn, có thể là do nổi dậy hoặc do nội chiến. 

Nhiều thế kỷ sau, khu vực này trở thành nơi hành hương của người Aztec. Thành phố là nơi hội tụ của giới thương nhân bốn phương, tổ chức các lễ nghi tôn giáo lớn, trong đó có tục dùng người sống để tế thần được các nhà cai trị linh mục của thành phố đứng ra tổ chức.

Thành cổ Teotihuacan.
Thành cổ Teotihuacan.  

Thành phố Teotihuacan có khoảng 2.000 căn hộ một tầng, nổi tiếng là Đại lộ Tử thần (Calle de los Muertos) dài 2,4 km. Tọa lạc phía bắc của đại lộ này là Kim tự tháp Mặt Trăng cao 43 m, kích thước 130x156 m. Dọc theo phía nam của đại lộ là công viên Ciudadela (thành Citadel). Trong thành có Đền Quetzalcoatl (Đền thờ rắn lông vũ) dưới dạng một kim tự tháp bị cắt cụt. 

Kim tự tháp Mặt Trời trải dài từ phía đông của Đại lộ Tử thần, cao 66 m so với mặt đất, kích thước 220x230 m, được xây dựng với khoảng 765.000 m3 đá. Vào đầu những năm 1970, cuộc thám hiểm bên dưới kim tự tháp đã tiết lộ một hệ thống các hang động và hầm. Thành phố bắt đầu được khai quật vào năm 1884 và vào nửa cuối thế kỷ 20, nhưng sôi động nhất là những năm đầu thế kỷ 21.

Những di tích đặc sắc nhất còn lại ở Teotihuacan ngày nay là 3 kim tự tháp: Kim tự tháp Mặt trời, kim tự tháp Mặt trăng và Ngôi đền Rắn (kim tự tháp Quetzalcoatl). Con đường mang tên Đại lộ Tử thần chạy dọc theo trục Bắc - Nam của Teotihuacan dẫn vào khu kim tự tháp này. Kim tự tháp Mặt trời được coi là di tích nổi tiếng và trở thành biểu tượng của Teotihuacan và của cả Mexico. So với các kim tự tháp được tìm thấy trên thế giới, thì kim tự tháp Mặt trời lớn thứ 3 sau kim tự tháp Giza, Ai Cập và kim tự tháp Chobula. Nó có chiều cao trên 75m, phần nền móng dài hơn 225m mỗi chiều. 

Kim tự tháp Mặt trời và kim tự tháp Mặt trăng không giống với những Kim tự tháp cổ đại của Ai Cập. Chúng là đền thờ chứ không phải lăng mộ, và được kết nối với nhau bởi Đại lộ Tử thần thành một phần của hệ thống đô thị chịu chi phối từ chuyển động của mặt trời.

Nói đến Teotihuacan cũng không thể bỏ qua công trình thứ ba, không kém phần đặc sắc là Ngôi đền Rắn (kim tự tháp Quetzalcoatl) nhỏ hơn so với 2 kim tự tháp còn lại. Công trình này được xây dựng và hoàn thành vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên với 6 bậc thang cùng 2 căn hộ bên cạnh (được coi là nơi ở của những người quan trọng trong thành phố).

Thiết kế của thành phố Teotihuacan thể hiện ý tưởng đây là “nơi các vị thần được sinh ra” và cũng là nơi vũ trụ bắt đầu. Theo các dấu ấn của nước để lại dọc tường của đường hầm Sergio phát hiện, quảng trường lớn trên mặt đất được đổ ngập, nhằm tạo ra hình ảnh tượng trưng cho biển thuở sơ khai, để các kim tự tháp trở thành những “đỉnh núi” trên mặt nước. 

Những ẩn số kì bí về thành phố cổ Teotihuacan

Những bằng chứng từ các cuộc khảo cổ chứng minh rằng Teotihuacan đã phát triển rất thịnh vượng cho tới khi bước vào thời kỳ suy thoái và bị phá hủy một phần do vụ cháy lớn. Thành phố Teotihuacan nổi bật ở thời kỳ tiền cổ điển Trung Mỹ như một thành phố hoàn hảo với kiến trúc phát triển đầy đủ, thiên văn học tiên tiến, toán học và lịch. Teotihuacan bị bỏ hoang ước tính từ thế kỷ thứ VII.

Những khối cự thạch lớn thường được sử dụng trong các tác phẩm điêu khắc là vật liệu chính trong việc xây dựng kim tự tháp nơi đây. Một số tảng cự thạch lớn hơn 2m chiều dài và nặng tới 4 tấn được những người xây dựng nên Teotihuacan chế tác với độ chính xác cao.

Loại đá cự thạch này được xác định có nguồn gốc từ vùng lân cận San Miguel cách đó 25km. Dựa trên sự tương tự về phong cách kiến trúc với các tảng đá nguyên khối Teotihuacan, các nhà khảo cổ kết luận rằng tác phẩm được trưng bày trước cửa Bảo tàng quốc gia Mexico chính là tác phẩm chưa hoàn thiện của người Teotihuacan. Đây là một trong những tác phẩm điêu khắc lớn nhất châu Mỹ, có trọng lượng trên 200 tấn, cao 7,1m, dài 3,8m và dày tới 4m.

Nếu chúng ta ước tính thật chi tiết rằng, một người lớn thông thường có thể tham gia công trình 100 ngày mỗi năm, thì dân số thành phố vào thời điểm khoảng 100 sau Công Nguyên là 100.000 người, thì họ phải góp thêm hàng chục vạn ngày công mỗi năm, vận chuyển vật liệu bằng thúng và thực hiện các công việc khác. 

Và nếu mỗi công nhân mỗi ngày đi năm chuyến từ mỏ đá đến công trường, cần đến 6 triệu ngày công, có nghĩa 6.000 công nhân hoàn tất công trình trong 10 năm. Toàn bộ bề mặt 50.000 m2 được trát vữa, lớp đầu bằng bùn và sỏi núi lửa, sau cùng là lớp vữa đá vôi từ các thung lũng gần đó. Việc xử lý vôi ngốn hết toàn bộ các khu rừng và không thể thay đổi điều kiện sinh thái trong thung lũng tạo nên sự xói mòn ngày nay vẫn còn nhìn thấy.

Thiết kế nguyên thủy của Teotihuacan cho thấy người cổ đại không chỉ có kiến thức uyên thâm về chiêm tinh, thiên văn, toán học mà còn rất giỏi về kiến trúc, xây dựng. Teotihuacan được xây dựng mô phỏng chòm sao Orion. 

Nếu quan sát từ trên cao, cấu trúc Teotihuacan giống một bảng mạch điện tử trong đó Kim tự tháp Mặt Trời và Kim tự tháp Mặt Trăng là hai chip xử lý chính. Các nhà khoa học hiện đại cho rằng, với cấu trúc nói trên, kim tự tháp thực sự là một “nhà máy năng lượng mặt trời” rất hiệu quả bởi người cổ đại xem ánh sáng là nguồn năng lượng có sẵn và dồi dào nhất.

Cư dân của thành phố và các nền văn minh tương đồng tin rằng vũ trụ hình thành từ ba tầng kết nối với nhau bởi một trục, gồm: tầng trời, tầng đất và thế giới bên kia. Đó không phải nơi diễn ra sự trừng phạt ghê rợn như trong Kinh thánh mà là một lãnh địa tối, ngập nước, có hồ và núi - tượng trưng cho sự giàu có, sự tái sinh và cái chết.

Đọc thêm