Tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Ngày này, người Việt chuẩn bị món bánh trôi, bánh chay để cúng ông bà tổ tiên bày tỏ lòng thành kính, hướng về cội nguồn.
Tết Hàn thực diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, năm nay là 14/4 dương lịch. Theo quan niệm truyền thống của người dân Việt Nam, trong ngày này, các gia đình chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay và thành kính dâng lên bàn thờ để cầu mong tổ tiên và các vị thần linh phù hộ.
Trong lễ cũng Hàn Thực năm nay có 1 số khung giờ đẹp, nếu các gia đình thu xếp được có thể tiến hành lễ cúng Tết Hàn thực: Giờ Thìn (7-9h); giờ Tỵ (9-11h); giờ Thân (15-17h); giờ Dậu (17-19h).
Ngày Tết Hàn Thực bắt nguồn từ một phong tục của người Trung Quốc, liên quan đến câu chuyện vào đời Xuân Thu giữa vua nước Tần là Tấn Văn Công và hiền sĩ Giới Tử Thôi. Để tưởng nhớ Giới Tử Thôi, vua Tần cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.
Khi du nhập vào Việt Nam, phong tục này lại có những thay đổi phù hợp với văn hóa, phong tục của người Việt. Tết Hàn thực ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường. Với người Việt, tết Hàn thực thể hiện những khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn, tinh khiết trong cuộc sống.
Trong ngày này, nhiều gia đình còn quây quần tự nặn bánh trôi, bánh chay thể hiện tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Sau khi luộc bánh, mọi người chọn những viên tròn đẹp nhất xếp vào đĩa để dâng lên tổ tiên.
Theo các chuyên gia văn hóa, mâm cỗ cúng Tết Hàn thực không cần “mâm cao, cỗ đầy”, chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, chay lên ban thờ ông bà, tổ tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.
Số lượng bánh trôi, bánh chay chuẩn nhất trong mâm cúng thường là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay.
Ngày nay, nhiều người còn thích thú với việc nặn bánh trôi chay ngũ sắc để dâng lên ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, điều này không phù hợp với nguyên gốc và ý nghĩa của ngày lễ Hàn thực. Bởi vì bánh trôi, bánh chay nguyên bản là màu trắng, hình tròn đầy thể hiện cho khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn, tinh khiết trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, trong lễ cúng, mâm cúng của người Việt đều có hoa tươi và trầu cau, mâm ngũ quả, 3 chén nước sạch biểu hiện cho tâm của gia chủ.
Tết Hàn thực chỉ còn là một ngày lễ thông thường nhưng vẫn có những điều kiêng kỵ nhất định theo tục lệ dân gian như kiêng nổi lửa, kiêng cúng bánh ngũ sắc, kiêng kỵ làm cỗ bàn linh đình, kiêng chuyển nhà.
Mặc dù có những năm Tết Thanh Minh trùng với tết Hàn Thực (vào ngày 3/3) nhưng Tết Hàn Thực và Tết Thanh Minh là 2 ngày lễ hoàn toàn có ý nghĩa khác nhau.
Tết Thanh Minh thực tế có nguồn gốc từ Trung Quốc, qua quá trình du nhập đã thay đổi cho phù hợp với văn hóa Việt Nam. Tiết Thanh Minh thực chất là một trong 24 tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch tới 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch.
Thanh Minh là âm Hán, dịch nghĩa thì Thanh là trong, Minh là sáng, Tiết Thanh Minh là khoảng thời gian khí trời trong sáng, thanh khiết, bầu trời quang đãng, mới mẻ. Tiết Thanh Minh kéo dài khoảng 15-16 ngày, ngày đầu của tiết Thanh Minh thì người ta chọn làm Tết Thanh Minh.